Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (21/5). Lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày suy yếu nhẹ 0,08% xuống 2.374 điểm, đứt chuỗi tăng 4 ngày liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.800 tỷ đồng.
Nội dung
Giá cà phê tăng mạnh do gián đoạn vận tải
Đáng chú ý, 2 mặt hàng cà phê bất ngờ tăng vọt, dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường. Trong đó, cà phê Robusta tăng 6,72%, cà phê Arabica tăng 5,08%. MXV cho biết, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng xuất khẩu cà phê của Brazil đã hỗ trợ giá tăng cao, bất chấp nguồn cung có tín hiệu được nới lỏng.
Trong tháng 4, 95 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 80% tổng số tàu đã bị trì hoãn tại cảng Santos, nơi vận chuyển cà phê chính của Brazil. Thời gian tàu bị tắc lâu nhất lên tới 30 ngày, theo bản tin của ElloX Digital hợp tác với Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE).
Tình trạng ùn tắc cũng diễn ra tại các cảng khác như Rio de Janeiro tỷ lệ khoảng 70%; ở Paranagua là 42% và Salvador (BA) 29%,…. Nhìn chung, 210 tàu xuất khẩu cà phê, tương đương 54% trong tổng số 391 tàu container, đã bị trì hoãn trong tháng 4.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của hầu hết các quốc gia sản xuất chính. Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Colombia dự kiến đạt 12,4 triệu bao và xuất khẩu tăng lên khoảng 12 triệu bao. Tại Peru, sản xuất và xuất khẩu cà phê vụ 2024-2025 tăng lần lượt 7% và 6% so với vụ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (21/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng 1.500 – 1.600 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 105.000 – 105.800 đồng/kg. Như vậy, dù đã giảm mạnh gần 30.000 đồng/kg so với mức đỉnh thiết lập vào hồi tháng 4, cà phê nội địa vẫn duy trì vững vàng trên vùng giá 100.000 đồng/kg.
Giá dầu giảm 1%, khí tự nhiên tại Mỹ giảm 3%
Giá dầu giảm do lạm phát ở Mỹ kéo dài, sẽ khiến lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, gây áp lực đối với nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/5, dầu thô Brent giảm 83 US cent tương đương 1% xuống tương đương 0,7% xuống 79,26 USD/thùng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7/2024 giảm 64 US cent xuống 78,66 USD/thùng.
Chi phí vay cao có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và gây áp lực đối với nhu cầu dầu.
Ngoài ra, giá dầu giảm còn do tồn trữ dầu thô và xăng của Mỹ trong tuần trước tăng, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm, số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết.
API cho biết, tồn trữ dầu thô trong tuần kết thúc ngày 17/5/2024 tăng 2,48 triệu thùng, tồn trữ xăng tăng 2,1 triệu thùng, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm 320.000 thùng.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 3%, do dấu hiệu các nhà sản xuất không cắt giảm sản lượng và dự kiến nhu cầu khí đốt trong năm tới sẽ giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2024 trên sàn New York giảm 8 US cent tương đương 2,9% xuống 2,671 USD/mmBTU. Trong phiên trước đó, giá khí tự nhiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 17/1/2024.
Giá lúa mì vững đà tăng
Trái ngược với diễn biến các mặt hàng trong nhóm nông sản, giá lúa mì tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng mạnh 1,27%. Đà tăng của giá được củng cố bởi những lo ngại về tình trạng sương giá tại Nga, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Hãng tư vấn IKAR dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024 – 2025 của nước này giảm 2,5 triệu tấn, xuống 83,5 triệu tấn. Đứng trước những rủi ro về triển vọng mùa vụ năm nay, IKAR dự kiến lượng lúa mì xuất khẩu trong niên vụ 2024 – 2025 từ Nga đạt 45 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với số liệu trước đó.
Trong khi đó, tình hình lúa mì vụ đông của Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực hơn do ảnh hưởng của các cơn mưa rất lớn tại đồng bằng phía nam. Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ của USDA, tỉ lệ lúa mì vụ đông của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời là 49%, giảm 1% so với tuần trước đó và thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường.
Nguồn cung nhập khẩu thắt chặt, trong khi giá thế giới tăng nhanh những ngày gần đây cũng đã khiến giá chào bán nội địa liên tục điều chỉnh tăng. Ghi nhận trong sáng hôm qua 21/5, giá giao dịch lúa mì tại miền Bắc dao động trong khoảng 6.800 – 6.850 đồng/kg đối với các tháng giao hàng kỳ hạn quý III năm nay.
Giá nhôm cao nhất gần 2 năm, kẽm cao nhất hơn 1 năm, quặng sắt và thép cây tiếp đà tăng
Giá nhôm đạt mức cao nhất gần 2 năm và có phiên tăng mạnh nhất 4 tháng, do lo ngại về nguồn cung và sự phục hồi mới đây của giá đồng.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 3,1% lên 2.710,5 USD/tấn, sau khi đạt 2.765,5 USD/tấn – cao nhất kể từ đầu tháng 6/2022.
Nhôm được sử dụng trong ngành năng lượng, xây dựng và vận tải, được thúc đẩy bởi lo ngại về nguồn cung sau khi Rio Tinto tuyên bố bất khả kháng đối với hợp đồng xuất khẩu alumina của bên thứ 3 từ nhà máy lọc dầu tại Queensland, Australia.
Giá kẽm trên sàn London giảm 0,1% xuống 3.109,5 USD/tấn, sau khi đạt 3.185 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 2/2023.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng, do nhu cầu ổn định và triển vọng tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – được cải thiện, đã hỗ trợ thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 908 CNY (125,47 USD)/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2024 trên sàn Singapore tăng 1,9% lên 120,4 USD/tấn.
Trung Quốc đã công bố các bước hỗ trợ đối với lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng, trong đó ngân hàng trung ương tạo điều kiện cấp thêm 1 nghìn tỉ CNY (138 tỉ USD) và nới lỏng các quy định thế chấp cùng nhiều chính sách khác.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,4%, thép cuộn cán nóng tăng 0,3% và thép không gỉ tăng 0,4%, trong khi thép cuộn giảm 0,1%.