1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 02/11/2022: Giá kim loại và năng lượng tăng mạnh mẽ do đồng Dollar suy yếu

Đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa. Đặc biệt, mức tăng rất mạnh của các mặt hàng kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 0,6% lên 2.479 điểm.

Nội dung

Giá kim loại đồng loạt hồi phục mạnh mẽ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/11, giá các mặt hàng trong nhóm kim loại đều phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ. Giá bạc và bạch kim đều ghi nhận mức tăng mạnh trên 2% lần lượt lên 19,66 và 950,5 USD/ounce.

Dollar Index giảm mạnh trong phiên sáng đã hỗ trợ sức mua cho hầu hết các mặt hàng kim loại quý. Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất từ tháng 12 là yếu tố lớn nhất khiến cho đồng Dollar có lúc giảm tới 0,7%. Trong các phát biểu gần đây, một vài quan chức Fed cho biết đã đến lúc để thảo luận lại về tiến trình tăng lãi suất.Theo Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá tương lai CFTC, vị thế mua ròng Dollar Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3. Tuy vậy, Dollar Index nhanh chóng tăng trở lại trong phiên tối, khi dữ liệu Cơ hội việc làm tháng 9 của Cục thống kê Lao động Mỹ cho thấy số vị trí tuyển dụng đạt 10,7 triệu, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 1 người Mỹ tìm việc thì có 2 vị trí trống. Thị trường lao động vững mạnh tạo điều kiện cho Fed giữ khả năng tăng lãi suất mà không phải quá lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Thị trường Hàng hóa 02/11/2022: Giá kim loại và năng lượng tăng mạnh mẽ do đồng Dollar suy yếu

Trong khi đó, giá các mặt hàng kim loại cơ bản được hỗ trợ với thông tin Trung Quốc có thể sắp xem xét để mở cửa trở lại, dù chưa có thông tin chính thức. Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng tăng 2,36% so với tháng trước, đạt 509.954 tấn cũng hỗ trợ tâm lý thị trường, bất chấp các khó khăn hiện tại của các công ty xây dựng. Giá đồng tăng 2,89% lên 3,47 USD/pound, trong khi đó giá quặng sắt tăng 1,21% lên 78,1 USD/tấn. Giá nickel trên sở LME tăng mạnh 7% lên 23.450 USD/tấn trong bối cảnh các nhà sản xuất cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động để phục vụ cho ngành xe điện.

Lực mua quay trở lại thị trường dầu thô

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/11, lực mua mạnh mẽ quay trở lại thị trường dầu thô sau 2 phiên giảm liên tiếp, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng Dollar Mỹ và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên Sở NYMEX đóng cửa tăng 2,13% lên mức 88,37 USD/thùng, dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên Sở ICE tăng 1,98% lên mức 94,65 USD/thùng.

Thị trường Hàng hóa 02/11/2022: Giá kim loại và năng lượng tăng mạnh mẽ do đồng Dollar suy yếu

Diễn biến giằng co đầu phiên giao dịch ngày hôm qua của dầu thô đã bị phá vỡ trước một số thông tin trên mạng xã hội Trung Quốc cho rằng một ủy ban đang được thành lập để đánh giá các kịch bản về cách thoát khỏi chính sách Zero-Covid trong thời gian tới. Kỳ vọng về sự mở cửa trở lại tại Trung Quốc đã hỗ trợ cho giá dầu bật tăng mạnh mẽ ngay sau đó. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.

Thêm vào đó, theo Bloomberg, dòng chảy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, UAE và Iraq trong tháng 10 đang khá tích cực, trong bối cảnh Trung Quốc có xu hướng tăng cường bổ sung dầu vào các kho dự trữ và các nhà máy lọc dầu sản xuất nhiều nhiên liệu cũng như xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm tinh chế cũng đã hỗ trợ cho giá. Cụ thể, Trung Quốc đã tiếp nhận khoảng 4 triệu thùng/ngày từ khu vực này trong tháng 10, trong đó dòng chảy dầu thô từ UAE đến Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2017.

Trong khi đó, rủi ro từ phía nguồn cung tiếp tục là một ẩn số. Các biện pháp trừng phạt mới của G7 và Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga sẽ có tác động không tốt đến dòng chảy và giá dầu trên thế giới. Có thể Nga sẽ tìm cách tăng cường chuyển hướng dòng chảy dầu tới khu vực châu Á, tuy nhiên trong ngắn hạn, thị trường dự kiến ​​sẽ thiếu hụt tối đa 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga trong trường hợp các biện pháp áp đặt trần giá có hiệu lực vào ngày 5/12.

Rạng sáng nay, báo cáo của API cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm mạnh trở lại trong tuần kết thúc ngày 28/10, với mức giảm mạnh 6,5 triệu thùng, trái với dự đoán tăng nhẹ 400.000 thùng của thị trường. Tồn kho xăng cũng giảm mạnh 2,6 triệu thùng, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tương đối lạc quan, nhiều khả năng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu tiếp tục tăng trong phiên sáng.

Khí gas giảm

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm khoảng 10% vào thứ Ba, sau khi tăng 12% vào thứ Hai khi các nhà giao dịch chốt lời trong thời kỳ biến động mạnh sau khi các dự báo mới nhất cho thấy thời tiết vẫn ôn hòa trong hai tuần tới .

Giá khí đốt Mỹ giao tháng 12 giảm 64,1 cent, tương đương 10,1%, xuống còn 5,714 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Đây là mức giảm tính theo tỷ lệ phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ khi giảm 17% vào cuối tháng 6.

Vào thứ Hai, hợp đồng này đã tăng khoảng 12% lên mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 10.

Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt tiếp tục xu hướng giảm của phiên liền trước do nhu cầu thấp và sản lượng điện gió tăng cao.

Giá khí đốt bán buôn của Anh và Hà Lan giảm trong khi nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào châu Âu vẫn ở mức cao do tiêu dùng ở châu Á giảm.

Giá LNG tại Hà Lan kỳ hạn tháng 12 giảm 7 euro xuống 115,50 euro mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi hợp đồng giao tháng 1 giảm 1,60 euro xuống 126,10 euro/MWh.

Giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã dao động trong hai tuần qua, chủ yếu trong khoảng 100 đến 120 euro/MWh, gần mức trước khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.

                                                   Giá khí đốt ở châu Âu.

Giá xăng dầu trong nước tăng lần thứ 3 liên tiếp

Trên thị trường nội địa, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng cùng chiều giá thế giới. Cụ thể, chiều 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng một lít, lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng đồng thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng giá, với dầu diesel là 290 đồng một lít; dầu hoả 120 đồng và dầu mazut 190 đồng mỗi kg. Sau điều chỉnh, diesel có mức giá mới là 25.070 đồng; dầu hoả 23.780 đồng và mazut 14.080 đồng.

So với hồi tháng 1, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 2.100 đồng một lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.

Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 liên tiếp của giá xăng từ giữa tháng 10 đến nay. Còn tính từ đầu năm, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 15 lần tăng, 14 lần giảm. Theo MXV, điều chỉnh này là phù hợp với xu hướng giá trên thế giới khi nguồn cung trong nước phần lớn vẫn đến từ nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp kinh doanh sau một thời gian dài chiết khấu thấp.

Cao su tăng

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản kết thúc chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, theo xu hướng giá cao su ở Thượng Hải và giá cổ phiếu của Nhật Bản giảm, ngay cả khi hoạt động sản xuất yếu kém ảnh hưởng đến tâm lý.

Hợp đồng cao su giao tháng 4 của Sở giao dịch Osaka tăng 5,9 yên, tương đương 2,9%, lên 214,9 yên (1,45 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 490 nhân dân tệ lên 12.190 nhân dân tệ (1.674 USD)/tấn.

Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 21 tháng vào tháng 10 do sản lượng và tổng số đơn đặt hàng mới giảm rõ rệt, do xuất khẩu bị ảnh hưởng một phần do tình hình kinh doanh kém ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica giao tháng 12 giảm 3,1 cent, tương đương 1,7% xuống 1,746 USD/lb, quay trở lại mức thấp nhất trong 15 tháng là 1,6775 USD được thiết lập vào thứ Sáu.

Nhà môi giới và phân tích HedgePoint dự kiến ​​vụ mùa 2023/24 của Brazil sẽ tăng tới 10% do điều kiện khí hậu tốt.

Cà phê robusta giao tháng 1 giảm 14 USD, tương đương 0,8% xuống 1.839 USD/tấn, sau khi thiết lập mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.826 USD.

Dầu cọ cao nhất 10 tuần

Giá dầu cọ Malaysia tăng ngày thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất gần 10 tuần, khi Nga rút lui khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu ăn toàn cầu.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 187 ringgit, tương đương 4,61%, lên 4.241 ringgit (895,67 USD)/tấn, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 25/8.

Các chuyến hàng dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen đã bị cản trở bởi xung đột Nga-Ukraine và có thể bị gián đoạn thêm bởi động thái mới nhất của Nga.

Ngô, lúa mì và đậu tương tăng

Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 2% vào thứ Ba, được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt khi vụ thu hoạch của Mỹ giảm xuống, hy vọng về doanh số xuất khẩu sang Trung Quốc và sự không chắc chắn về nguồn cung sẵn có từ Nam Mỹ.

Giá lúa mì kỳ hạn cũng tăng, phục hồi từ những đợt giảm ban đầu khi các thương nhân tập trung chú ý tới sự không chắc chắn về các chuyến hàng ngũ cốc từ hành lang xuất khẩu Biển Đen và lo lắng về vụ mùa ở Nam Bán cầu. Giá ngô cũng theo xu hướng tăng.

Kết thúc phiên, trên sàn giao dịch thương mại Chicago, giá đậu tương giao tháng 1 tăng 28-1/4 cent ở mức 14,47-3/4 USD/bushel, sau khi đạt 14,49 USD, mức cao nhất của hợp đồng kể từ ngày 23/9. Giá lúa mì giao tháng 12 tăng 20-1/4 cent lên 9,02-1/2 USD/bushel, và ngô giao tháng 12 tăng 6-1/4 cent lên 6,97-3/4 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *