1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 18/10/2022: Áp lực vĩ mô lấn át kéo giá dầu suy yếu nhẹ

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 17/10, nhiều mặt hàng trên thị trường hàng hoá diễn biến tương đối giằng co.Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), dẫn đầu đà suy yếu là các mặt hàng trong nhóm năng lượng, đặc biệt là mức giảm hơn 7% của giá khí tự nhiên xuống mức thấp nhất kể từ ngày 07/07. Trong khi đó, giá dầu thô biến động thận trọng, song vẫn kết thúc phiên trong sắc đỏ trước lo ngại suy thoái kinh tế có thể cản trở sức tiêu thụ. Nhiều nguyên liệu kim loại cơ bản cũng đồng loạt gặp áp lực bán trong ngày.

Nội dung

Giá dầu giảm trở lại trong phiên tối khi lo ngại về suy thoái kinh tế

Giá dầu giảm rất nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường giằng co giữa lo ngại về suy thoái kinh tế và các tín hiệu tích cực về nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/10, giá WTI giảm 0,18% xuống 85,46 USD/thùng, giá Brent gần như không thay đổi ở 91,62 USD/thùng.

Trong phiên sáng, giá có lúc tăng nhẹ sau khi Trung Quốc cho biết sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng năng lượng như than và dầu. Kỳ vọng về gia tăng sức mua của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới đã hỗ trợ lực mua, bất chấp thông tin Trung Quốc tiếp tục tiến hành phong tỏa thành phố với gần 1 triệu dân tại Trịnh Châu, một trong các thành phố sản xuất lớn.

Thị trường Hàng hóa 18/10/2022: Áp lực vĩ mô lấn át kéo giá dầu suy yếu nhẹ

Tuy vậy, giá gặp áp lực trở lại khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thể hiện quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed St.Louis cho biết lạm phát đã trở nên nguy hiểm, báo hiệu đợt tăng lãi suất 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11. Trong khi đó, quỹ tiền tệ IMF cảnh báo tăng trưởng GDP tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong 2023 sẽ ở mức rất thấp chỉ khoảng 0,5%. Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, đặc biệt do các bất ổn về nguồn cung nhiên liệu từ Nga khiến cho châu Âu chịu rủi ro suy thoái lớn hơn rất nhiều so với Mỹ. Chênh lệch Brent – giá tham chiếu tiêu chuẩn chủ yếu tại châu Âu và WTI – giá tham chiếu tiêu chuẩn tại Mỹ nới rộng trên 5 USD/thùng thay vì 2-3 USD/thùng như năm ngoái phần nào cho thấy châu Âu đang phải đưa ra mức giá cạnh tranh hơn để đảm bảo nguồn cung đầu vào.

Ngoài ra, tại Mỹ, sản lượng dầu có dấu hiệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Theo báo cáo mới của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, sản lượng dầu ở Texas và New Mexico, khu vực chứa dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, sẽ tăng 50.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 5,453 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Đây sẽ là yếu tố kìm hãm giá WTI nhiều hơn so với giá Brent.

Khí gas giảm 7%

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm khoảng 7% xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào thứ Hai do dự báo thời tiết ở Mỹ ôn hòa hơn và nhu cầu vào tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 giảm 45,4 cent, tương đương 7,0% xuống 5,999 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 7. Đó là mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 22 tháng 9 – khi giá giảm khoảng 9%.

Các mặt hàng kim loại cơ bản đồng loạt gặp sức ép bán

Trên thị trường kim loại, nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản có sự phân hoá. Đối với nhóm kim loại quý, bạc kết thúc chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp, bật tăng mạnh mẽ 3,59% từ vùng hỗ trợ cứng 18 USD/ounce, đóng cửa tại mức giá 18,72 USD/ounce. Bạch kim ghi nhận mức giá cao nhất trong 1 tuần sau khi tăng 2,09% lên mức 913,6 USD/ounce.

Đà suy yếu hơn 1% của chỉ số Dollar Index trong phiên hôm qua đã hỗ trợ cho mức tăng mạnh mẽ của bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với biến động của đồng USD. Tân Bộ trưởng Tài chính nước Anh, Jeremy Hunt đã đảo ngược kế hoạch kinh tế cắt giảm thuế của Thủ tướng Liz Truss vốn tạo ra nhiều tranh cãi và biến động mạnh trên thị trường tài chính. Theo chính sách mới, với việc ngừng cắt giảm thuế theo kế hoạch, dự kiến sẽ thu về 32 tỷ bảng Anh (36 tỷ USD) đã giúp đồng bảng Anh bật tăng mạnh mẽ. Điều này gây sức ép tới đồng Dollar Mỹ do đó, giúp lực mua quay lại thị trường kim loại quý do áp lực về chi phí nắm giữ vật chất giảm.

Thị trường Hàng hóa 18/10/2022: Áp lực vĩ mô lấn át kéo giá dầu suy yếu nhẹ

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX biến động giằng co trong phiên khi các nhà đầu tư tập trung phân tích các thông tin trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng 5 năm 1 lần. Mở cửa phiên, đồng COMEX đón nhận lực mua khá tích cực khi ông Tập tiếp tục cho thấy phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu, làm gia tăng niềm tin vào các gói kích thích kinh tế và do đó, hỗ trợ cho giá.

Tuy nhiên, việc ông Tập đánh giá chính sách Zero Covid một cách tích cực khi đã giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch trong giai đoạn vừa qua làm dấy lên lo ngại rằng chính sách này sẽ còn tiếp tục được duy trì. Triển vọng tiêu thụ kim loại gặp thách thức đã khiến cho phần lớn các mặt hàng trong nhóm này kết phiên trong sắc đỏ. Đồng COMEX chốt ngày tại mức giá 3,41 USD/pound, thấp hơn phiên trước đó 0,23%.

Giá quặng sắt giảm 2,3% xuống 91,61 USD/tấn khi các nhà đầu tư vẫn chưa tìm thấy thông tin hỗ trợ nào đối với ngành bất động sản đang bị đình trệ trong bài phát biểu của ông Tập tại cuộc họp.

Ngành thép trong nước chờ đợi sự khởi sắc trong giai đoạn cuối năm

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm của nước ta trong tháng 9 đạt 2,446 triệu tấn, tăng 23,41% so với tháng 8/2022 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021. Việc giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc hay thép phế liệu nhập khẩu duy trì ở mức thấp đã làm giảm bớt áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất thép. Trong tháng 9, bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, ghi nhận mức giảm 7,19% so với tháng trước đó và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo MXV, giai đoạn cuối năm sẽ là thời điểm các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ, và việc giải ngân đầu tư công cũng sẽ được tăng tốc. Mặc dù còn nhiều sức ép, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu, song nhu cầu thép nội địa tăng lên vào cuối năm sẽ đem lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp thép nội địa.

Cao su giảm

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản – tham khảo cho thị trường cao su châu Á – tăng do dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt sau cuộc đàm phán của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu châu Á để thảo luận về hạn ngạch xuất khẩu nhằm ổn định giá cả.

Cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,7 yên, tương đương 0,3%, lên 230,1 yên (1,55 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 25 nhân dân tệ lên 12.840 nhân dân tệ (1.783 USD)/tấn.

Cà phê arabica thấp nhất 1 năm

Giá cà phê arabica kỳ hạn giao sau trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 1 năm, với cà phê arabica giao tháng 12 giảm 1,15 cent, tương đương 0,6%, xuống 1,9555 USD/lb, sau khi có lúc xuống mức 1,9405 USD. Hợp đồng này đã mất 9,8% giá trị trong tuần trước.

Xuất khẩu cà phê nhân từ Brazil tiếp tục duy trì tốc độ tốt trong tháng 10, đạt trung bình 10.570 tấn/ngày so với 9.440 tấn/ngày cùng tháng năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.

Giá cà phê robusta giao tháng 1/2023 giảm 6 USD, tương đương 0,3% xuống 2.045 USD/tấn.

Dầu cọ tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm mạnh vào đầu phiên nhưng hồi phục vào cuối phiên khi giá dầu đậu tương của Mỹ tăng mặc dù xuất khẩu dầu cọ của Malaysia ở mức thấp.

Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 0,31% đóng cửa ở mức 3.878 ringgit/tấn, sau khi giảm 2,33% vào buổi sáng cùng ngày.

Giá dầu cọ trên sàn Chicago tăng 0,8%, trong khi dầu cọ trên sàn Đại Liên giảm 1,26%.

Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia từ ngày 1-15/10 giảm 4% so với cùng kỳ tháng 9, công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS) cho biết hôm thứ Bảy, trong khi công ty giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia báo cáo mức tăng 1,9%.

Lúa mì, đậu tương vững, ngô giảm

Giá lúa mì Mỹ kết thúc phiên tăng nhẹ trong bối cảnh các thương nhân theo dõi diễn biến ở tuyến đường vận chuyển trên Biển Đen. Trái lại, giá ngô giảm do đang vụ thu hoạch, trong khi giá đậu tương vững nhờ dữ liệu cho thấy xuất khẩu tăng.

Hợp đồng giao dịch lúa mì đỏ mềm vụ đông giao tháng 12 trên sàn Chicago tăng 1-1/4 cent lên 8,61 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 8,77-3/4 USD.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 cũng tăng 1-1/2 cent lên 13,85-1/4/bushel.

CBOT ngô giao tháng 12 giảm 6-1/4 cent xuống 6,83-1/2 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *