Kết thúc ngày giao dịch 18/08, các mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy những diễn biến tương đối trái chiều. Chốt phiên giao dịch, giá dầu, đồng và cao su tăng, trong khi khí tự nhiên, thép và đường… đồng loạt giảm, quặng sắt thấp nhất 3 tuần, dầu cọ thấp nhất gần 2 tuần.
Nội dung
Giá dầu phục hồi mạnh trước triển vọng nhu cầu tiêu thụ
Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi thị trường được hỗ trợ bởi số liệu tiêu thụ năng lượng tích cực từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Kết thúc phiên giao dịch 19/08, giá WTI tăng 2,74% lên 90,5 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,14% lên 96,59 USD/thùng.
Theo MXV, dầu thô đã liên tục chịu sức ép trong các phiên gần đây khi thị trường lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế, do các số liệu vĩ mô tiêu cực tại Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, Báo cáo Thị trường dầu hàng tuần mới đây của EIA cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi trở lại tại Mỹ, cùng với lượng xuất khẩu cao gần kỷ lục đã là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Đặc biệt, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU sắp đi vào hoạt động, điều này sẽ khiến cho nguồn cung thị trường tiếp tục thắt chặt, và là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Theo phát biểu của Thư ký OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu thực tế vẫn rất vững mạnh. Sự điều chỉnh trong giai đoạn vừa qua không phản ánh yếu tố cung – cầu thực tế, mà phản ánh lo ngại gia tăng trên thị trường tài chính nói chung. Theo đó, Thư ký OPEC vẫn tỏ ra lạc quan về sức mạnh của nền kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt là triển vọng của Trung Quốc.
Mới đây nhất, theo khảo sát của Bloomberg, Trung Quốc khả năng cao sẽ cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm thêm 10 điểm phần trăm trong thời gian tới. Các chỉ số kinh tế tiêu cực trong tuần này có thể trở thành động lực để Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1% sau khi đạt mức cao kỷ lục 14 năm trong đầu phiên giao dịch, do sản lượng đạt mức cao kỷ lục trong tháng này.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn New York giảm 5,6 US cent tương đương 0,6% xuống 9,188 USD/mmBTU.
Giá khí tự nhiên tăng trong đầu phiên giao dịch, do tồn trữ thấp hơn so với dự kiến, giá khí đốt toàn cầu đạt mức cao kỷ lục và thời tiết nóng thúc đẩy giá khí giao ngay tại Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá khí tự nhiên tăng 147%, do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh. Giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh trong năm nay, sau sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine hôm 24/2/2022.
Giá khí đốt toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, khoảng 71 USD/mmBTU tại châu Âu và 58 USD/mmBTU tại châu Á.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng lần đầu tiên trong tuần, do kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc tăng mạnh, làm lu mờ lo ngại về tốc độ tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,2% lên 8.015,5 USD/tấn. Giá đồng đã giảm từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn trong tháng 3/2022 và chạm mức thấp 6.955 USD/tấn trong tháng 7/2022.
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm và đồng USD tăng mạnh, sau khi các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu cho biết áp lực lạm phát vẫn chưa giảm bớt và cho thấy lãi suất sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất – ngân hàng trung ương đang nới lỏng chính sách tiền tệ, tồn trữ đồng ở mức thấp và nhu cầu tăng, đã đẩy giá đồng tăng.
Giá quặng sắt thấp nhất 3 tuần, thép giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần, trong khi giá quặng sắt biến động mạnh tại Singapore, chịu áp lực bởi lo ngại nhu cầu thép giảm và nguồn cung tại Trung Quốc tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 4,3% xuống 676,5 CNY (99,6 USD/tấn) – thấp nhất kể từ ngày 27/7/2022.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Singapore tăng 1,4% lên 103,05 USD/tấn, sau khi giảm 0,4% trong đầu phiên giao dịch.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 105 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 25/7/2022, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,6%, thép cuộn cán nóng giảm 1% và thép không gỉ giảm 3,4%.
Giá cà phê Arabica giảm mạnh do nguồn cung được nới lỏng
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường thiết lập chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá xăng dầu của Petrobras tại Brazil.
Nguồn cung đang dần có những tín hiệu tích cực đang là nhân tố chính khiến cà phê duy trì đà giảm trong phiên hôm qua. Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US trong hôm qua đạt 596.775 bao loại 60kg tăng mạnh 15.433 bao, cùng với đồng Real tiếp tục suy yếu cũng phần nào khiến lực bán từ phá nông dân Brazil gia tăng, từ đó gây sức ép lên giá.
Về phía Robusta, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục gia tăng theo xu hướng dịch chuyển ưu tiên dùng cà phê hòa tan trong khi nguồn cung đang dần cạn kiệt khi cả Việt Nam và Indonesia đều đã kết thúc vụ thu hoạch của mình đã phần nào làm suy yếu đà giảm của mặt hàng này.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi đồng JPY suy yếu, song đà tăng bị hạn chế bởi giá cao su tại Thượng Hải giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka tăng 1,5 JPY tương đương 0,7% lên 230 JPY (1,7 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 12.855 CNY (1.892 USD)/tấn.
Giá đường giảm
Hai mặt hàng đường cũng đồng loạt giảm mạnh trong phiên hôm qua, đóng cửa, đường 11 giảm 2,58% và đường trắng giảm 2,37%. Nguyên nhân chính lý giải cho điều này vẫn tiếp tục do việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu từ phía Petrobras, điều này dự kiến sẽ đẩy giá xăng tại Brazil tiếp tục lao dốc sau 2 lần giảm trong tháng trước cũng nhờ việc hạ giá xăng dầu tại tập đoàn này. Bên cạnh đó, nhập khẩu đường trong tháng 07 tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới, giảm 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung vẫn liên tục được nới lỏng, được xem là nhân tố quan trọng đẩy giá đường suy yếu.
Giá đường thô trên sàn ICE giảm, chịu áp lực giảm bởi dự báo mưa có lợi cho cây trồng mía đường tại châu Âu và kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,47 US cent tương đương 2,6% xuống 17,77 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London giảm 13,1 USD tương đương 2,4% xuống 538,9 USD/tấn.
Giá dầu cọ thấp nhất gần 2 tuần
Dẫn dầu đà giảm của nhóm là dầu cọ thô, mặt hàng này vẫn chịu sự ảnh hưởng từ thông tin nguồn cung nới lỏng khi Malaysia hạ giá tham chiếu dầu cọ trong tháng 09. Điều này khiến các nhà xuất khẩu có thể phải chịu nhiều thuế khi đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó khiến lực bán suy yếu và đẩy lực mua chiếm ưu thế.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, do các loại dầu thực vật khác giảm, song đồng nội tệ suy yếu và thuế xuất khẩu giảm đã hạn chế đà giảm giá dầu cọ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 146 ringgit tương đương 3,48% xuống 4.047 ringgit (904,96 USD)/tấn, sau khi tăng 2 phiên liên tiếp.
Giá lúa mì giảm, ngô và đậu tương tăng
Giá lúa mì tại Chicago giảm phiên thứ 5 liên tiếp, chịu áp lực bởi doanh số xuất khẩu giảm, đồng USD tăng mạnh và Ukraine tiếp tục xuất khẩu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 31-1/2 US cent xuống 7,49 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 3/2/2022. Giá đậu tương tăng 15-1/4 US cent lên 14,05-1/4 USD/bushel và giá ngô tăng 3-3/4 US cent lên 6,15-3/4 USD/bushel.
Giá gạo tăng tại Ấn Độ, không thay đổi tại Việt Nam, giảm tại Thái Lan
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, do diện tích trồng trọt giảm dấy lên mối lo ngại nguồn cung từ niên vụ mới giảm, trong khi đó giá và chất lượng gạo Việt Nam giảm so với các nước khác.
Tại Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm tăng lên 365-371 USD/tấn so với 360-366 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam ở mức 390-393 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá gạo Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch hè thu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 416-420 USD/tấn, so với 420-428 USD/tấn cách đây 1 tuần. Mặc dù chi phí vận chuyển giảm, song vẫn chưa có đơn đặt hàng lớn.