1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 6/6/2023: Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 6/6/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 6/6/2023.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá trong ngày hôm qua (05/06). Tuy nhiên, lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 0,33% lên 2.144 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục duy trì ổn định, đạt gần 4.900 tỷ đồng.

Thị trường Hàng hóa 6/6/2023: Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa

Nội dung

Đồng và quặng sắt nối dài đà tăng

Trên thị trường kim loại, giá bạch kim chốt phiên tại mức 1.036,4 USD/ounce sau khi tăng 3,28%, mức tăng cao nhất kể từ giữa tháng 04. Đây cũng là mặt hàng ghi nhận đà tăng mạnh nhất toàn thị trường trong ngày hôm qua.

Vào phiên tối, loạt dữ liệu được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất của Viện quản lý cung ứng (ISM) chỉ đạt 50,3 điểm trong tháng 05, thấp hơn mức dự báo và số liệu tháng 04. Hơn nữa, số đơn hàng nhà máy và đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền đều giảm so với tháng trước và không đạt được như kỳ vọng.

Điều này đã tạo sức ép, kéo đồng USD suy yếu trở lại; từ đó hỗ trợ lực mua các mặt hàng kim loại quý. Bạc cùng chung xu hướng với bạch kim, tuy nhiên, mức giảm mạnh trong phiên sáng đã khiến mặt hàng này chốt ngày 05/06 trong sắc đỏ.

Hơn nữa, theo báo cáo của công ty Heraeus, do bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế Mỹ và khu vực Liên minh châu Âu (EU) như hiện nay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu công nghiệp trong một thời gian dài, trong đó có sản lượng pin mặt trời, sản phẩm tiêu thụ bạc lớn.

Thị trường Hàng hóa 6/6/2023: Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng và giá sắt duy trì được đà tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ cải thiện. Đóng cửa, giá đồng COMEX tăng 1,09% và giá sắt tăng 1,10% lên mức 105,04 USD/tấn.

Theo dữ liệu ngày 05/06 của công ty Earth-I, tổ chức theo dõi 80-90% các lò luyện kim trên toàn cầu, cho thấy hoạt động luyện đồng trên toàn cầu hồi phục nhẹ trong tháng 05 do các nhà máy luyện kim hàng đầu của Trung Quốc tăng cường sản xuất.

Cụ thể, chỉ số phân tán đồng toàn thế giới của Earth-i tăng lên mức 46,2 điểm trong tháng 05 từ mức 44 điểm trong tháng 04, là mức thấp nhất kể từ tháng 03/2021. Trong đó, chỉ số phân tán đồng của riêng Trung Quốc đạt mức 52,7 điểm trong tháng 05, tăng 10,6 điểm so với tháng 04. Thước đo trên 50 điểm cho thấy các nhà máy luyện kim đang hoạt động ở mức tốt.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ có phần cải thiện thì nguồn cung có dấu hiệu sụt giảm. Ủy ban đồng Chile Cochilco cho biết tổng sản lượng đồng của Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới đạt 412.200 tấn trong tháng 4, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 5,8% so với tháng 3.

Đối với thị trường quặng sắt, giá sắt đang nhận được động lực tăng chính nhờ kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg News, Trung Quốc gần đây đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực được coi là trụ cột kinh tế của nước này và là động lực tiêu thụ chính của sắt thép.

Cà phê dẫn dắt đà tăng nhóm nguyên liệu công nghiệp

Kết thúc ngày giao dịch 05/06, giá đường giảm phiên thứ 5 liên tiếp và đóng cửa giảm 1,33%. Các thương nhân cho biết, hoạt động sản xuất khẩu đường trong tháng 05 tại Brazil diễn ra tích cực với mức tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, giúp giảm bớt những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường vật chất.

Bên cạnh đó, Indonesia hiện đang lên kế hoạch tăng 8,3% sản lượng đường trắng trong năm 2023, đưa nhập khẩu giảm về dưới 1 triệu tấn, từ mức trên 1 triệu tấn trong năm 2022, Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) cho biết.

Thị trường Hàng hóa 6/6/2023: Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa

Ở chiều ngược lại, với mức tăng tương đối mạnh, hai mặt hàng cà phê dẫn dắt đà khởi sắc của toàn thị trường. Cà phê Arabica đóng cửa cao hơn 1,55% so với tham chiếu nhờ hỗ trợ từ lo ngại nguồn cung sụt giảm trong ngắn hạn.

MXV cho biết, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm thêm 8.424 bao loại 60kg trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, giá Robusta cũng ghi nhận mức tăng khá tốt với 1,24% so với tham chiếu. Tương tự Arabica, nguồn cung khan hiếm cũng là vấn đề quan trọng đối với Robusta ở thời điểm hiện tại và là yếu tố chính hỗ trợ giá.

Lượng hàng dự trữ gần như đã cạn kiệt tại Việt Nam khi mùa vụ mới đang trong giai đoạn phát triển, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung kém tích cực tại Brazil và Indonesia, khiến nông dân hạn chế bán hàng. Nguồn cung đẩy ra thị trưởng ở mức thấp trong khi nhu cầu tăng cao từ các nhà máy sản xuất, giúp giá duy trì được lợi thế tăng tốt.

Giá dầu tăng, giá khí tự nhiên tăng 3%

Giá dầu tăng, sau khi nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – Saudi Arabia – cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày (bpd) từ tháng 7/2023, để đối phó với những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô khiến thị trường suy thoái.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/6, dầu thô Brent tăng 58 US cent lên 76,71 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 78,73 USD/thùng trong phiên và dầu thô Tây Texas WTI tăng 41 US cent lên 72,15 USD/thùng, sau khi đạt 75,06 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều tăng hơn 2%.

Bộ Năng lượng Saudi cho biết, sản lượng của vương quốc này sẽ giảm xuống 9 triệu bpd trong tháng 7/2023 từ khoảng 10 triệu bpd trong tháng 5/2023. Việc tự nguyện cắt giảm sản lượng lớn nhất của Saudi Arabia trong nhiều năm qua, nằm trong thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024, khi OPEC+ tìm cách tăng giá dầu đang giảm.

OPEC+ cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và mục tiêu cắt giảm sản lượng tổng cộng là 3,66 triệu bpd, chiếm khoảng 3,6% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

Các nhà phân tích Goldman Sachs cho biết, thỏa thuận sản lượng là « tăng vừa phải » đối với thị trường dầu và có thể đẩy giá dầu Brent giao tháng 12/2023 tăng 1-6 USD/thùng, tùy thuộc vào thời gian Saudi Arabia duy trì sản lượng ở mức 9 triệu bpd.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 3%, do dự báo năng lượng gió giảm, thời tiết ấm và nhu cầu điều hòa trong 2 tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó, xuất khẩu sang Mexico và giá khí đốt toàn cầu tăng.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn New York tăng 7,3 US cent tương đương 3,4% lên 2,245 USD/mmBTU.

Giá ngô và đậu tương giảm, lúa mì tăng

Giá ngô và đậu tương trên sàn Chicago giảm, do các dấu hiệu nhu cầu xuất khẩu đối với nguồn cung của Mỹ giảm.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 11-1/2 US cent xuống 5,97-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 2-1/2 US cent xuống 13,5 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 5 US cent lên 6,24 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *