Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng 0,55% lên 2.300 điểm, nối dài đà hồi phục sang ngày thứ 3 liên tiếp; đồng thời đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 1,4%, đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Nội dung [hide]
Giá ca cao tăng vọt, cà phê Robusta tiếp tục lao dốc
Kết thúc ngày 7/5, giá ca cao tăng vọt 13,47%, dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường. MXV đánh giá, yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn hỗ trợ xu hướng giá bất chấp đợt giảm mạnh gần đây. Thời tiết khô hạn tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới tiếp tục làm sâu sắc thêm lo ngại về nguồn cung. Nông dân nước này cho biết, kích thước hạt ca cao vụ giữa mùa đang khá nhỏ do tình trạng thiếu mưa.
Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 5/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,379 triệu tấn, giảm mạnh 29,1% so với cùng kỳ vụ trước.
Ủy ban Ca cao Ghana đang đàm phán với các thương nhân ca cao để hoãn giao ít nhất 150.000 đến 250.000 tấn ca cao cho đến mùa vụ tới do thiếu hụt nguồn cung.
Đi ngược xu hướng chung, giá Robusta lao dốc 4,6%, là mặt hàng duy nhất trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đóng cửa giảm giá, đồng thời cũng là mặt hàng ghi nhận mức giảm lớn nhất toàn thị trường trong ngày hôm qua. Giá gặp áp lực chủ yếu do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư quốc tế, trước một số tín hiệu tích cực hơn về triển vọng mùa vụ của nước ta. Mưa tại vùng sản xuất chính của Việt Nam giúp hạ nền nhiệt chung và giải tỏa áp lực thiếu nước tại các vườn cà phê đang trong giai đoạn phát triển cho vụ mùa 2024-2025.
Điều kiện thời tiết thuận lợi hơn tại vùng sản xuất chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thu hoạch cà phê, tạo động lực giúp nông dân đẩy mạnh bán hàng và duy trì lượng xuất khẩu kỷ lục thời gian qua.
Mặc dù vậy, một số lo ngại về nguồn cung vẫn tiềm ẩn khi mùa vụ tại một số quốc gia sản xuất khác không quá tích cực. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Ấn Độ, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 5 thế giới, đạt khoảng 6 triệu bao loại 60kg, giảm nhẹ 1,5% so với vụ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 7/5, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ duy trì ổn định quanh mức 99.000 – 100.000 đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tuần, giá thu mua cà phê trong nước đã lao dốc đến 35.000 đồng/kg.
Dầu giảm
Giá dầu giảm nhẹ lúc đóng cửa phiên thứ Ba (7/5) do thị trường bớt lo ngại về nguồn cung.
Hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tương lai giảm 17 US cent xuống 83,16 USD/thùng, trong khi hợp đồng dầu thô trung cấp Tây Texas của Mỹ kỳ hạn tương lai cũng giảm 10 US cent xuống 78,38 USD/thùng.
Các nguồn tin thị trường cho biết dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng vọt trong tuần trước.
Theo một phân tích của công ty môi giới năng lượng StoneX, dữ liệu tồn kho toàn cầu hiện tại cho thấy dầu thô và nguồn cung xăng dầu ở các nền kinh tế phát triển đang tăng 1,1 triệu thùng mỗi ngày so với dự báo.
“Tồn kho xăng dầu toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và đã tăng tốc gần đây”, nhà phân tích Alex Hodes của StoneX cho biết.
Kim loại cơ bản tăng giá nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện
Kết thúc ngày giao dịch 7/5, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại, tuy nhiên phần lớn các mặt hàng đều ghi nhận mức biến động quanh biên độ hẹp. Đối với kim loại quý, giá bạc quay đầu giảm nhẹ 0,25% sau phát biểu mang thông điệp cứng rắn của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cụ thể, Chủ tịch FED bang Minneapolis Neel Kashkari, đồng thời là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cho biết FED sẽ cần giữ lãi suất ổn định trong thời gian dài, do lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của FED có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với quyết định khó khăn trong những tháng tới. Ông cho rằng lạm phát tại Mỹ có thể duy trì ở mức khoảng 3%.
Ở chiều ngược lại, giá bạch kim bật tăng 2,44% lên 988,4 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn ba tuần trở lại đây. Giá bạch kim vẫn đang được hưởng lợi do rủi ro nguồn cung gián đoạn. Hiện các công ty khai thác bạch kim lớn liên tục cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu hoạt động, làm đình trệ hoạt động khai thác. Hơn nữa, vào hôm qua, ngân hàng Commerzbank đưa ra dự báo giá bạch kim sẽ tăng lên 1.100 USD/ounce vào cuối năm nay.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp do bức tranh nguồn cung cải thiện.
Theo hãng tin Reuters đưa tin hôm qua, công ty khai thác hàng đầu Freeport-McMoRan đã thành công trong việc đàm phán với Indonesia để gia hạn giấy phép xuất khẩu đồng. Họ dự kiến sẽ xuất khẩu 900.000 tấn tinh quặng đồng từ mỏ Grasberg vào tháng 6 tới.
Ngoài ra, theo trang Mining.com, Panama hôm Chủ nhật đã bầu Jose Raul Mulino làm tổng thống mới. Các nhà phân tích coi kết quả bầu cử này là tín hiệu tích cực đối với mỏ Cobre Panama, mỏ đồng vốn bị cho đóng cửa từ cuối năm ngoái, do Mulino tỏ ra khá ôn hòa trong vấn đề khai thác, trái ngược với lập trường cứng rắn chống lại việc khai thác mỏ của các ứng cử viên khác.
Ở chiều ngược lại, các kim loại công nghiệp khác như nhôm, niken duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng tiêu thụ sẽ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu. Cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc tuần trước cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chủ động, bao gồm cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).
Ngũ cốc giảm
Giá lúa mì trên sàn Chicago giảm vào thứ Ba từ mức cao nhất chưa từng thấy kể từ tháng 12, trong khi ngô giảm từ mức cao nhất trong 4 tháng do các nhà đầu tư đánh giá tác động của thời tiết khắc nghiệt ở một số vùng sản xuất chính.
Các hợp đồng đậu tương cũng kết thúc ở mức giảm do chốt lời sau khi đạt mức cao gần đây.
Trên Sàn Thương mại Chicago (CBOT), lúa mì kỳ hạn tháng 7 giảm 6 cent xuống 6,42-3/4 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 2,1/4 US cent xuống 12,46-1/2 USD/bushel, trong khi ngô giao tháng 7 giảm 2 US cent xuống 4,67 USD USD/bushel.