Kết thúc phiên giao 2/6 giá dầu tăng hơn 1% khi nhu cầu nhiên liệu tăng cao, quặng sắt tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong 6 tuần, gạo ở Châu Á tăng bởi nhu cầu mạnh.
Nội dung
Dầu tăng hơn 1% khi tồn kho giảm nhiều hơn dự kiến
Giá dầu tăng hơn 1% sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu cao, lấn át tin tức OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng dầu bù một phần cho sản lượng sụt giảm của Nga.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi các gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh Châu Âu chống lại Nga, gồm lệnh cấm ngay lập tức với các hợp đồng bảo hiểm mới cho tàu mang dầu của Nga và bỏ dần các hợp đồng hiện có trong 6 tháng.
Chốt phiên 2/6, dầu thô Brent tăng 1,1% hay 1,32 USD lên 117,61 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,61 USD hay 1,4% lên 116,87 USD/thùng.
Tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm trong tuần trước, do nhu cầu tiếp tục vượt nguồn cung, với tồn kho dầu thô thương mại giảm ngay cả khi có thêm dầu dự trữ chiến lược được đưa vào thị trường.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng, so với dự đoán giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích trong một thăm dò của Reuters.
Trong phiên giá dầu đã giảm khi Saudi Arabica và các nước OPEC+ khác đồng ý tăng thêm sản lượng dầu để bù cho sản lượng giảm từ Nga nhằm kìm đà tăng giá dầu và lạm phát đồng thời dọn đường cho chuyến thăm tới Riyadh của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổ chức OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng khoảng 650.000 thùng/ngày trong hai tháng tới so với mức tăng hiện nay 432.000 thùng/ngày.
Thị trường cũng được hỗ trợ từ nhu cầu củaTrung Quốc khi những phong tỏa Covid-19 được dỡ bỏ.
Sản lượng của Nga đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày sau những lệnh trừng phạt của Phương Tây.
Giá đồng Thượng Hải tăng
Giá đồng Thượng Hải tăng do việc dỡ bỏ hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu phục hồi.
Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 7 tại Thượng Hải đóng cửa tăng 0,7% lên 72.130 CNY (10.803,56 USD)/tấn, trong phiên giao dịch trầm lắng do sàn giao dịch kim loại London đóng cửa nghỉ lễ.
Đà tăng giá đồng bị hạn chế do USD đạt mức cao nhất 3 tuần so với đồng JPY trong đầu phiên giao dịch.
Các nhà phân tích của RBC Markets cho biết nguồn cung đồng toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong hai năm tới nhờ sự hỗ trợ của một số dự án lớn sắp tới.
Quặng sắt Trung Quốc đạt cao nhất 6 tuần
Giá quặng sắt của Trung Quốc tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong hơn 6 tuần do các nhà máy thép bổ sung tồn kho trước kỳ nghỉ lễ và tăng cường sản xuất để dần phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng của Covid-19.
Galaxy Futures cho biết các nhà sản xuất thép sẽ bị thua lỗ lớn hơn nếu sản xuất bị đình trệ, hiện đang sản xuất bổ sung và tăng cường dự trữ trước trước kỳ nghỉ lễ.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng vọt 3,8% lên 936 CNY (140,19 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 19/4.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 4,8% lên 141,8 USD/tấn.
Tuy nhiên, đà tăng giá quặng sắt có thể bị hạn chế. Những hạn chế về sản lượng thép vẫn còn, trong khi việc nới lỏng các quy định với lĩnh vực nhà ở vẫn không giải quyết vấn đề.
Giá thép tại Thượng Hải đóng cửa cũng tăng. Thép thanh kỳ hạn tháng 10 đứng ở mức 4.788 CNY/tấn tăng 2% so với phiên trước. Thép cuộn cán nóng tăng 1,8% lên 4.879 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 1% lên 18.495 CNY/tấn.
Cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 6 liên tiếp
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ sáu liên tiếp do đồng JPY yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người mua bằng đồng tiền khác, trong khi việc dỡ bỏ phong tỏa của Thượng Hải dấy lên hy vọng nhu cầu cao su tự nhiên mạnh lên.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,7 JPY hay 0,7% lên 256,5 JPY (1,97 USD)/kg sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 22/4 tại 257,3 JPY/kg.
