Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, ngày hôm qua (27/5), các Sở Giao dịch Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Theo đó, nhóm nông sản và phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp ngừng giao dịch. Trong khi đó, thị trường năng lượng và kim loại đóng cửa sớm phiên ngày 27/5. Giá đóng cửa của các mặt hàng trong nhóm trên các sàn giao dịch quốc tế sẽ được tính toán sau phiên hôm nay (28/5). Tuy nhiên, tính tới 1h30 sáng ngày 28/5, lực mua chiếm ưu thế, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,2% lên 2.350 điểm.
Nội dung
Giá dầu hồi phục trước thềm cuộc họp OPEC+
Tính tới 1h30 sáng ngày 28/5, giá dầu WTI tăng trên 1% lên mức 78,60 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,19% lên 83,10 USD/thùng.
Thị trường hiện đang dồn sự chú ý đến cuộc họp sắp tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), diễn ra trực tuyến vào ngày 2/6. Hãng tin Reuters trích dẫn các nguồn tin của OPEC+ cho biết việc gia hạn cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày là kết quả có thể xảy ra trong cuộc họp. Các nhà giao dịch thường có tâm lý đầu cơ trước thềm cuộc họp, đã gia tăng vị thế mua dầu bởi lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn mùa lái xe cao điểm khi OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng. Điều này đã kéo giá dầu tiếp đà phục hồi trong phiên.
Ngoài ra, Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2030 và dự kiến mức tiêu thụ sẽ đạt đỉnh vào năm 2034 do khả năng sử dụng xe điện chậm lại, khiến các nhà máy lọc dầu hoạt động ở công suất cao hơn mức trung bình cho đến cuối thập kỷ này.
Yếu tố vĩ mô có tín hiệu tích cực hơn cũng đã thúc đẩy dầu thô tăng giá. Cụ thể, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong tháng 4, lợi nhuận công nghiệp tại các công ty quy mô lớn của Trung Quốc tăng trở lại ở mức 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà phục hồi kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã hỗ trợ cho triển vọng tiêu thụ dầu thô.
Đối với Mỹ, khảo sát của Bloomberg cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tháng 4 của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến tăng 0,2% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng nhỏ nhất từ đầu năm đến nay. Đây có thể sẽ là bước đệm cho kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED, nhằm tránh đưa nền kinh tế “hạ cánh cứng”.
Cao su Nhật Bản vượt mức cao nhất hai tháng
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp bởi giá giao ngay tăng và chứng khoán trong nước mạnh.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,6 JPY hay 1,09% (2,14 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/3.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 65 CNY xuống 14.965 CNY (2.065,73 USD)/tấn.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.
Giá kim loại diễn biến trái chiều
Nhóm các mặt hàng kim loại giao dịch trên Sở LME đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 27/5. Trong khi đó, các mặt hàng còn lại diễn biến trái chiều. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim phục hồi trong sắc xanh nhờ sức ép vĩ mô được xoa dịu phần nào. Tính đến 1h30 sáng ngày 28/5, giá bạc tăng hơn 4% lên 31,8 USD/ounce, giá bạch kim tăng khoảng 2,4% lên 1.064 USD/ounce.
Củng cố cho kỳ vọng hạ lãi suất vào cuối năm, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, lần đầu tiên là vào tháng 9, phù hợp với kỳ vọng hiện tại của thị trường. Đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo dự kiến sẽ rơi vào tháng 12. Sức ép vĩ mô giảm bớt đã kéo lực mua bạc và bạch kim quay lại thị trường trong phiên hôm qua.
Đối với kim loại cơ bản, tính đến 1h30 sáng ngày 28/5, giá đồng COMEX tăng gần 2% sau dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc củng cố cho triển vọng tiêu thụ. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), nhờ xuất khẩu tăng mạnh và nhu cầu trong nước cải thiện, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4, phục hồi mạnh mẽ từ mức giảm 3,5% của tháng 3.
Hơn nữa, dự báo lạc quan của các chuyên gia trong ngành cũng giúp kích thích lực mua đồng trong phiên. Theo Financial Times, nhà quản lý quỹ phòng hộ Pierre Andurand cho rằng giá đồng có thể tăng lên 40.000 USD/tấn (18,18 USD/pound) trong vòng 4 năm tới, do nhu cầu đồng dự kiến tăng gấp đôi do quá trình điện khí hóa.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt giảm 1,25% xuống 119,3 USD/tấn, do nguồn cung dư thừa trong khi tiêu thụ còn yếu. Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới, hoạt động xây dựng bước vào mùa thấp điểm do thời tiết nắng nóng sẽ làm hạn chế nhu cầu sắt thép. Trong khi đó, tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng, hiện ở mức 144 triệu tấn.
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tăng do dự báo sản lượng giảm
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng do các nhà dự báo cắt giảm ước tính sản lượng bởi thời tiết xấu và tốc độ gieo trồng chậm.
Lúa mì Nga 12,5% protein giao vào cuối tháng 6 giá FOB là 247 USD/tấn, tăng so với 239 USD/tấn vào tuần trước.
Các nhà phân tích tiếp tục hạ dự báo về sản lượng và xuất khẩu vụ mùa này do sương giá trong tháng 5 và hạn hán ở khu vực miền Nam và miền Trung, ngoài ra đất ngập nước ở Siberia vẫn chưa được tính đến.
Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Xuất khẩu của nước này đã tăng lên 1,07 triệu tấn ngũ cốc vào tuần trước, từ mức 1,0 triệu tấn của tuần trước đó. Xuất khẩu bao gồm 0,97 triệu tấn lúa mì, tăng so với 0,79 triệu tấn một tuần trước đó.