Bản tin thị trường hàng hóa ngày 26/10/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 26/10/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy thị trường hàng hoá diễn biến tương đối trái chiều trong phiên ngày 25/10. Tuy nhiên, lực mua có phần áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,33% lên 2.236,58 điểm. Giá trị giao dịch tiếp đà tăng hơn 7%, đạt trên 4.400 tỷ đồng.
Dẫn dắt xu hướng tăng trên thị trường là nhóm năng lượng, đặc biệt là mặt hàng dầu thô. Rủi ro nguồn cung dầu gián đoạn tiềm ẩn, kéo giá dầu cắt đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Trái lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp thu hút sự chú ý với đà giảm mạnh của giá cà phê Arabica sau khi tăng 6 phiên trước đó.
Nội dung
Giá dầu đảo chiều tăng mạnh cuối phiên
Căng thẳng ở Trung Đông leo thang khi Israel tăng cường ném bom vào phía Nam dải Gaza, chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Mối lo nguồn cung dầu bị ảnh hưởng đã kéo giá dầu bật tăng mạnh vào cuối phiên giao dịch.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên ở mức 85,39 USD/thùng, tăng 1,97% so với phiên trước. Giá dầu Brent tăng 2,34% lên 90,13 USD/thùng.
Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho rằng Mỹ có thể sẽ thắt chặt việc thực thi lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran vì xung đột Hamas – Israel và sự hậu thuẫn của Iran đối với Hamas.
Ngoài ra, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, Hạ viện (HoR) có trụ sở ở phía Đông Libya đã kêu gọi các Chính phủ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt sang các nước ủng hộ Israel, trong trường hợp các vụ thảm sát tại quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục xảy ra.
Về phía nhu cầu, công ty nghiên cứu IIR Energy cho biết các nhà máy lọc dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm công suất lọc dầu ngoại tuyến khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 27/10. Điều này đồng nghĩa với việc tổng công suất lọc dầu sẵn có trong tuần này của Mỹ sẽ tăng thêm 273.000 thùng/ngày. Thông lượng lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ tăng trở lại có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô, hạn chế dòng chảy dầu xuất khẩu.
Thêm vào đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quốc gia này dự kiến sẽ đặt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong năm 2024 cho các công ty tư nhân ở mức 243 triệu tấn, cao hơn 20% so với con số 203,64 triệu tấn được phân bổ tính đến tháng 10/2023. Điều này có thể khiến các công ty tư nhân tăng cường công suất lọc dầu và thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu dầu thô.
Trước đó, giá dầu gặp áp lực trong phần lớn thời gian phiên do tồn kho Mỹ tăng trái chiều với mức dự báo. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/10 bất ngờ tăng thêm 1,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với mức giảm mạnh 2,7 triệu thùng trong báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho xăng cũng ghi nhận mức tăng 156.000 thùng, trong khi thị trường kỳ vọng mức giảm 1,2 triệu thùng.
Giá Arabica quay đầu giảm sau 6 phiên tăng liên tiếp
Trái ngược với diễn biến trên thị trường năng lượng, trên nguyên liệu công nghiệp, mặc dù có tới 8 mặt hàng tăng giá nhưng đà giảm mạnh của giá hai mặt hàng cà phê gây ra chú ý lớn. Cụ thể, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 3,48% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Giá Robusta tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm 1,04%.
Thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy xuất khẩu đang tăng trưởng tốt tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong 24 ngày đầu tháng 10, quốc gia này đã xuất đi 2,61 triệu bao Arabica dạng hạt, gần gấp đôi mức 1,4 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Cùng trong thời gian này, gần 500.000 bao Robusta dạng hạt đã được xuất khẩu, cao hơn mức cùng kỳ tháng trước và tăng gấp 4 lần tổng lượng cà phê xuất đi trong tháng 10/2022.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, giá bông ghi nhận mức tăng hơn 1% trong phiên hôm qua khi thị trường chờ đợi số liệu từ báo cáo xuất khẩu hàng tuần.
Trong báo cáo tuần trước, cả bán hàng và xuất khẩu bông đều có sự cải thiện so với dữ liệu trong tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 12/10, Mỹ đã bán và xuất khẩu lần lượt 71.300 và 109.900 kiện bông, tăng lần lượt 64%, 6% so với dữ liệu thấp kỷ lục trong báo cáo trước đó.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê trung bình ở mức 60.000đ/kg hạ khoảng 100 – 200 đồng so với ngày hôm trước. Trong đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm khoảng 100 đồng, xuống dao động trong khoảng 60.200 – 61.000 đồng/kg.
Quặng sắt đạt đỉnh 5 tuần
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên đạt mức cao nhất trong 5 tuần vào thứ Tư và giá quặng sắt kỳ hạn tham chiếu trên sàn Singapore tăng ngày thứ ba liên tiếp, nhờ các biện pháp bổ sung của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan quốc hội hàng đầu của Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, đã phê duyệt đợt phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD),
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên tăng 3,3% lên 872 nhân dân tệ (119,22 USD)/tấn, sau khi chạm mức 878,50 nhân dân tệ trước đó.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng 0,9% lên 117,10 USD/tấn.
Giá thép của Trung Quốc cũng tăng, với thép thanh tăng 2,1%, thép cuộn cán nóng tăng 1,7%, thép dây cuộn và thép không gỉ mỗi loại tăng 0,9%.
Giá đồng trên sàn London (LME) giảm hôm thứ Tư do đồng đô la mạnh lên và các dấu hiệu khác về nền kinh tế khu vực đồng euro trì trệ át đi tác động tích cực từ việc Trung Quốc kích thích kinh tế.
Đồng giao sau ba tháng đã giảm 0,4% xuống 8.019,5 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhôm tăng 1,4% lên 2.221 USD/tấn
Các biện pháp hỗ trợ mới nhất của Trung Quốc, được công bố hôm thứ Ba, đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu đối với kim loại, nhưng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, lo ngại về môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài và sản xuất toàn cầu yếu vẫn là những rủi ro chính đối với kim loại cơ bản phía trước.
Chỉ số USD tăng, khiến hàng hóa định giá bằng tiền Mỹ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Ngô, đậu tương, lúa mì giảm
Giá ngũ cốc kết thúc phiên thứ Tư đồng loạt giảm do các vành đai cây trồng ở Nam Mỹ và Mỹ đón nhận những cơn mưa, thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng.
Hợp đồng ngô giao dịch tích cực nhất trên Sở Thương mại Chicago (CBOT) giảm 4 US cent xuống 4,80 USD/bushel. Giá đậu tương giảm 7 cent xuống còn 12,88-1/4 USD/bushel. Giá
lúa mì giảm 12 cent xuống 5,68-1/2 USD/bushel.