Cao su kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 160 CNY lên 13.380 CNY (2.005,16 USD)/tấn, trong phiên giá đã đạt cao nhất kể từ ngày 21/4 tại 13.385 CNY/tấn.
Giá gạo Châu Á tăng do nhu cầu mạnh
Giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm chính của Châu Á tăng trong tuần này được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh, trong khi Bangladesh bắt đầu trấn áp những người tích trữ bất hợp pháp khi giá trong nước tăng vọt.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 355 tới 360 USD/tấn so với mức giá 350 tới 354 USD/tấn một tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại bang miền nam Andhra Pradesh cho biết khách hàng chuyển sang Ấn Độ vì giá cạnh tranh hơn so với nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam.
Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo do họ đã có đủ dự trữ và giá trong nước thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.
Tại Bangladesh, chính phủ đã triện khai một chiến dịch chống lại những người tích trữ gạo trong bối cảnh giá trong nước tăng mạnh trong mùa cao điểm. Giá trong nước đã tăng hơn 5% trong tuần này, mà các quan chức cho là do các thương nhân tích trữ để tạo ra khủng hoảng giả tạo nhằm kiếm lợi nhuận.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 455- 460 USD/tấn so với 450 USD/tấn một tuần trước, do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng nhẹ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được bán ở mức 420 – 425 USD/tấn tăng từ 415 – 420 USD/tấn một tuần trước.
Việt Nam đã xuất khẩu 2,86 triệu tấn gạo với trị giá 1,39 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê arabica giảm sau khi lên mức cao nhất 3 tháng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 1,2 US cent hay 0,5% xuống 2.3825 USD/lb, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 tại 2,42 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này vẫn được hỗ trợ tố bởi nguồn cung hạn chế từ Brazil và Trung Mỹ.
Giá cà phê arabica của Guatemala giao dịch ở mức cộng 82 US cent, cao nhất kể từ năm 2010.
Xuất khẩu từ Hondura giảm 23% trong tháng 5, xuất khẩu từ Costa Rica giảm 35%.
Tại Việt Nam giá cà phê tăng trong ngày 2/6 so với một tuần trước, do sự gia tăng của giá robusta trên sàn ICE và nguồn cung trong nước hạn chế.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 41.400 – 43.100 đồng (1,78 – 1,86 USD)/kg so với mức 40.600 – 41.700 đồng một tuần trước.
Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 230 – 240 USD/tấn, so với một tuần trước ở mức 250 – 270 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 24,2% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, đạt 889.000 tấn.
Tại Indonesia, các thương nhân tại tỉnh Lampung đã chào bán cà phê robusta Sumatran ở mức trừ lùi 170 tới 180 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 và 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE London.
Giá tại đây giảm do nguồn cung mới từ vụ thu hoạch đang diễn ra, mặc dù các nhà xuất khẩu đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những khách hàng trong nước.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,09 US cent hay 0,5% xuống 19,35 US cent/lb.
Xuất khẩu bổ sung của Ấn Độ sẽ làm tổn thương thị trường, có thể đạt 10 triệu tấn trong niên vụ này.
Cũng có tin đồn rằng các nhà phân phối nhiên liệu tại Brazil đang trì hoãn mua ethanol với dự đoán việc cắt giảm thuế có thể làm giảm giá nhiên liệu trong nước.
Giá năng lượng giảm tại Brazil có thể khiến các nhà máy sản xuất ít ethanol hơn và sản xuất thêm đường.
Lúa mì, đậu tương tăng
Lúa mì Chicago tăng sau khi chạm mức thấp nhất hai tháng do các quỹ đầu tư giảm bớt thanh lý và căng thẳng nguồn cung tiếp tục bất chấp các cuộc đàm phán để mở lại các cảng của Ukraine.
Việc Ai Cập mua một lượng lớn bột mì và một báo cáo rằng chính phủ Mỹ có thể nâng quy định về pha trộn ethanol đã hỗ trợ thị trường ngũ cốc.
Đậu tương mạnh bởi nhu cầu xuất khẩu và nguồn cung của Mỹ hạn hẹp.
Hợp đồng lúa mì CBOT tăng 17 US cent lên 10,58-1/4 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 22-1/4 US cent xuống 7,31-1/4 USD/bushel.
Đậu tương tăng 39 US cent lên 17,29-1/4 USD/bushel.