1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 15/11/2023: Giá kim loại kéo mạnh chỉ số MXV-Index

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 15/11/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 15/11/2023.

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt ngày giao dịch 14/11, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá giữa các nhóm mặt hàng. Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng 0,34% lên 2.221 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận gia tăng nhẹ, đạt trên 4.200 tỷ đồng.

Toàn bộ 10 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh, nhóm kim loại đóng góp chủ yếu vào đà tăng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Trong đó, đáng chú ý, cả hai kim loại quý là bạc và bạch kim đồng loạt tăng trên 3%.

Nội dung

Thị trường kim loại ‘hồi sức’ sau thông tin lạm phát hạ nhiệt của Mỹ

Đóng cửa ngày giao dịch 14/11, toàn bộ các mặt hàng kim loại đón nhận lực mua tích cực trong bối cảnh đồng USD suy yếu sau khi Mỹ báo cáo tình hình lạm phát hạ nhiệt trong tháng 10. Kim loại quý gồm bạc và bạch kim phản ứng mạnh mẽ nhất. Giá bạc chốt phiên tăng 3,46% lên mức 23,13 USD/ounce. Bạch kim bật tăng 3,38%, tiến sát mốc 1.000 USD/ounce, ghi nhận mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ cuối tháng trước.

Cụ thể, theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) trong tháng 10/2023 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn con số dự báo ở mức 3,3% và hạ so với mức tăng 3,7% vào tháng 9. CPI lõi, loại trừ biến động giá năng lượng và thực phẩm, chỉ tăng 4% so với tháng 10 năm ngoái, so với mức tăng 4,1% theo dự báo của chuyên gia.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt mạnh mẽ là thông tin tích cực cho thị trường, bởi kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Theo công cụ theo dõi lãi suất FED watch của CME Group, 97,6% ý kiến cho rằng FED ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12, trước thời điểm công bố dữ liệu tỷ lệ này là 85%.

Đồng USD giảm mạnh ngay sau báo cáo, kéo chỉ số Dollar Index lao dốc 1,5% xuống mức thấp nhất kể từ 5/9. Đồng USD mất giá đã hỗ trợ hầu hết các mặt hàng kim loại, đặc biệt là kim loại quý bạc và bạch kim vốn nhạy cảm nhất với lãi suất và biến động tiền tệ.

Giá đồng COMEX cũng được hưởng lợi sau dữ liệu lạm phát Mỹ, tăng 0,48% lên 3,68 USD/pound. Ngoài ra, các động thái kích thích kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc cũng đang hỗ trợ tích cực cho giá kim loại cơ bản. Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang có kế hoạch cung cấp ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) chi phí thấp cho các chương trình cải tạo làng đô thị và nhà ở giá rẻ, nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Foan cho biết ông hy vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng trong quý IV/2023 và là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới. Kỳ vọng lạc quan này làm tăng giá toàn bộ kim loại cơ bản trên sở Giao dịch London (LME).

Triển vọng nguồn cung tích cực kéo giá đường và cà phê hạ nhiệt

Chốt ngày giao dịch 14/11, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường ghi nhận mức giảm lần lượt 1,91% với đường 11 và 1,72% với đường trắng. MXV cho biết triển vọng nguồn cung gia tăng tại Brazil tạm thời xoa dịu nguy cơ thâm hụt cán cân cung – cầu toàn cầu, từ đó gây sức ép lên giá trong ngày hôm qua.

Khu vực Trung Nam, nơi canh tác mía đường chính của Brazil, có thể sản xuất 40,5 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24, mức cao kỷ lục và tăng 500.000 tấn so với dự kiến trước đó, theo Green Pool.

Trong khi đó, công ty tư vấn Covrig Analytics dự báo sản lượng đường toàn cầu sẽ thâm hụt 2,4 triệu tấn so với mức tiêu thụ dự kiến do gia tăng sản lượng từ Brazil, Nga và Trung Quốc không đủ để bù đắp những thiếu hụt từ Ấn Độ và Thái Lan.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá cà phê giảm lần lượt 1,04% với Arabica và 1,16% với Robusta. Theo MXV, những tín hiệu tích cực hơn từ nguồn cung, kết hợp cùng tín hiệu đảo chiều từ yếu tố kỹ thuật đã gây sức ép lên giá.

Sau giai đoạn liên tục sụt giảm, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã nhận được 4.400 bao cà phê chờ phân loại từ Brazil. Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 10 của nước này đạt 4,36 triệu bao, tăng lần lượt 22% và 30% so với cùng kỳ năm trước và tháng 9/2023. Điều này đưa đến triển vọng tích cực hơn về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Thêm vào đó, thông tin trên thị trường cho thấy, hiện nông dân Việt Nam đã thu hoạch khoảng 10% kế hoạch. Thời tiết khô ráo đang tạo điều kiện tốt cho hoạt động này, giúp tâm lý thị trường tích cực hơn về nguồn cung khi một lượng hàng sắp được cung ứng.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay ngày 15/11, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ điều chỉnh giảm nhẹ 200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước đang được thu mua trong khoảng giá 58.500 – 59.200 đồng/kg.

Dầu ổn định

Giá dầu không đổi do dấu hiệu căng thẳng tại Trung Đông có thể dịu đi và tình trạng không chắc chắn về dự trữ dầu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang tổ chức các cuộc thảo luận hàng ngày để đảm bảo các con tin bị Hamas bắt giữ được thả và tin rằng điều đó sẽ diễn ra.

Chốt phiên 14/11, dầu thô Brent giảm 0,05 USD xuống 82,47 USD/thùng, thấp hơn 84,58 USD mức đóng cửa ngày 6/10 một ngày trước khi Hamas tấn công Israel. Dầu WTI ổn định tại 78,26 USD/thùng.

Trong đầu phiên giao dịch, cả hai loại dầu tăng hơn 1 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu và USD giảm bởi lạm phát của Mỹ đang chậm lại. IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay và năm tới bất chấp tăng trưởng kinh tế suy giảm được dự kiến ở tất cả các nền kinh tế lớn. Cơ quan này đã nâng dự báo tăng trưởng dầu mỏ năm 2023 lên 2,4 triệu thùng/ngày từ 2,3 triệu thùng/ngày. Đối với năm 2024, họ nâng dự báo lên 930.000 thùng/ngày từ 880.000 thùng/ngày.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA sẽ phát hành báo cáo dự trữ dầu mỏ đầu tiên trong hai tuần vào ngày 15/11 vì nâng cấp hệ thống.

Theo một thăm dò của Reuters dự trữ dầu mỏ của Mỹ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước. Trong cùng tuần năm 2022 dự trữ dầu giảm 5,4 triệu thùng, và tăng trung bình 5 năm là 1,2 triệu thùng tại thời điểm này.

Giá tiêu dùng của Mỹ không đổi trong tháng 10 do giá xăng giảm và mức tăng lạm phát cơ bản hàng năm là ít nhất trong hai năm.

Các thương nhân dự đoán Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa xuân tới điều này đẩy USD giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng so với rổ tiền tệ. USD yếu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu bởi giá rẻ hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.

Ngô tăng, lúa mì giảm, đậu tương cao nhất trong hơn hai tháng

Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng trong bối cảnh tiếp tục lo lắng về tình trạng khô hạn tại các khu vực trồng trọt miền bắc và miền trung của Brazil.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1 US cent lên 4,78-1/4 USD/bushel.

Lúa mì CBOT đóng cửa giảm khi thị trường phần lớn phớt lờ sự sụt giảm trong xếp hạng mùa vụ của Mỹ. Việc gieo trồng lúa mì vụ đông của Mỹ đã hoàn thành 93%, thấp hơn ước tính 95% của các nhà phân tích nhưng phù hợp với mức trung bình trong 5 năm.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 7 US cent xuống 5,72 USD/bushel.

Đậu tương tại Chicago tăng và đã chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1/2024 đóng cửa tăng 7-1/4 US cent lên 13,89-3/4 USD/bushel. Hợp đồng này cao nhất kể từ ngày 31/8.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *