Phiên giao dịch ngày 3/3 với bất ổn ở Ukraine dự đoán kéo dài giá dầu vượt ngưỡng 110 USD/thùng, nhôm cao kỷ lục, thép cao nhất hai tuần, đường tiếp tục tăng theo giá dầu.
Nội dung
Dầu vượt ngưỡng 110 USD/thùng
Giá dầu tăng vượt 110 USD/thùng, phản ứng với việc các công ty lớn thoái vốn khỏi các tài sản dầu mỏ của Nga và dự đoán rằng thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung trong những tháng tới.
Thị trường tăng mạnh, với dầu thô Brent tăng 15% chỉ trong tuần này sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine và phương Tây đáp trả với các lệnh trừng phạt nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.
Trong khi lĩnh vực năng lượng không được nhắm đến, các lệnh trừng phạt này nhắm vào các giao dịch tài chính và ngân hàng đã cản trở khả năng xuất khẩu Nga, quốc gia có thể xuất khẩu 4 tới 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Saudi Arabia.
Chốt phiên 2/3, dầu thô Brent tăng 7,96 USD hay 7,6% lên 112,93 USD/thùng sau khi đạt đỉnh 113,94 USD/thùng. Dầu WTI tăng 7,19 USD hay 7% lên 110,6 USD/thùng trong phiên giá đã lên 112,51 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này quay đầu giảm sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ cho biết ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất vài lần để chế ngự lạm phát.
Trong cuộc họp ngày 2/3, tổ chức OPEC và các đồng minh gồm cả Nga tiếp tục kế hoạch dài hạn nhằm tăng sản lượng chỉ 400.000 thùng/ngày. Thậm chí OPEC+ đã tăng sản lượng trong vài tháng trước, các nhà sản xuất thường không đạt mục tiêu của họ, nới rộng khoảng cách giữa cung và cầu chỉ có thể lấp đầy bằng cách rút từ các kho dự trữ.
Hiện loại dầu Urals của Nga được bán thấp hơn so với giá chuẩn 18 USD và trong ngày 2/3 công ty dầu khí Surgutneftegaz của Nga đã không thể bán 880.000 tấn dầu Urals từ các cảng của Nga sau khi các giao dịch bán đề xuất khác bị hủy bỏ.
Ngoài ra, Nhà Trắng ngày 2/3 đã cho biết để mở khả năng nhắm các lệnh trừng phạt vào lĩnh vực dầu và khí của Nga. Các nhà phân tích cho biết điều đó có thể đẩy giá dầu tăng tiếp, cho tới khi người tiêu dùng bắt đầu chùn bước trước chi phí gia tăng. Xuất khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu.
Hoạt động buôn bán dầu của Nga gặp khó khăn khi các nhà sản xuất hoãn bán, các nhà nhập khẩu từ chối các tàu của Nga và người mua trên thế giới đã tìm kiếm dầu thô ở nơi khác do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc các công ty tư nhân rút lui khỏi Nga.
Trong khi đó tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục sụt giảm. Tại kho cảng dầu thô Cushing, Oklahoma tồn kho ở mức thấp nhất kể từ năm 2018, trong khi kho dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 20 năm và số liệu đó là trước khi phát hành thông báo giải phóng dự trữ tiếp theo được Nhà Trắng công bố vào ngày 1/3 cùng với các quốc gia công nghiệp khác.
Nhôm tăng lên mức kỷ lục
Giá nhôm tăng lên mức cao mới do các nhà đầu tư lo lắng những thách thức hậu cần sẽ ngăn cản nguồn cung kim loại bởi các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga, một nhà sản xuất lớn.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng lên mức kỷ lục 3.597 USD/tấn trước khi giảm bớt chỉ tăng 2,7% lên 3.573 USD/tấn.
Giá nhôm tăng vọt 37% trong 2,5 tháng qua, ban đầu bởi sản lượng thấp do vấn đề điện năng và hiện nay đã đạt mức cao kỷ lục liên tiếp sau xung đột Nga và Ukraine.
Dự trữ nhôm trên sàn giao dịch LME đã giảm hơn một nửa trong 12 tháng qua xuống 809.750 tấn so với gần 2 triệu tấn trong tháng 3/2021.
Giá thép Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tuần
Thép tại Trung Quốc, nước sản xuất nguyên liệu này lớn nhất thế giới, tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tuần do dự đoán xung đột Nga – Ukraine sẽ thúc đẩy nhu cầu thép của Trung Quốc ở nước ngoài.
Nga đang đối mặt với làn sóng trừng phạt kinh tế chưa từng có từ các đồng minh phương Tây, chiếm khoảng 10% giao dịch thép toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm 4% thị phần.
Gián đoạn nguồn cung sẽ buộc một số khách hàng lớn tìm nguồn thay thế và hiện nay chỉ có Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống khổng lồ này.
Hợp đồng thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 2,1% lên 5.138 CNY (814,06 USD)/tấn, sau khi chạm mức 5.158 CNY trong phiên này, cao nhất kể từ ngày 11/2.
Thép thanh tăng 1,8% lên 4.860 CNY/tấn, sau khi đạt 4.893 CNY, cao nhất kể từ ngày 14/2.
Triển vọng nhu cầu thép trong nước tăng cũng hỗ trợ giá, trước cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào ngày 5/3, khi họ có thể công bố thêm các biện pháp kích thích để hỗ trợ tăng trưởng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 5,9% lên mức cao nhất kể từ ngày 15/2.
Cao su Nhật Bản tăng do giá dầu, nguyên liệu thô mạnh
Giá cao su Nhật Bản tăng củng cố bởi giá dầu và nguyên liệu thô tăng.
Cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3 JPY hay 1,2% lên 259,9 JPY (2,26 USD)/kg.
Vì cao su tổng hợp bắt nguồn từ dầu thô, giá dầu tăng có thể khiến các nhà sản xuất lốp cao su và những người sử dụng cao su tổng hợp khác mua nhiều cao su tự nhiên hơn để thay thế, điều này sẽ thúc đẩy giá tăng.
Sản lượng nguyên liệu thô giảm do mùa đông tại miền nam Thái Lan cũng sẽ khiến giá tăng. Mùa đông khi cây cao su tạm thời cho sản lượng mủ chậm lại trong khi cây rụng lá già và mọc lá mới.
Giá mủ cao su Thái Lan đạt 54,8 baht (1,68 USD)/kg, cao nhất kể từ tháng 10/2020.
Cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải tăng 280 CNY lên 13.940 CNY (2.208,67 USD)/tấn, đánh dấu ngày tăng theo phần trăm mạnh nhất kể từ ngày 7/2.
Đường tiếp tục tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,3 US cent hay 1,6% lên 18,64 US cent/lb.
Giá năng lượng cao có thể khiến thêm mía để sản xuất ethanol tại Brazil. Mặc dù giá nhiên liệu ở Brazil ổn định kể từ tháng 1, khi công ty dầu nhà nước Petrobras nâng giá lần gần đây nhất, các đại lý tin tưởng sẽ có đợt tăng giá mới, thúc đẩy nhu cầu ethanol trong các nhà máy.
Goldman Sachs cho biết giá xăng của Brazil hiện thấp hơn 23% so với tỷ giá quốc tế.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 5,9 USD hay 1,2% lên 515,2 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 6,8 US cent hay 2,9% xuống 2,292 USD/bl. Trước đó giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/1 tại 2,272 USD/lb.
Các đại lý cho biết động thái này có thể do các nhà đầu cơ chốt lời và thoát khỏi vị thế mua ròng lớn trong bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính thế giới. Lo lắng về nhu cầu tại Nga, một nước tiêu thụ lớn trên thế giới cũng là một lý do.
Các nhà kinh doanh cà phê đang tìm cách thanh toán trước cho bất kỳ đơn hàng mới nào từ Nga do các biện pháp trừng phạt của phương Tây giáng vào hệ thống tài chính của Nga.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 54 USD hay 2,6% xuống 2.030 USD/tấn, trước đó đã xuống mức thấp nhất 5,5 tháng tại 2.026 USD/tấn.
Đậu tương, ngô giảm, lúa mì trái chiều
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm mạnh do mưa làm dịu đi tình trạng khô hạn ở các khu vực trồng trọt của Brazil và Argentina.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 27 US cent xuống 16,63 USD/bushel.
Các nhà phân tích cho biết thị trường vẫn cực kỳ biến động trong bối cảnh không chắc chắn về việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hạt có dầu từ khu vực Biển Đen trong bao lâu.
Lúa mì với các hợp đồng trả chậm giảm trong khi hợp đồng được giao dịch nhiều nhất tăng với mức giới hạn ngày. Lúa mì tăng mạnh so với ngô và đậu tương.
Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 5 được giao dịch nhiều nhất tăng 75 US cent lên mức cao nhất 14 năm tại 10,59 USD/bushel. Lúa mì kỳ hạn tháng 12 giảm 75 US cent xuống 8,57-1/2 USD/bushel.
Ngô ban đầu tăng đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2012 sau đó giảm, do lo sợ xung đột kéo dài ở Ukraine thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3/4 US cent xuống 7,25 USD/bushel.