Kết thúc ngày giao dịch hôm qua (04/10), sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Giá dầu tăng hơn 3%, đồng tăng do USD suy yếu, đường, cà phê, ngô, đậu tương đồng loạt tăng theo tâm lý chung trên thị trường hàng hóa và chứng khoán.
Nội dung
Các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng mạnh, giá bạc lên mức cao nhất hơn 3 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/10, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại. Bạc tiếp tục đón nhận lực mua tích cực khi tăng 2,48% lên mức 21,09 USD/ounce và chỉ sau 2 phiên, giá bạc đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 6. Bạch kim đóng cửa tại mức giá 943,7 USD/ounce sau khi tăng 3,56%.
Các dữ liệu mới nhất tại Mỹ tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng môi trường lãi suất cao đang dần gây sức ép lên nền kinh tế quốc gia này. Khảo sát lao động và cơ hội việc làm (JOLTs) cho thấy số cơ hội việc làm đã giảm hơn 1,1 triệu người và đạt mức 10,053 triệu trong tháng 8, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường ở mức 10,775 triệu người. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Thị trường lao động hạ nhiệt khiến nhiều nhà giao dịch cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nhẹ tay hơn trong tiến trình tăng lãi suất giai đoạn cuối năm nay, nhằm tránh gây ra rủi ro suy thoái. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Úc cũng đã gây bất ngờ khi chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Điều này củng cố cho niềm tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể chuyển sang giai đoạn thắt chặt tiền tệ ít tích cực hơn. Do đó, đồng Dollar Mỹ tiếp tục suy yếu và đạt mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua. Đây là nguyên nhân chính đã hỗ trợ mạnh cho lực mua trên thị trường kim loại nói chung và bạc cùng bạch kim nói riêng khi đây là nhóm nhạy cảm nhất với lãi suất và biến động của đồng bạc xanh.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX đóng cửa tại mức giá 3,49 USD/pound, tăng 2,35%, ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong 2 tuần. Bên cạnh đà giảm của đồng USD đã làm giảm áp lực chi phí nắm giữ vật chất, các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thu hẹp cũng đã hỗ trợ cho giá trong phiên. Cụ thể, dữ liệu của Chính phủ Chile vào hôm qua cho biết, sản lượng đồng trong tháng 8 tại quốc gia này đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 415.500 tấn. Trong đó, sản lượng từ nhà khai thác lớn nhất thế giới Codelco giảm mạnh 29,6% xuống mức 101.800 tấn. Nguồn cung dần thu hẹp, trong khi nhu cầu đầy tiềm năng trong dài hạn do quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đã giúp giá đồng đón nhận lực mua tích cực trong phiên.
Dầu thô tăng mạnh lên vùng giá cao nhất 3 tuần
Dầu thô tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng từ các thông tin mới xoay quanh cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 3,46% lên 86,52 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,31% lên 91,8 USD/thùng.
Chỉ sau 2 phiên tăng mạnh, giá dầu hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Ngày hôm qua, giá tăng rất mạnh gần như không tạo ra nhịp điều chỉnh nào trong phiên. Dollar Index duy trì đà giảm từ sáng đã hỗ trợ cho giá của hầu hết các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ tâm lý của thị trường chính là thông tin OPEC+ có thể cắt giảm mạnh sản lượng dầu của nhóm trong cuộc họp chính sách ngày hôm nay. Nguồn tin của Reuters biết trong tuần này, OPEC+ đang nỗ lực để thống nhất mức cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Ngày hôm qua, một nguồn tin OPEC cho biết mức cắt giảm thậm chí có thể lên tới 2 triệu thùng mỗi ngày vì Saudi Arabia có thể tự nguyện giảm sản xuất để hỗ trợ giá dầu và thống nhất chính sách chung của nhóm.
Tuy vậy, quyết định của nhóm có thể sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia tiêu thụ dầu lớn, trong đó có Mỹ. Nhà Trắng được cho là đang kêu gọi nhóm nước sản xuất dầu không cắt giảm sản lượng quá nhiều. Giá xăng dầu tăng cao trở lại có thể tiếp tục gây áp lực tới lạm phát của Mỹ, vốn đã duy trì ở mức đỉnh 40 năm. Theo ngân hàng Citibank, để đáp trả, Mỹ có thể cân nhắc giải pháp mở thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Rạng sáng hôm nay, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô trong tuần 30/09 tại Mỹ giảm trở lại 1,8 triệu thùng, ngược lại với dự đoán tăng 2,1 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm mạnh lần lượt 3,5 và 4 triệu thùng. Theo MXV, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên giao dịch sáng nay, trước khi cuộc họp của OPEC+ bắt đầu.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm, bởi những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi việc giao dịch vẫn yếu do kỳ nghỉ lễ dài ngày ở Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,5 JPY, hay 0,2% xuống 228,5 JPY (1,58 USD)/kg.
Chỉ số Nikkesi của Nhật Bản đóng cửa tăng 2,96%, mức tăng một ngày cao nhất kể từ ngày 23/3.
Sản lượng cao su tại Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi các dự báo mưa rào tiếp tục và cảnh báo lũ lụt ở khắp quốc gia này.
Giá tiêu dùng lõi tại thủ đô Nhật Bản, một chỉ số hàng đầu về lạm phát trên toàn quốc, đã tăng 2,8% trong tháng 9 so với một năm trước, vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương tháng thứ 4 liên tiếp và đánh dấu tăng mạnh nhất kể từ năm 2014.
Sản xuất toàn cầu hầu như suy yếu trong tháng 9 do nhu cầu chậm lại cộng thêm áp lực chi phí và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 tại Singapore tăng 0,2% lên 135,1 US cent/kg.
Cà phê arabica tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 3,55 US cent hay 1,6% lên 2,193 USD/lb.
Các đại lý cho biết hợp đồng giao tháng gần có giá cao hơn so với các hợp đồng xa hơn, phản ánh nguồn cung ngắn hạn khan hiếm bởi những vấn đề mùa vụ tại Colombia và những điều chỉnh giảm với ước tính mùa vụ năm nay của Brazil.
Colombia đã sản xuất 834.000 bao loại 60 kg/bao cà phê arabica sạch trong tháng 9, giảm 31% so với cùng tháng năm trước đó.
Dự trữ cà phê arabica của sàn ICE cũng tiếp tục giảm, đứng ở mức 417.306 bao trong ngày 3/10 – thấp nhất trong 23 năm.
Tuy nhiên, triển vọng trong dài hạn cà phê theo xu hướng giảm sau khi cây nở hoa tốt ở Brazil với thời tiết gần như lý tưởng.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 thay đổi ít đạt 2.172 USD/tấn.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,49 US cent hay 2,8% lên 17,91 US cent/lb, phục hồi từ mức thấp nhất hai tháng trong phiên trước.
Các đại lý cho biết đồng nội tệ của Brazil mạnh trong tuần này đã tạo ra một số hỗ trợ khi thị trường theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử Tổng thống ở quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới này.
Đường cũng được hưởng lợi từ tâm lý tích cực nói chung trên các thị trường hàng hóa và chứng khoán.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng tăng 8,9 USD hay 1,7% lên 533,1 USD/tấn.
Ngô, đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá ngô và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng sau khi tâm lý tích cực trên thị trường hàng hóa và chứng khoán.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 9-1/2 US cent lên 13,83-1/2 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 2-1/4 US cent lên 6,83 USD/bushel.
Lúa mì giảm do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật và việc chốt lời sau khi giá lên mức cao nhất hai tháng trong tuần trước, lờ đi hỗ trợ từ USD yếu hơn và tình trạng khô hạn ở đồng bằng của Mỹ.
Lúa mì kỳ hạn tháng 12 mềm đỏ vụ đông đóng cửa giảm 9 US cent xuống 9,03 USD/bushel, thoái lui phiên thứ hai sau khi đạt đỉnh hai tháng tại 9,45-3/4 USD trong ngày 30/9.