Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 22/09, diễn biến giằng co tiếp tục bao trùm toàn thị trường. Tâm lý lo ngại về nguồn cung và đồng USD trồi sụt đã tác động lên giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu trong phiên 22/9.
Nội dung
Giá dầu nhích trở lại trong một phiên giao dịch giằng co
Giá dầu tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường giằng co với 1 bên là triển vọng kinh tế tiêu cực và một bên là các bất ổn trong nguồn cung. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0,66% lên 83,49 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,82% lên 89,53 USD/thùng.
Đà tăng của dầu được hỗ trợ bởi thông tin các nước châu Âu EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 8 lên Nga. Biện pháp này có thể phần nào gây gián đoạn dầu của Nga, trong khi trên thị trường không có nhiều nguồn cung thay thế. Theo bộ trưởng năng lượng Nigeria, OPEC có thể sẽ cắt giảm sản lượng nếu giá dầu tiếp tục giảm. Tại vùng giá hiện tại, một số thành viên trong nhóm sẽ gặp khó khăn trong ngân sách. Đây là yếu tố sẽ liên tục tạo ra hỗ trợ cho giá dầu tại vùng giá 80 USD/thùng, và tạo ra lực mua “bắt đáy” mỗi khi giá tiến sát vùng này.
Tuy vậy, giá dầu nhanh chóng gặp áp lực trở lại khi tiến đến kháng cự vùng 86 USD/thùng. Lực bán tiếp tục gia tăng khi ngân hàng trung ương Anh BOE tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm, theo sau quyết định tăng lãi suất 75 điểm phần trăm của Fed ngày hôm trước. Trong tuần này, Thụy Sĩ, Na Uy, Nam Phi, Indonesia cũng đã tiến hành tăng lãi suất, khiến cho áp lực gia tăng trên thị trường tài chính nói chung. Lo ngại về các hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng suy yếu là yếu tố trực tiếp tác động tiêu cực lên các mặt hàng nhóm năng lượng. Trong khi đó, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển về tài sản trú ẩn, đặc biệt là Dollar Mỹ. Chênh lệch lãi suất giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác khiến cho Dollar Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư và khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Khí đốt giảm mạnh ở Mỹ, tăng ở châu Âu
Giá khí tự nhiên tai Mỹ giảm khoảng 9% xuống mức thấp nhất gần 10 tuần vào thứ Năm do lượng dự trữ lớn hơn dự kiến, sản lượng cao kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa cho đến đầu tháng 10, sẽ cho phép các công ty tiếp tục tích trữ khí trong những tuần tới.
Hợp đồng khí đốt giao sau 1 tháng trên thị trường Mỹ giảm 69,0 cent, tương đương 8,9% xuống 7,089 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 15/7.
Đó là mức giảm theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất của hợp đồng kỳ hạn 1 tháng kể từ tháng 6, khi giảm khoảng 17%.
Bất chấp sự sụt giảm gần đây, giá khí đốt kỳ hạn tương lai tại Mỹ vẫn tăng khoảng 92% từ đầu năm đến nay do giá ở châu Âu và châu Á tăng khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh.
Tại Châu Âu, giá khí đốt được giao dịch quanh mức 54 USD/mmBtu, trong khi ở châu Á là 40 USD.
Giá đường khởi sắc do nguồn cung thu hẹp
Kết thúc ngày giao dịch 22/09, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự phân hóa.
Dẫn đầu xu hướng tăng của nhóm là 2 mặt hàng đường với mức tăng tương ứng gần 3% của đường trắng và hơn 1% của đường tinh luyện. Việc mưa lớn diễn ra trong một khoảng thời gian dài tại khu vực trồng mía chính, đã khiến tiến độ thu hoạch bị đình trệ, từ đó giới hạn nguồn cung trong ngắn hạn tại Brazil. Bên cạnh đó, giá dầu có sự khởi sắc do những căng thẳng địa chính trị, khiến các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol hơn so với đường. Điều này một lần nữa đẩy nguồn cung đường vào thế suy yếu, đồng thời hỗ trợ đà tăng của giá.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi giá cao su trên thị trường Thượng Hải mạnh và đồng yên giảm so với đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết giữ thái độ “diều hâu” tới năm 2023 để kiềm chế lạm phát.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 tại Sở giao dịch Osaka tăng 2,3 yên, tương đương 1,0%, lên 228,6 yên (1,57 USD)/kg. Trong tuần này, giá đã tăng 2%. Thị trường Nhật Bản sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Sáu.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giao tháng 1, tăng 145 nhân dân tệ lên mức 13.205 nhân dân tệ (1.862 USD)/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 2,25 cent, tương đương 1,0%, lên 2,2355 USD/lb.
Ngân hàng Rabobank cho biết lượng mưa tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil – trong hai tuần tới dự kiến sẽ ở mức tốt, và kỳ vọng mùa mưa năm nay ở Brazil nói chung sẽ trở lại bình thường để hỗ trợ sự ra hoa của cây cà phê trong vụ mùa 2023/24.
Giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 12 USD, tương đương 0,5% lên 2.238 USD/tấn.
Giao dịch cà phê ở Việt Nam tiếp tục chững lại trong tuần này do thiếu hạt cà phê, các thương nhân đang chờ vụ mùa mới bắt đầu vào tháng sau, trong khi nguồn cung bắt đầu giảm ở Indonesia vào cuối vụ thu hoạch ở đó.
Bông giảm
Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn New York giảm vào thứ Năm trong bối cảnh lo lắng dai dẳng về nhu cầu và đồng USD tăng cao. Tâm lý chung của thị trường hàng hóa và tài chính là sự lo ngại về nhu cầu, gây áp lực lên giá hàng hóa nói chung, trong đó có bông.
Hợp đồng bông giao tháng 12 kết thúc phiên giảm 0,71 cent tương đương 0,7% xuống 96,21 cent/lb.
Trong phiên liền trước, thứ Tư ngày 21/9, giá đã kết thúc chuỗi ba phiên giảm và tăng 4,3% từ mức thấp nhất trong bảy tuần, được thúc đẩy bởi thị trường chứng khoán tăng điểm. Tuy nhiên, xu hướng giá tăng đã không thể kéo dài.
Ở chiều ngược lại, đồng Dollar Mỹ tiếp tục neo ở mức cao trong vòng 20 năm qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất với 75 điểm cơ bản. Thông tin này đã đẩy giá bông Mỹ trở nên đắt hơn so với khách hàng nắm giữ các đồng tiền khác, khiến lực mua suy yếu. Bên cạnh đấy, thời tiết tại Mỹ cũng được dự báo đang rất ủng hộ cho quá trình thu hoạch bông tại các bang sản xuất chính, dự kiến sẽ cung cấp một lớn bông cho thị trường trong thời gian tới, đồng thời gây áp lực lên giá.
Trong khi đó, bất chấp việc dự trữ dầu cọ trong tháng 12 năm nay của Indonesia có thể giảm mạnh do miễn thuế nhập khẩu, cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao từ Ấn Độ, giá mặt hàng này trong phiên hôm qua vẫn ghi nhận mức giảm 1,57%.
Nhôm hồi phục
Giá nhôm kết thúc chuỗi 4 phiên giảm giá và tăng trong phiên vừa qua do thị trường lạc quan rằng các biện pháp kích thích sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các kim loại tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London đã tăng 1,2% lên 2,228 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong 18 tháng ở phiên trước đó.
“Dữ liệu của Trung Quốc có thể mang lại một số hy vọng rằng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng của họ đang bắt đầu mang lại kết quả nào đó về nhu cầu cuối cùng đối với kim loại công nghiệp”, Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa thuộc công ty WisdomTree ở London, cho biết.
Quặng sắt phục hồi
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường Trung Quốc tăng trở lại từ mức thấp nhất trong hai tuần, được hỗ trợ bởi sản lượng thép tăng ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Trung Quốc – và kỳ vọng nhu cầu tăng đối với nguyên liệu sản xuất thép trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng của nước này.
Quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, kỳ hạn tháng 1, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch ở mức tăng 3,2% lên 718 nhân dân tệ (101,47 USD)/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 2,8% lên 98,35 USD/tấn.
Các nhà phân tích của công tyHuatai Futures cho biết giá quặng sắt có thể tiếp tục dao động, “có tính đến việc các khách hàng bổ sung lượng mua trước kỳ nghỉ lễ, nhu cầu thấp hơn dự kiến (thép hạ nguồn) và các tác động vĩ mô bất lợi”.
Lúa mì cao nhất 2 tháng
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai của Mỹ thiết lập mức cao nhất trong hai tháng vào thứ Năm do rủi ro xung đột sâu sắc ở Ukraine và thời tiết khô hạn ở các vùng trồng trọt của Argentina và Đồng bằng nước Mỹ Mỹ, các thương nhân cho biết.
Giá lúa mì giao tháng 12 tăng 7 US cent lên 9,10-3/4 USD/bushel vào lúc kết thúc phiên giao dịch, sau khi có thời điểm đạt 9,22-1/2 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/7.
Giá ngô tăng theo lúa mì, trong khi đậu tương giảm. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên tăng 2-3/4 cent lên 6,88-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 4-1/4 cent xuống 14,57 USD/bushel.
Điều kiện khô hạn đang bao trùm vùng Đồng bằng phía nam Mỹ, nơi nông dân đang trồng vụ lúa mì vụ đông 2023.