Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày giao dịch 19/1. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của cả 4 nhóm mặt hàng ngập sắc xanh, kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,7% lên 2.099 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng công nghiệp tăng đáng kể, gần 42% so với hôm qua.
Nội dung
Giá đường tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một tháng
Theo MXV, khép lại phiên giao dịch 18/1, giá đường 11 tăng mạnh 3,09% trong phiên hôm qua, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Giá dầu thô tăng đã kéo theo giá đường đi lên.
Cụ thể, giá dầu thô tăng, khiến các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol hơn hoạt động sản xuất đường. Nguyên liệu đầu vào ít hơn bình thường sẽ góp phần làm giảm sản lượng đường trong thời gian tới khi hoạt động ép mía tại Brazil gần như đã kết thúc.
Ở diễn biến khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Arabica biến động khá mạnh nhưng vẫn tăng 0,42% khi chốt phiên. Ban đầu, triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tích cực tại Brazil đã gây áp lực lên giá. Sau đó, tỷ giá đi xuống đã giúp giá phục hồi trở lại vào cuối phiên.
Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ lần thứ nhất, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự báo sản lượng cà phê trong năm 2024 của Brazil đạt 58,08 triệu bao loại 60kg, tăng 5,5% so với năm 2023. Trong đó, Arabica đạt 40,75 triệu bao, tăng 4,7% so với vụ trước. Triển vọng nguồn cung tích cực giúp nông dân Brazil sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, đến nửa cuối phiên tối, chỉ số Dollar Index suy yếu, khiến tỷ giá USD/BRL đi xuống. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp gây tâm lý lo ngại về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của nông dân Brazil. Điều này tạo hỗ trợ giúp giá nhanh chóng tăng trở lại.
Giá Robusta tiếp tục đi xuống từ mức cao nhất trong 16 năm, kết phiên hôm qua, giá giảm thêm 2,95% so với tham chiếu. Dù vậy, thị trường vẫn còn lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cà phê từ các nước sản xuất lớn như Việt Nam.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (19/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt giảm mạnh 1.300 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 70.400 – 71.000 đồng/kg.
Tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến tiếp tục đẩy giá dầu đi lên
Kết thúc ngày giao dịch 18/1, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp do tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến. Ngoài ra, tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn khi căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao, cũng góp phần hỗ trợ lực mua trên thị trường.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,03% lên 73,95 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,57% lên 79,1 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1 giảm 2,49 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo của Reuters và trái ngược với mức tăng 483.000 thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng xuống 32,07 triệu thùng. Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, tăng 264.000 thùng lên 19,86 triệu thùng.
Trong khi đó, thời tiết lạnh khắc nghiệt và khó khăn trong vận hành vẫn đang làm gián đoạn khoảng 40% sản lượng dầu của North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ. Cơ quan quản lý đường ống North Dakota cho biết sản lượng dầu của bang đã giảm 500.000 – 550.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang làm gia tăng tâm lý lo ngại nguồn cung gián đoạn trong khu vực. Mỹ đã tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng của Houthi và liệt nhóm phiến quân có trụ sở tại Yemen này vào danh sách các nhóm khủng bố. Đáng chú ý, hành động đáp trả của Pakistan với Iran đang báo động về sự bất ổn nghiêm trọng hơn trên khắp Trung Đông kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào ngày 7/10.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 6% xuống mức thấp nhất trong hai tuần do dự trữ giảm ít hơn dự kiến và dự báo nhu cầu giảm do thời tiết ấm hơn vào cuối tháng 1. EIA cho biết các công ty điện lực đã rút 154 tỷ feet khối (bcfd) khí đốt ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1, thấp hơn mức giảm 164 bcf theo dự báo của Reuters. Trong khi đó, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 154,1 bcfd trong tuần này xuống 139,9 bcfd vào tuần tới.
Quặng sắt phục hồi nhờ hy vọng mới về việc Trung Quốc kích thích kinh tế
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tăng trở lại vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi hy vọng mới về các biện pháp kích thích hơn nữa từ quốc gia tiêu thụ quặng hàng đầu thế giới – Trung Quốc – sau bài phát biểu của một quan chức kế hoạch nhà nước.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 0,8% lên 948,5 nhân dân tệ (131,85 USD)/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 2,48% lên 128,9 USD/tấn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Năm dẫn lời một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết, Trung Quốc sẽ chú trọng hơn vào việc mở rộng nhu cầu thực tế, phát triển và củng cố nền kinh tế.
Giá đồng phiên thứ Năm tăng từ mức thấp nhất 6 tuần sau dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm mạnh và nhu cầu kim loại của Trung Quốc phục hồi.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) kết thúc phiên ở mức 8.306,5 USD/tấn, tăng 0,5% so với đóng cửa phiên trước. Tuy nhiên, giá vẫn đang hướng tới tuần giảm thứ tư liên tiếp.
Lúa mì, đậu tương và ngô tăng
Giá đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago tăng vào lúc đóng cửa phiên thứ Năm, hồi phục từ mức thấp nhất hơn 2 năm lúc đầu phiên. Giá ngô phiên này cũng diễn biến tương tự. Thị trường đậu tương và ngô đã trở nên bán quá mức sau những đợt giảm giá gần đây.
Kết thúc phiên, giá đậu tương tăng 7-3/4 cent lên 12,13-1/2 USD/bushel, khô đậu tương tăng 2,60 USD lên 361,30 USD/tấn. Giá ngô lúc đóng cửa tăng 1-3/4 cent lên 4,44 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 3 US cent lên 5,85-1/2 USD/bushel.
Các thương nhân đang theo dõi tiềm năng sản xuất và xuất khẩu từ Brazil, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, do mưa gần đây đã cải thiện điều kiện cho cây đậu tương và ngô của Nam Mỹ.