1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 31/3/2023: Yếu tố cung cầu trở lại, giá hàng hoá thế giới xu hướng tăng

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua 30/03, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới lấy lại đà tăng sau phiên suy yếu nhẹ trước đó. Tuy nhiên, đà tăng khiêm tốn thể hiện qua mức tăng nhẹ 0,19% lên 2.281 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.900 tỷ đồng.

Thị trường Hàng hóa 31/3/2023: Yếu tố cung cầu trở lại, giá hàng hoá thế giới xu hướng tăng

Nội dung

Đồng USD suy yếu hỗ trợ giá kim loại quý

Sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại với điểm sáng thuộc về nhóm kim loại quý. Giá bạc tăng 2,23% lên 23,99 USD/ounce, và giá bạch kim cũng tăng 2% lên 996,9 USD/ounce.

Sự suy yếu của đồng USD vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đã giảm về 102,14 điểm, mức đóng của thấp nhất kể từ đầu tháng 2 tới nay. Bên cạnh đó, GDP quý IV của Mỹ được công bố hôm qua chỉ tăng 2,6%, thấp hơn so với cả tăng trưởng của quý III cũng như ước tính của các nhà phân tích trước đó. Thông tin này làm phản ánh những áp lực nhất định mà nền kinh tế phải gánh chịu khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất trong vòng một năm qua. Lo ngại tăng trưởng kinh tế kém và nguy cơ suy thoái đã khiến cho dòng tiền phân bổ vào thị trường kim loại quý.

Giá bạc hiện đang ở mức cao nhất trong gần hai tháng, còn giá bạch kim đang tìm cách khôi phục lại mức 1000 USD/ounce. Trong khi giá vàng luôn neo ở mức cao gần 2000 USD/ounce, dòng tiền hướng sang thị trường bạc, do định giá của kim loại này  hiện đang hấp dẫn hơn. Bên cạnh vai trò trú ẩn, giá kim loại quý cũng tăng khi mà Ngân hàng Trung ương Mexico và Ngân hàng Trung ương Nam Phi, hai quốc gia sản xuất bạc và bạch kim lớn nhất thế giới đã tiến hành tăng lãi suất. Động thái này làm cho chi phí khai thác và sản xuất kim loại quý tăng lên cùng với tỷ giá của các đồng Peso (Mexico) và đồng Rand (Nam Phi) so với đồng USD.

Thị trường Hàng hóa 31/3/2023: Yếu tố cung cầu trở lại, giá hàng hoá thế giới xu hướng tăng

Đối với nhóm kim loại cơ bản, xu hướng đi ngang vẫn duy trì, khi mà giá đồng đóng cửa gần như không đổi, chỉ nhích nhẹ 0,12% lên 4,09 USD/pound. Sự suy yếu của đồng bạc xanh không mang lại nhiều hỗ trợ đáng kể với giá đồng, bởi dòng tiền trên thị trường tài chính yếu cùng với triển vọng mờ mịt.

Mới đây, các công ty sản xuất đồng tại Peru, nhà xuất khẩu đồng lớn thứ hai thế giới, đang kỳ vọng tăng sản lượng trong năm 2023, do hoạt động khai thác và vận chuyển được phục hồi sau các cuộc biểu tình lớn vào đầu năm nay. Dữ liệu điện từ cơ quan điện lực tư nhân COS của Peru, cho thấy hoạt động tại các mỏ hàng đầu của Peru đã ổn định kể từ đầu tháng 3. Peru đã sản xuất khoảng 2,44 triệu tấn đồng vào năm ngoái, tăng 4,8% so với năm 2021 và rất gần với mức tối đa trước đại dịch Covid-19.

Sắc xanh tiếp tục duy trì trên thị trường quặng sắt, với mức giá đóng cửa tăng 2,02% lên 125,33 USD/tấn. Các nhà phân tích tại China International Capital Corporation và Viện Nghiên cứu dữ liệu Jiangsu Fushi của Trung Quốc mới đưa ra dự báo sản lượng quặng sắt của Trung Quốc có thể đạt khoảng 290 triệu tấn trong năm 2023, mức cao nhất trong 8 năm. Sản lượng được dự báo tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế dần khôi phục sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID-19 và đặc biệt là khi hoạt động khai thác tại một số mỏ mới sắp đi vào hoạt động. Dù tăng, nhưng giá quặng sắt vẫn duy trì khoảng đi ngang từ 120 – 130 USD trong vòng hai tháng qua.

Sáng nay, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất của Trung Quốc sẽ được công bố. Số liệu này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá của các mặt hàng kim loại cơ bản.

Giá dầu tăng trở lại trước lo ngại nguồn cung

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 ngày 31/03, giá dầu tăng trở lại và đạt mức cao nhất hơn 2 tuần, trong bối cảnh những gián đoạn từ nguồn cung phía khu vực Iraq và kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc hỗ trợ cho giá. Giá dầu WTI kết phiên với mức tăng 1,92% lên 74,37 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,3% lên 78,6 USD/thùng.

Thị trường Hàng hóa 31/3/2023: Yếu tố cung cầu trở lại, giá hàng hoá thế giới xu hướng tăng

Những sự bất đồng giữa Baghdad và khu vực bán tự trị Kurdistan tiếp diễn đã làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu thô. Iraq đã buộc phải dừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, từ khu vực Kurdistan thông qua một đường ống chạy từ các mỏ dầu đến cảng Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Citigroup cho biết những thay đổi tại Iraq có thể sớm dẫn đến một giải pháp chính trị bền vững, ước tính rằng lưu lượng đường ống có thể tăng 200.000 thùng/ngày.

Những gián đoạn từ phía nguồn cung dầu từ Iraq đã bù đắp cho việc sản lượng dầu thô của Nga đã giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3, thấp hơn mức cắt giảm mục tiêu 500.000 thùng/ngày, yếu tố đã khiến giá suy yếu nhẹ trong phiên sáng. Theo tính toán của Reuters, tổng xuất khẩu các loại dầu thô từ Nga trong tháng 4 tại cảng Novorossiisk của Nga sẽ tăng 26% so với kế hoạch tháng 3.

Bên cạnh gián đoạn nguồn cung từ phía Iraq, yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá là kỳ vọng nhu cầu gia tăng tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc. Nhà sản xuất dầu khí hàng đầu châu Á, PetroChina cho biết mức tiêu thụ nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc trong năm nay có khả năng tăng 3% so với mức trước đại dịch COVID năm 2019. Dự đoán về việc nhu cầu nhiên liệu sẽ dần phục hồi trong nước, gã khổng lồ dầu khí này đã đặt mục tiêu tăng sản lượng lọc dầu thêm 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 6,6% so với năm 2022.

Các nhà phân tích của FGE giá dầu có thể sẽ dao động quanh mức 75-85 USD/thùng trong những tháng tới với điều kiện tình hình trên thị trường tài chính ổn định.

Trong khi đó, theo Reuters, 5 đại biểu từ phía Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cho rằng nhóm có thể sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hiện có tại cuộc họp vào đầu tuần sau. Một đại biểu cho biết các hạn chế của người Kurd và việc giảm giá gần đây không đủ quan trọng để ảnh hưởng đến lộ trình chính sách chung của OPEC+ cho năm 2023.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm 3,66% xuống 2,1 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh trong ngày hôm qua. Sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã tăng lên 98,6 tỷ feet khối cho đến nay trong tháng 3, tăng từ mức 98,1 tỷ feet khối vào tháng Hai. Trong khi đó, thời tiết được dự báo tiếp tục ấm hơn cho đến giữa tháng 4 làm giảm nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình. Dự báo từ Reuters cho biết nhu cầu khí đốt tại Mỹ sẽ giảm từ 110,6 tỷ xuống 103,5 tỷ feet khối vào tuần tới. Điều này đã gây áp lực tới giá khí.

Các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đồng loạt tăng giá

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 38 USD, tương đương 1,8%, lên 2.171 USD/tấn, quay trở lại mức cao nhất trong 6,5 tháng chạm tới hôm thứ Ba, là 2.250 USD.

Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng khi một số nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta vào hỗn hợp pha trộn vì giá rẻ hơn arabica.

Cà phê arabica giao tháng 5 ít thay đổi, ở mức 1,698 USD/lb.

Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia lúc đóng cửa đạt mức cao nhất trong hơn một tuần, là phiên tăng thứ tư liên tiếp, được củng cố bởi các loại dầu ăn khác cũng tăng giá và dự đoán sản lượng giảm.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 6 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đã tăng 84 ringgit, tương đương 2,27%, lên 3.791 ringgit (857,69 USD).

Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn Đại Liên tăng 1,34%, trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn này tăng 1,33%. Giá dầu đậu tương trên Sàn giao dịch thương mại Chicago Btăng 0,02%.

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng cao vào thứ Năm do giảm bớt lo ngại về lĩnh vực ngân hàng và Trung Quốc báo hiệu cam kết cải cách và mở cửa kinh tế.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,8 yên, tương đương 0,4%, lên 209,1 JPY(1,58 USD)/kg, kết thúc 2 phiên giảm giá trước đó.

Hợp đồng cao su SNRv1 giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 11.900 CNY (1.730,31 USD)/tấn.

Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn ICE đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của đồng USD và các nhà kinh doanh sợi tự nhiên mong chờ Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo về tình hình trồng trọt.

Hợp đồng bông giao tháng 5 tăng 0,4 cent lên 83,46 cent/lb, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 3, là 83,95 USD.

Báo cáo hàng tuần của USDA trước đó cho thấy xuất khẩu bông của Mỹ tuần này đạt 341.000 kiện, tăng 25% so với tuần trước và 31% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Các điểm đến chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc.

Lúa mì giảm từ mức cao nhất 1 tháng

Giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tương lai giảm vào thứ Năm do hoạt động bán chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất trong một tháng ở phiên trước đó và nhắc nhở về sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu lúa mì trên phạm vi toàn cầu.

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn tương lai cũng giảm khi các thương nhân cân bằng vị thế trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố các báo cáo về tình hình dự trữ và trồng trọt.

Giá lúa mì giao tháng 5 trên Sàn giao dịch thương mại Chicago giảm 12,5 US cent xuống 6,92-1/4 USD/bushel, một ngày sau khi tăng lên 7,24 USD, mức cao nhất trong một tháng. Giá ngô giao cùng kỳ hạn kết thúc giảm 1 US cent xuống 6,49-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 2-3/4 US cent xuống 14,74-1/2 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *