1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 8/4/2024: Giá hàng hoá nguyên liệu ‘đua nhau’ lập đỉnh

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của quý II, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Tuy nhiên, ngược lại, lực mua hoàn toàn áp đảo trên cả 3 nhóm mặt hàng còn lại bao gồm kim loại, năng lượng và nguyên liệu công nghiệp. 

Có đến 10 trên tổng số 31 mặt hàng ghi nhận mức tăng từ 4%. Nhiều mặt hàng quan trọng đã chạm các vùng đỉnh nhiều tháng, hỗ trợ chỉ số hàng hoá MXV-Index chốt tuần tăng tới 3,5% lên 2.316 điểm, thiết lập mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh gần 18% so với tuần trước đó, trung bình đạt 6.900 tỷ đồng mỗi ngày.

Nội dung

Giá bạc cao nhất 1 năm, giá đồng lập đỉnh 14 tháng

Thị trường kim loại khởi động tuần đầu tiên của tháng 4 với 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng mạnh. Với nhóm kim loại quý, giá bạch kim tăng 2,12% lên 940,6 USD/ounce. Đáng chú ý, mức tăng 10,38% đã đưa giá bạc chạm mốc 27,5 USD/ounce, cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

MXV cho biết, kim loại quý đón nhận lực mua tích cực nhờ phát huy tốt vai trò là hầm trú ẩn an toàn khi xung đột địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang.

Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu khiến chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn cũng giúp giá kim loại quý được hưởng lợi. Chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác, chốt tuần giảm 0,2% về 104,28 điểm, đứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Đồng bạc xanh gặp áp lực bán mạnh do số liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ công bố trong tuần trước, bao gồm số cơ hội việc làm và chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX cũng ghi nhận tuần giao dịch sôi động khi bật tăng 5,71%, lên mức cao nhất trong vòng 14 tháng. Triển vọng tiêu thụ khởi sắc trong khi nguồn cung đối diện với nguy cơ siết chặt đã giúp giá đồng tăng mạnh.

Dữ liệu tuần trước cho thấy lĩnh vực sản xuất toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều mở rộng hoạt động sản xuất sau nhiều tháng liên tiếp thu hẹp, làm tăng kỳ vọng về nhu cầu kim loại công nghiệp. Trong khi đó, về nguồn cung, các nhà máy luyện kim của Trung Quốc, nơi sản xuất hơn một nửa sản lượng đồng tinh luyện của thế giới, đang xem xét cắt giảm sản lượng.

Theo đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo thị trường đồng sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt nặng nề trong quý II và giá đồng dự kiến sẽ tăng 65% vào năm 2025.

Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt lại đi ngược chiều nhóm kim loại khi là mặt hàng duy nhất giảm giá trong tuần trước, để mất 2,66% về 98,35 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023. Giá nguyên liệu thô để sản xuất thép này đã gặp áp lực bán mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tiếp tục thực hiện việc kiểm soát sản lượng thép thô vào năm 2024.

Dầu thô tăng 6 ngày liên tiếp, duy trì quanh vùng giá cao nhất 5 tháng

Kết thúc tuần giao dịch ngày 1-7/4, giá dầu ghi nhận chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, duy trì vùng đỉnh cao nhất hơn 5 tháng qua. Hỗ trợ chính xuất phát từ yếu tố nguồn cung thu hẹp, trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tăng cao; đẩy dầu WTI chốt tuần tăng 4,5% lên sát 87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 4,79% lên 91,17 USD/thùng.

Trong tuần qua, cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào với chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện. Động thái này có nghĩa là khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày sẽ tiếp tục bị hạn chế cho đến cuối tháng Sáu.

Ngân hàng Mỹ (BofA) dự báo thị trường dầu mỏ sẽ thâm hụt khoảng 450.000 thùng dầu/ngày trong quý II và quý III, đồng thời dầu Brent sẽ hướng tới đỉnh khoảng 95 USD/thùng trong mùa hè. Nhà sản xuất khổng lồ của Saudi Arabia, Saudi Aramco đã đặt giá xuất khẩu dầu sang châu Á OSP ở mức cao hơn 2 USD so với mức trung bình của Oman/Dubai, tăng 30 cent so với giá tháng 4. Điều này thể hiện rõ triển vọng nguồn cung thiếu hụt, từ đó thúc đẩy lực mua dầu trong tuần qua.

Rủi ro địa chính trị cũng góp phần tác động mạnh tới đà tăng của giá dầu. Một cuộc tấn công của Israel vào đại sứ quán Iran ở Syria đã đánh dấu sự leo thang trong cuộc chiến ở dải Gaza. Lo ngại về cuộc xung đột mở rộng, bao gồm cả việc Israel trực tiếp đối đầu với Iran có tính đe dọa đáng kể tới nguồn cung dầu. Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC. Sản lượng dầu của Iran chiếm khoảng 3% tổng sản lượng thế giới.

Thêm vào yếu tố nguồn cung gián đoạn, một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, ảnh hưởng tới đơn vị chính xử lý khoảng 155.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Trong khi đó, Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc sửa chữa các nhà máy lọc dầu đã bị ảnh hưởng từ các cuộc tấn công trước đó.

Ngoài ra, công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh quốc gia hủy xuất khẩu 436.000 thùng dầu thô/ngày trong tháng 4 nhằm đảm bảo cho nguồn cung nhiên liệu trong nước.

MXV cho biết, trong tuần này, tâm điểm của thị trường sẽ tiếp tục hướng đến nhóm dầu thô, với các báo cáo tháng 4 của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) vào thứ ba (9/4) và báo cáo của nhóm OPEC vào thứ năm (11/4). Nhìn chung, giới phân tích đang kỳ vọng các số liệu sẽ phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tuy nhiên theo MXV, giá dầu đang có các mức chặn trên khá vững, ở vùng 95 – 100 USD/thùng, nên tạm thời giá dầu sẽ chưa thể vượt lên các vùng giá quan trọng này, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *