Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua (06/12), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá của 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. Trong khi đó, lực bán gia tăng mạnh mẽ và hoàn toàn áp đảo trên thị trường Năng lượng.
Nội dung
Dầu thô tiếp tục lao dốc trước số liệu báo cáo tháng 12 của EIA
Giá của các mặt hàng dầu thô đều giảm phiên thứ hai liên tiếp, và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay. Diễn biến của phiên hôm qua có phần tương tự với diễn biến của phiên ngày thứ hai khi giá đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày và giảm mạnh kể từ phiên tối.
Kết thúc phiên 06/12, giá dầu thô WTI tiếp tục giảm 3,48% về 74,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent đánh mất mốc 80 USD, giảm 4,05% còn 79,35 USD/thùng.
Một mặt, giá chịu sức ép bởi các thông tin tiêu cực đến từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, sau nhiều tháng cắt giảm, cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng dầu vào năm tới, lên mức trung bình 12,34 triệu thùng/ngày, vượt qua cả mức kỷ lục 12,31 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019.
EIA cũng cho biết, dự trữ dầu toàn cầu dù giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023 (1H23), nhưng sẽ tăng gần 0,7 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc, dự trữ dầu toàn cầu vào cuối năm 2023 cao hơn so với so với số liệu của báo cáo STEO tháng 11. EIA cũng ước tính giá dầu thô Brent trong năm tới là 92 USD/thùng, thấp hơn 3 USD/thùng, so với con số của tháng trước .
Dự báo này có thể giúp dập tắt lo ngại rằng sản lượng dầu từ các mỏ đá phiến của Mỹ, một trong số ít các nguồn cung có khả năng tăng trên toàn cầu. Theo số liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến đã mở rộng hoạt động với tốc độ thận trọng.
Báo cáo tháng 12 của EIA cũng nhấn mạnh vào những rủi ro vĩ mô, và cũng là một yếu tố khác thúc đẩy sức bán mạnh trên thị trường dầu trong phiên hôm qua. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, khiến cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô vật chất tăng lên. Điều này phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index đã tăng phiên thứ hai liên tiếp lên 105,58 điểm.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu chung một sức ép liên thị trường, khi nhiều tài sản tài chính như chứng khoán, hay cả các mặt hàng kim loại quý đều bị “bán tháo” trước lo ngại về động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư tiến hành cắt giảm bớt các vị thế dầu thô để giảm thiểu rủi ro trong danh mục.
Sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 6,43 triệu thùng và cũng là tuần thứ tư liên tiếp giảm. Thông tin này có thể hỗ trợ giá phục hồi vào phiên sáng.
Cả 2 mặt hàng cà phê đều tăng nhẹ khi thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ hiện tại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/12, sắc xanh gần như bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trừ 2 mặt hàng đường. Robusta nối tiếp đà tăng trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam.
Arabica tiếp tục có phiên giao dịch giằng co khi giá có thời điểm tăng lên trên 166 cents, sau đó lại lùi về mức 163,50 cents, tương đương mức tăng khiêm tốn 0,55%. Một mặt giá đường hỗ trợ từ việc sản lượng Arabica trong tháng 11 của Colombia giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái vì lượng mưa vượt quá mức bình thường, kéo theo xuất khẩu giảm 25%. Mặt khác, mưa được dự báo sẽ xuất hiện tại Minas Gerais trong 10 ngày tới, hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê, từ đó cải thiện nguồn cung trong niên vụ tới của nước cung ứng số 1 thế giới và gây áp lực lên giá khiến đà tăng bị hạn chế.
Với Robusta, đà tăng vẫn được duy trì do những lo ngại về nguồn cung tại Việt Nam. Theo đó, quốc gia này đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích cà phê, chất lượng nguồn cung đang là vấn đề đáng lo ngại do mưa lớn kéo dài trong quá trình thu hoạch, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch và sấy khô.
Bông ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần nhờ tín hiệu tích cực từ Trung Quốc. Quốc gia nhập khẩu bông số 1 thế giới đang nới lỏng dần các lệnh phòng chống lây lan Covid-19, điều này đưa đến triển vọng tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ bông của quốc gia này sẽ hồi phục trong thời gian tới, từ đó giúp giá khởi sắc.
Dầu cọ thô có phiên bật tăng mạnh với mức tăng hơn 3%. Lực mua được thúc đẩy bởi việc nhập khẩu dầu cọ trong tháng 11 của Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng 29% so với tháng 10, lên mức 1,14 triệu tấn. Thông thường, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ sẽ chỉ đạt mức trung bình trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng bất ngờ này đến từ mức chiết khấu giữa giá dầu cọ thô so với dầu đậu tương và dầu hướng dương tương đối cao tại thị trường nội địa, điều này đã khiến các đại lý dầu thực vật của Ấn Độ đẩy mạnh các lô hàng dầu cọ.
Ở chiều ngược lại, cả 2 mặt hàng đường đều mang sắc đỏ và ghi nhận mức giảm lần lượt là 0,82% với đường 11 và 0,78% với đường trắng. Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên hôm qua đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này trở nên nới lỏng, từ đó gây áp lực khiến giá quay đầu giảm.
Nhôm giảm do không chắc chắn về việc mở cửa lại của Trung Quốc
Giá nhôm và đồng giảm, bởi USD mạnh lên và không chắc chắn về việc nới lỏng những hạn chế với Covid-19 tại Trung Quốc.
Nhôm giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME giảm 0,9% xuống 2.501 USD/tấn sau khi giảm 0,9% trong phiên trước, trong khi đồng giảm 0,2% xuống 8.376 USD/tấn.
Nhôm đã tăng khoảng 12% kể từ đầu tháng 11, phần lớn do hy vọng nhu cầu kim loại cải thiện khi Trung Quốc nới lỏng những hạn chế về Covid.
Cũng gây sức ép lên thị trường là USD mạnh lên sau khi tăng mạnh nhất trong hai tuần bởi số liệu lĩnh vực dịch vụ của Mỹ mạnh mẽ làm dấy lên dự đoán lãi suất tăng tiếp.
USD mạnh khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Giá đồng đã chạm mức đỉnh 3 tuần trong ngày 5/12 bởi lạc quan về Trung Quốc.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore giảm trong phiên giao dịch biến động, do các nhà đầu tư giảm lạc quan về triển vọng tại Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,6% xuống 780 CNY (111,62 USD)/tấn.
Quặng sắt Đại Liên lên mức cao nhất kể từ ngày 14/6 trong phiên liền trước tại 799,5 CNY, do thêm nhiều thành phố của Trung Quốc cắt giảm phong tỏa, các quy định cách ly và yêu cầu kiểm tra Covid.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 0,3% xuống 108 USD/tấn sau ba phiên tăng giá.
Vẫn có những lo lắng về khả năng số ca nhiễm Covid tăng vọt tại Trung Quốc, đặc biệt trong những tháng lạnh hơn và sau khi nới lỏng một phần những hạn chế về Covid.
Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,6%, thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, thép không gỉ tăng 1,3%.
Mỹ và Liên minh Châu Âu đang cân nhắc thuế mới đối với thép và nhôm của Trung Quốc như một phần của nỗ lực chống lại khí thải carbon.
Cao su Nhật Bản tăng tiếp
Giá cao su Nhật Bản tăng theo xu hướng thị trường Thượng Hải do tâm lý nhu cầu tích cực khi Trung Quốc tiếp tục nới lỏng những hạn chế về Covid-19.
Hợp đồng cao su giao tháng 5/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3 JPY hay 1,4% lên 220,7 JPY (1,61 USD)/kg, mức cao nhất kể từ ngày 16/11.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2023 tăng 55 CNY lên 12.935 CNY (1.851 USD)/tấn.
Chi tiêu của hộ gia đình Nhật Bản tăng tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 10 so với một năm trước.
Nhà máy của Volkswagen và FAW tại Thành Đô, Trung Quốc đã khôi phục sản xuất sau một thời gian ngắn tạm dừng và hai dây chuyền bị dừng tại nhà máy Chengum của nhà sản xuất ô tô này cũng đang hoạt động trở lại.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa tăng 0,9 US cent hay 0,6% lên 1,635 USD/lb.
Các đại lý cho biết đồng real của Brazil mạnh lên so với USD có thể tiếp tục không khuyến khích nhà sản xuất bán ra tại nước này. Tuy nhiên, sự gia tăng liên tục trong dự trữ của sàn giao dịch dự kiến sẽ hạn chế giá cả.
Dự trữ cà phê của sàn ICE ở mức 637.360 bao tính tới ngày 5/12, cao hơn nhiều mức thấp nhất 23 năm tại 382.695 bao thiết lập trong ngày 3/11/2022.
Colombia đã sản xuất 1,06 triệu bao cà phê arabica sạch loại 60 kg/bao trong tháng 11, giảm 6% so với cùng tháng năm trước do mưa nhiều.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 17 USD hay 0,9% lên 1.925 USD/tấn.
Vụ thu hoạch tại Việt Nam hiện hoàn thành được 60%, với một số lo ngại về chất lượng khi mưa gần đây.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 0,16 US cent hay 0,8% xuống 19,39 US cent/lb.
Giá năng lượng giảm làm giảm động lực khuyến khích các nhà máy sản xuất ethanol dẫn tới sản lượng đường tăng.
Các đại lý lưu ý mưa gần đây tại Trung Nam Brazil đã làm gián đoạn vụ thu hoạch mía trong khi vụ thu hoạch tại Thái Lan bắt đầu chậm lại.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 4,2 USD hay 0,8% xuống 534,9 USD/tấn.
Lúa mì, ngô giảm, đậu tương tăng
Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm sau phiên giao dịch trái chiều, do nguồn cung toàn cầu dồi dào tiếp tục gây áp lực lên thị trường Mỹ.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 10 US cent xuống 7,29 USD/bushel sau khi giảm xuống 7,23-1/2 USD, mức thấp nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ ngày 15/10/2021. Hợp đồng giao ngay tháng 12 giảm 10 US cent xuống 7,05-1/2 USD/bushel.
Ngô trên sàn Chicago cũng giảm, áp lực bởi giá lúa mì.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa giảm 3-1/4 US cent xuống 6,37-1/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến dự trữ ngô cuối vụ trên toàn cầu trong năm thị trường 2022/23 ở mức 300,86 triệu tấn, tăng nhẹ so với ước tính hồi tháng 3.
Đậu tương tăng được hỗ trợ bởi lượng xuất khẩu mới và giá khô đậu tương mạnh khi Argentina vật lộn với việc trồng đậu tương trong tình trạng khô hạn.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1/2023 tăng 17-1/4 US cent lên 14,55 USD/bushel.