Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa ngày giao dịch hôm qua với diễn biến giá phân hoá. Năng lượng là nhóm duy nhất chịu sức ép bán trong khi lực mua chiếm ưu thế đối với 3 nhóm mặt hàng còn lại. Chốt ngày, chỉ số MXV- Index tăng nhẹ 0,23% lên 2.378 điểm.
Nội dung
Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất 4 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, cà phê Arabica ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng mạnh 2,21% trước bối cảnh giá tăng vọt trên thị trường vật chất khi các nước cung ứng chính hạn chế bán hàng. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong 20 ngày đầu tháng 02 nước này chỉ đẩy ra thị trường 1,3 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30,48% so với mức 1,87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Nhờ hỗ trợ từ Arabica, Robusta tăng 0,76% khi kết thúc phiên hôm qua. Số liệu xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 02 tại Việt Nam suy yếu gần 2% so với cùng kỳ tháng trước đã hỗ trợ giá duy trì được sự khởi sắc. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London nối tiếp đà tăng lên mức 63.540 tấn, đã phần nào gây sức ép khiến mức tăng bị điều chỉnh nhẹ lại.
Dầu cọ quay đầu suy yếu trong phiên hôm qua với giảm 0,62%. Với việc giá liên tục tăng trong ba phiên trước đó, động lực tăng đến từ tình hình xuất khẩu tích cực của Malaysia trong tháng 02 đã yếu dần và áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư chiếm ưu thế hơn trong phiên hôm nay và giá dầu cọ đóng cửa với mức giảm 0,62%. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 02 của Malaysia đạt 712.740 tấn, tăng 8,8% so với mức 653.888 tấn cùng kỳ tháng trước.
Nhóm đậu tương đồng loạt tăng giá
Quay trở lại giao dịch sau phiên nghỉ lễ, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường đậu tương. Giá bật tăng mạnh ngay khi mở cửa và đà tăng vẫn tiếp tục được duy trì trong phiên tối khiến giá đậu tương ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Trong bối cảnh thị trường không xuất hiện thêm yếu tố cơ bản mới, những số liệu cập nhật về tình trạng kém khả quan của mùa vụ ở Nam Mỹ đã khiến giá quay trở lại đà tăng sau tuần điều chỉnh trước đó.
MXV dẫn tin từ công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural cho biết, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 tại Brazil đạt 25% kế hoạch tính tới thứ Năm tuần trước, đánh dấu mức tăng 8% so với một tuần trước đó. Tuy vậy, tiến độ năm nay vẫn chậm hơn so với mức 33% cùng kỳ năm trước. Theo MXV, mưa liên tục ở các bang Parana và Mato Grosso do Sul khiến hoạt động sản xuất bị trì hoãn và gây ra một số lo ngại về chất lượng mùa vụ. Theo đó, dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil hạ xuống còn 150,9 triệu tấn, từ mức 152,9 triệu tấn ước tính trước đó. Nguy cơ sản lượng đậu tương của Brazil tiếp tục bị thiệt hại trong thời gian thu hoạch tới đã thúc đẩy giá bật tăng mạnh. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết khô hạn vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở Argentina trong tuần này, khiến cho những kỳ vọng của thị trường về khả năng cây trồng cải thiện gần như bị xoá bỏ và cũng góp phần hỗ trợ giá đậu tương.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho thấy, Mỹ đã xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn đậu tương tính đến hết tuần trước và với tốc độ này, dự kiến khối lượng đậu tương xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm có thể đạt mức kỷ lục 14 triệu tấn. Nhu cầu đối với nguồn cung từ Mỹ gia tăng đã thúc đẩy đà tăng của giá đậu tương CBOT.
Tương tự như đậu tương, giá khô đậu cũng bật tăng mạnh khi mở cửa nhưng thị trường diễn biến rung lắc hơn. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung thắt chặt ở 2 quốc gia ép dầu lớn tại Nam Mỹ vẫn là yếu tố cơ bản đủ mạnh để giúp giá khô đậu vẫn đóng cửa phiên với mức tăng hơn 1% và giá dầu đậu quay trở lại mức cao nhất trong 1 tháng vừa qua.
Giá nhôm cao nhất hơn 1 tuần, đồng cao nhất gần 3 tuần
Giá nhôm tăng lên mức cao hơn hơn 1 tuần, do lo ngại về việc cắt giảm sản lượng tại nước sản xuất hàng đầu – Trung Quốc, song tồn trữ tăng đã hạn chế đà tăng giá.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,3% lên 2.465 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/2/2023 (2.485 USD/tấn).
Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất nhôm giảm tiêu thụ điện năng thêm 40-42% so với mức của tháng 9/2022, trước tình trạng khan hiếm nguồn cung đang diễn ra.
Nhà phân tích Geordie Wilkes thuộc Sucden Financial cho biết: “Giá nhôm được hỗ trợ bởi triển vọng cắt giảm công suất tại Trung Quốc do thiếu điện. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng khi nhu cầu theo mùa bắt đầu tăng trong tháng 3/2023”.
Các nhà phân tích ước tính việc cắt giảm sản lượng tại các nhà máy luyện kim của Trung Quốc kể từ giữa năm 2022, sẽ khiến nguồn cung tại nước tiêu thụ hàng đầu xuống dưới 40 triệu tấn vào cuối tháng 2/2023.
Tuy nhiên, tồn trữ nhôm tại London tăng gần gấp đôi lên 581.300 tấn kể từ ngày 6/2/2023 và tồn trữ nhôm tại Thượng Hải tăng 360% kể từ cuối tháng 12/2022 lên 249.598 tấn.
Đồng thời, giá đồng tăng 0,3% lên 9.172,5 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/2/2023 (9.211,5 USD/tấn).
Giá sắt thép tiếp đà tăng
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore tăng vượt ngưỡng 130 USD/tấn, sau khi công ty khai thác lớn nhất thế giới – BHP Group BHP.AX – cho thấy triển vọng nhu cầu sáng sủa tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên tăng 3,4% lên 919 CNY (133,8 USD)/tấn, trước đó trong phiên đạt 922 CNY/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Singapore tăng hơn 11 USD tương đương 9% lên 139,8 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,1%, thép cuộn cán nóng tăng 1,4%, thép cuộn tăng 3% và thép không gỉ tăng 1,6%.