Giá dầu Mỹ đạt mức cao nhất 13 tuần. Trái lại, giá kim loại công nghiệp và nông sản đồng loạt giảm sau khi tăng cao ở phiên liền trước.
Nội dung
Dầu tiếp tục tăng 1% do lo ngại về nguồn cung
Giá dầu tăng khoảng 1% vào thứ Ba (7/6), với dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất trong 13 tuần do lo ngại về nguồn cung, bao gồm không có thỏa thuận hạt nhân với Iran và triển vọng tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc – nước đang dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đã từng áp dụng để kiểm soát đại dịch.
Giá dầu Brent kết thúc phiên tăng 1,06 USD, tương đương 0,9%, lên 120,57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31 tháng 5. Trong khi đó, dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 91 cent, tương đương 0,8% lên 119,41 USD, mức cao nhất kể từ ngày 8 tháng 3 – là mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Mỹ cho biết yêu cầu của Iran về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang ngăn cản tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các nhà phân tích đã luôn kỳ vọng một thỏa thuận có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho nguồn cung dầu thế giới.
Giá cũng được hỗ trợ từ kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi ở Trung Quốc, nơi thủ đô Bắc Kinh và trung tâm thương mại Thượng Hải đã hoạt động trở lại bình thường sau hai tháng ngừng hoạt động.
Đồng và nhôm giảm
Giá đồng giảm do sự nghi ngờ về nhu cầu ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới – Trung Quốc, mặc dù lượng hàng lưu kho được chấp thuận bởi Sở giao dịch kim loại London (LME) giảm mạnh.
Giá nhôm cũng giảm theo giá đồng, bất chấp lượng lưu kho của sàn LME giảm xuống mức thấp nhất trong 21 năm, là 441.725 tấn.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 0,4% xuống 9.707 USD/tấn. Trong phiên liền trước giá đồng đã chạm mức cao nhất trong 5 tuần, là 9.916,19 USD, do lạc quan rằng Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Giá nhôm giao cùng kỳ hạn cũng giảm 0,2% xuống 2,778 USD/tấn.
Đường giảm
Giá đường trắng kỳ hạn tương lai trên sàn ICE giảm mạnh vào lúc đóng cửa phiên 7/6, trượt khỏi mức cao nhất 5-1/2 năm ở phiên trước, do đồng real Brazil yếu đi.
Giá đường trắng giao tháng 8 giảm 30,60 USD, tương đương 5,2% xuống 563,40 USD/tấn.
Hợp đồng đường thô giao tháng 7 giảm 0,59%, tương đương 3,0%, ở mức 18,97 cent/lb.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giao tháng 7 giảm 5,4 cent, tương đương 2,3%, ở mức 2,3215 USD/lb do đồng nội tệ Brazil giảm giá so với USD.
Fitch Solutions giữ nguyên dự báo sản lượng năm 2022/23 của Brazil ở mức 60 triệu bao.
Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 24 USD, tương đương 1,1% xuống 2.109 USD/tấn.
Lúa mì giảm, ngô và đậu tương tăng nhẹ
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 1,9% trong phiên vừa qua do hoạt động bán chốt lời.
Giá ngô và đậu tương vững đến tăng trong bối cảnh các hợp đồng giao ngay cho thấy nhu cầu vẫn cao.
Giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên giảm 21-1/4 cent xuống 10,71-3/4 USD/bushel.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 14-1/2 cent lên 7,57 USD/bushel.
Trong khi đó, đậu tương kỳ hạn tương tự tăng 29 cent lên 17,28-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ cao nhất 2 tuần
Giá dầu cọ Malaysia tăng lên mức đóng cửa cao nhất trong gần hai tuần, với lo ngại dữ liệu sắp công bố sẽ cho thấy lượng tồn trữ tính đến cuối tháng 5 giảm. Các thương nhân đang chờ đợi thông tin chi tiết về việc điều chỉnh thuế xuất khẩu của Indonesia.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn giao tháng 8 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) kết thúc phiên tăng 67 ringgit, tương đương 1,04%, lên 6.520 ringgit (1.484,01 USD)/tấn. Đây là phiên thứ 4 giá tăng trong vòng 5 phiên gần đây, và mức giá đóng cửa đó là cao nhất kể từ ngày 26 tháng 5.
Khí đốt giảm nhưng vẫn gần cao nhất 13 năm
Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ duy trì ở gần mức cao nhất trong vòng 13 năm do dự báo thời tiết ở nước này sẽ nóng hơn và nhu cầu sẽ tăng cao hơn dự kiến trước đó, trong bối cảnh sản lượng giảm, năng lượng gió thấp và nhu cầu điện kỷ lục ở Texas.
Phiên 7/6, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,9 cent, tương đương 0,3% xuống 9,293 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Hai (6/6), hợp đồng này kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Giá khí đốt giao sau của Mỹ đã tăng khoảng 151% từ đầu năm đến nay do giá tăng mạnh ở châu Âu và châu Á khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là sau cuộc xung đột ở Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản giảm, kết thúc chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp trước đó. Giá cao su trên sàn Thượng Hải cũng đi xuống trong phiên này,
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 1,1 yên, tương đương 0,4%, xuống 261,5 yên (1,97 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 180 nhân dân tệ xuống 13.195 nhân dân tệ (1.979,48 USD)/tấn, mức giảm hàng ngày tính theo phần trăm nhiều nhất kể từ ngày 19/5.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm vào thứ Ba khi các thương nhân lo ngại về việc giá cao làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch ban ngày giảm 0,6% ở mức 928,50 nhân dân tệ (139,32 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tháng ở phiên liền trước.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch sôi động nhất trên Sàn giao dịch Singapore – kỳ hạn tháng 7 – giảm 0,2% xuống 143,55 USD/tấn.
Giá các nguyên liệu đầu vào của thép cao và đang gia tăng gây thách thức đối với các nhà máy do nhu cầu vẫn chưa tăng mạnh sau nhiều tuần ngừng hoạt động và Trung Quốc quyết tâm hạn chế sản xuất thép trong năm nay.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Nhu cầu quặng sắt ngắn hạn đã tăng hơn dự kiến, nhưng lợi nhuận của các nhà máy thép ở hạ nguồn rất yếu”.