1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 10/11/2023: Lực bán chiếm ưu thế trên bảng giá hàng nông sản

Bước sang ngày thứ ba, chỉ số MXV-Index bị rơi điểm do sắc xanh yếu ớt của nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp không đủ kéo chỉ số giảm của các nhóm hàng còn lại. Kết thúc phiên ngày 9/11, chỉ số này xuống 2.183,24 điểm, giảm 0,29%. Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng cho thấy thị trường hàng hoá diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua với lực bán chiếm ưu thế trên bảng giá nông sản, trong khi hầu hết các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đóng cửa tăng giá. 

Thị trường dồn sự chú ý vào Báo cáo cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Đây cũng là nguyên nhân kéo theo sự biến động giảm mạnh của giá ngô, đậu tương, lúa mì trong ngày hôm qua. Ở chiều ngược lại, có đến 8 trong tổng số 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chốt phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là đà tăng mạnh của hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta.

Nội dung

Tồn kho giảm tiếp tục đẩy giá Arabica

Giá hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta tăng lần lượt 2,55% và 1%. Như vậy, giá Arabica đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023. Tồn kho cà phê trên Sở ICE tiếp tục giảm sâu, kết hợp với rủi ro nguồn cung thắt chặt tạo nên hỗ trợ kép đối với giá.

Trong báo cáo kết phiên ngày 9/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm thêm 8.266 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đang lưu trữ về còn 302.235 bao. Đây chính là số lượng cà phê tồn kho thấp nhất kể từ tháng 4/1999.

Hơn nữa, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 của Việt Nam chỉ đạt 43.725 tấn, giảm 14,2% so với tháng trước và thấp hơn gần 1 nửa so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu này phản ánh tình trạng cạn kiệt cà phê vụ cũ, trong khi cà phê vụ mới chưa sẵn sàng đẩy ra thị trường tại nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới.

Ngoài cà phê, giá bông cũng bật lên từ đáy thấp nhất trong 1 năm với mức tăng hơn 2% trong phiên hôm qua. Dữ liệu bán hàng bông tại Mỹ tốt, kết hợp cùng dự báo nhập khẩu cải thiện tại Trung Quốc là hai nguyên nhân chính hỗ trợ giá tăng.

Đối với sản phẩm đường, giá đường 11 và đường trắng hồi phục với mức tăng lần lượt 2,09% và 1,26% sau hai phiên giảm mạnh. Lo ngại nguồn cung, đặc biệt là từ Thái Lan, đã hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.

Trong khi El Nino khiến cho sản lượng và xuất khẩu đường sụt giảm tại Ấn Độ và Thái Lan vẫn đang được thị trường để tâm, chính phủ Thái Lan lại đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ nguồn cung nội địa và chống buôn. Điều này khiến thị trường lo ngại tình trạng xuất khẩu đường ở mức thấp sẽ kéo dài sang năm sau.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (10/11), giá cà phê tăng trở lại, mức tăng trung bình 800 đồng/kg. Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 57.800 đồng/kg, giá mua cao nhất là 58.000 đồng/kg.

Giá nông sản gặp áp lực sau báo cáo cung – cầu tháng 11

Trái với diễn biến trên thị trường nguyên liệu công nghiệp thì phần lớn các mặt hàng nông sản trên Sở Chicago đóng cửa giảm giá. Lúa mì tiếp tục là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất trong cả nhóm do tác động của báo cáo cung – cầu tháng 11 công bố vào tối qua. Tương tự đối với ngô và đậu tương, giá các mặt hàng này cũng ghi nhận mức sụt giảm hơn 1,5%.

Cụ thể, lúa mì lao dốc gần 2% khi mà số liệu tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ và thế giới đồng loạt được điều chỉnh tăng so với báo cáo tháng 10, thay vì thắt chặt hơn như kỳ vọng của thị trường. Ước tính tồn kho đầu vụ của thế giới cao hơn và mức tăng 5 triệu tấn trong dự báo sản lượng lúa mì từ Nga đã giúp bù đắp mức sản lượng thế giới sụt giảm đến từ mùa vụ thiệt hại ở các quốc gia như Ấn Độ, Argentina và Kazakhstan.

Đối với ngô, USDA đã điều chỉnh tăng năng suất niên vụ 23/24 của Mỹ lên mức 174,9 giạ/mẫu, cao hơn mức 173,8 giạ/mẫu theo dự đoán của thị trường. Điều đó giúp xoa dịu những lo ngại về vụ ngô bị tổn thất do hạn hán kéo dài.

Trong khi đó, mức điều chỉnh tăng đối với triển vọng mùa vụ đậu tương của Mỹ có phần hạn chế hơn, nên áp lực bán có thể sẽ chỉ kéo dài trong ngắn hạn và bị kìm hãm bởi tình hình xuất khẩu khả quan của Mỹ. Cụ thể, mức năng suất chỉ cải thiện nhẹ 0,3 giạ/mẫu, kéo theo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ dự kiến sẽ đạt 4,13 tỷ giạ, tăng nhẹ so với mức 4,10 tỷ giạ trong báo cáo tháng 10.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (9/11) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao hai tháng đầu năm sau trong khoảng 6.650 – 6.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 – 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Giá dầu nhận được lực mua tích cực trong phiên sáng khi những lo ngại về nhu cầu giảm bớt

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn ổn định, đồng thời cho biết sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong thời gian gần đây là do hành động của các nhà đầu cơ. Ông cho biết xuất khẩu của các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mang tính thời vụ và có xu hướng giảm vào mùa hè, sau đó tăng trở lại vào tháng 9 và tháng 10, không có nghĩa là sản lượng của nhóm gia tăng.

Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) cũng đã suy đoán về khả năng Saudi Arabia đơn phương gia hạn mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày vào quý I/2024, làm tăng áp lực thâm hụt trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung từ Iraq vẫn hạn chế khi tuyến đường xuất khẩu dầu qua đường ống Ceyhan tới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chiếm khoảng 0,5% nguồn cung toàn cầu, vẫn chưa được nối lại.

Đáng chú ý, tờ Zawya cho biết chính quyền tỉnh Sơn Đông, trung tâm lọc dầu độc lập của Trung Quốc, đã yêu cầu Bắc Kinh bổ sung thêm 3 triệu tấn hạn ngạch nhập khẩu dầu nhiên liệu trong thời gian còn lại của năm 2023, nâng tổng hạn ngạch lên 19,2 triệu tấn. Hạn ngạch nhập khẩu gia tăng sẽ thúc đẩy các công ty khai thác thêm nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung trực tiếp giá rẻ từ Nga, nhằm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và tăng sản lượng lọc dầu trong tháng 11 và tháng 12.

Các chuyên gia phân tích tại Citi cũng dự đoán rằng trong ngắn hạn áp lực bán sẽ giảm bớt và giá dầu sẽ phục hồi do các nhà máy lọc dầu nới lỏng việc bảo trì, trong khi rủi ro nguồn cung gián đoạn ở Trung Đông còn tiềm ẩn.

Giá kim loại vẫn còn dư địa giảm do áp lực vĩ mô

Vào hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby xác nhận Israel đã đồng ý tạm dừng hoạt động quân sự 4 giờ mỗi ngày vì mục đích nhân đạo trong cuộc giao tranh ở phía bắc Gaza. Việc tạm dừng nhằm cho phép người dân di chuyển đến phía nam Gaza và mua thực phẩm và thuốc men. Lệnh tạm dừng được thực hiện từ ngày 9/11.

Về yếu tố vĩ mô, sau loạt phát biểu mang tính “diều hâu” của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các nhà đầu tư đang trở nên e ngại hơn đối với triển vọng lãi suất. Nhu cầu trú ẩn đối với đồng USD được thúc đẩy. Điều này khiến dòng tiền rút bớt khỏi thị trường kim loại quý, gây áp lực lên giá bạc và bạch kim.

Tuy vậy, đà giảm của giá bạc và bạch kim có thể thu hẹp do đồng USD đang chịu sức ép nhẹ khi đồng bảng Anh mạnh lên. Đồng tiền này đang được hỗ trợ nhờ dữ liệu kinh tế tích cực hơn của Anh. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong tháng 9/2023 tăng 0,2% so với tháng trước, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo. Trên cơ sở hàng năm, GDP tháng 9 của Anh tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo.

Đối với giá đồng, xu hướng tăng từ ngày 23/10 đang bị phá vỡ và giá đang hướng đến tuần giảm giá đầu tiên sau hai tuần tăng liên tiếp. Lực cản chính cản trở đà tăng của giá là do áp lực vĩ mô tăng lên trong khi nhà đầu tư mất dần niềm tin đối với nhu cầu đồng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *