1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 22/11/2023: Nông sản dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (21/11), lực mua chiếm ưu thế trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV. Chỉ số MXV-Index tăng 0,36% lên 2.219 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, đồng thời đánh dấu ngày thứ hai cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt giữ được xu hướng tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.200 tỷ đồng.

Với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt chốt ngày trong sắc xanh, nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong ngày hôm qua. Đây cũng đồng thời là nhóm mặt hàng ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất, chiếm đến 32% tổng lượng tiền của toàn thị trường.

Nội dung

Lúa mì kết thúc chuỗi giảm giá 5 ngày liên tiếp

Chốt ngày ngày giao dịch 21/11, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm nông sản với mức tăng lên tới 2,15%. Nhịp tăng này cũng giúp giá lúa mì kết thúc chuỗi giảm kéo dài trong 5 phiên liên tiếp trước đó. MXV cho biết, bên cạnh lực mua kỹ thuật của thị trường, căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đen là hai yếu tố hỗ trợ chính giá lúa mì trong hôm qua.

Các quan chức địa phương của Ukraine cho biết, xung đột đã diễn ra tại khu vực Odessa ở phía nam nước này vào ngày hôm qua. Tuy không gây ra thiệt hại về người cũng như ngũ cốc, nhưng điều này một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xuất khẩu nông sản của Ukraine khi cuộc xung đột ở nước này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi đó, giá ngô hợp đồng tháng 3 tiếp tục diễn biến giằng co và đóng cửa hôm qua với mức tăng nhẹ 0,31%. Một mặt, những thông tin về tình hình nguồn cung từ Nam Mỹ mang tính chất hỗ trợ giá. Mặt khác, sức ép đối với giá ngô đến từ lực bán kỹ thuật của thị trường.

Tại Brazil, đã có mưa trong cuối tuần vừa rồi và dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện trong những ngày tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lượng mưa này là không đủ để giúp xoa dịu những ảnh hưởng của hạn hán kéo dài đối với mùa vụ ở phía bắc và miền trung đất nước. Trong khi đó ở Argentina, các nhà sản xuất dự kiến sẽ trì hoãn việc bán hàng để chờ đợi chính phủ của tổng thống mới đắc cử Javier Milei ban hành các chính sách “thân thiện” đối với ngành nông nghiệp của nước này, vốn đã gặp nhiều khó khăn do các loại thuế. Việc triển vọng mùa vụ ở Brazil đón nhận những tín hiệu kém khả quan, trong khi nguồn cung từ Argentina bị gián đoạn, đã góp phần hỗ trợ giá ngô trong phiên hôm qua.

Đối với nguồn cung từ Mỹ, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) hôm qua cho thấy, nông dân nước này đã thu hoạch 93% diện tích ngô dự kiến tính tới 19/11, tăng 5 điểm phần trăm so với một tuần trước và thấp hơn mức 94% kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, do hoạt động thu hoạch vẫn đang diễn ra một cách tích cực nên sức ép của thông tin này lên giá ngô là khá hạn chế.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 21/11, giá ngô Nam Mỹ về cảng nước ta tương đối chênh lệch giữa các kỳ hạn tháng giao gần và xa. Tại cảng Cái Lân, với kỳ hạn giao tháng 11 năm nay, ngô Nam Mỹ được chào bán trong khoảng 6.350 – 6.450 đồng/kg. Trong khi đó, giá dao động ở mức 6.500 – 6.850 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 1 năm sau.

Thêm tín hiệu nguồn cung tích cực gây sức ép lên giá cà phê

Trên thị trường cà phê, giá hai mặt hàng chính trở lại xu hướng cùng chiều. Trong đó, giá Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi mất 0,92% và giá Arabica thấp hơn 1,52% so với tham chiếu. MXV cho biết nguồn cung cà phê tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam đều có tín hiệu tích cực đã gây sức ép lên giá trong hôm qua.

Đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh, kéo tỷ giá USD/BRL tăng gần 1% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá đã thúc đẩy nông dân Brazil bán cà phê nhờ thu về nhiều ngoại tệ. Bên cạnh đó, thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã xuất đi 2,76 triệu bao cà phê trong 20 ngày đầu tháng 11, tăng 14% so với mức 2,42 triệu bao trong tháng trước.

Hơn nữa, mưa quay lại vùng trồng cà phê chính của Brazil là tín hiệu tốt cho sự phát triển của niên vụ 2024/25, từ đó đưa đến triển vọng nguồn cung tích cực hơn.

Riêng với Robusta, Reuters đưa tin Việt Nam đã thu hoạch được 10 – 20% cà phê theo kế hoạch của niên vụ 2023/24. Việc có cà phê vụ mới đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, nước ta đã xuất 36.968 tấn cà phê, cao gấp hai lần so với cùng kỳ tháng trước.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục suy yếu 500 đồng/kg. Như vậy, cà phê trong nước đã liên tục giảm trong 4 ngày gần nhất, kéo giá thu mua về mức 57.100 – 57.800 đồng/kg.

Dầu giảm do thận trọng trước cuộc họp của OPEC+

Giá dầu kết thúc gần như không thay đổi vào thứ Ba sau khi tăng trong hai phiên, do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp OPEC + dự, kiến vào Chủ nhật, ở đó nhóm các nước sản xuất có thể thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 13 US cent lên 82,45 USD/thùng. Dầu Tây Texas của Mỹ giảm 6 US cent xuống 77,77 USD.

Thông tin từ OPEC+ cho hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất đồng minh, sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung khi nhóm họp vào ngày 26 tháng 11.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng gần 9,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/11. Tồn kho xăng giảm khoảng 1,79 triệu thùng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 3,5 triệu thùng.

Quặng sắt cao nhất 8 tháng

Giá quặng sắt tăng phiên thứ 2 liên tiếp, với giá trên thị trường Singapore đạt mức cao nhất trong 8 tháng, do tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản và lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 1,93% lên 978,5 nhân dân tệ (135,69 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 15 tháng 11.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 1,34% lên 132,85 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 15 tháng 3.

Giá thép cây phiên này cũng tăng 0,78%, thép cuộn cán nóng giảm 0,12%, thép thanh ít thay đổi và thép không gỉ giảm 0,97%.

Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng vào thứ Ba khi đồng nhân dân tệ tăng so với đồng USD và sự lạc quan ngày càng tăng về triển vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp kích thích lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.

Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) tăng 0,4% lên 8.465 USD/tấn.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang soạn thảo một “danh sách trắng” gồm 50 nhà phát triển bất động sản để khuyến khích hỗ trợ cho lĩnh vực này. Danh sách gồm China Vanke có vốn Nhà nước, và và các nhà phát triển hoàn toàn vốn tư nhân như Seazen và Longfor.

Các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã đổi nhân dân tệ lấy đô la trên thị trường hoán đổi trong nước và bán số đô la đó trên thị trường tiền tệ giao ngay trong tuần này.

Đồng nhân dân tệ mạnh hơn so với đồng tiền Mỹ khiến đồng định giá bằng đồng USD trở nên rẻ hơn đối với quốc gia mua kim loại lớn nhất thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *