Chốt phiên giao dịch ngày 30/3, nghi ngờ về khả năng ngừng bắn giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu tăng 3%, kim loại công nghiệp, nông sản đồng loạt tăng.
Nội dung
Dầu tăng khoảng 3%
Giá dầu tăng khoảng 3% do dự trữ dầu thô của Mỹ giảm cho thấy nguồn cung thắt chặt và các nhà đầu tư lo lắng về các lệnh trừng phạt mới của phương Tây chống lại Moscow khi lực lượng của Nga tiếp tục ném bon vùng ngoại ô thủ đô Ukraine.
Chốt phiên 30/3, dầu thô Brent tăng 3,22 USD hay 2,9% lên 113,45 USD/thùng, WTI tăng 3,58 USD hay 3,4% lên 107,82 USD/thùng.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự kiến, xuống 410 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Sau vài tuần giữ ổn định, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 100.000 thùng/ngày trong tuần trước lên 11,7 triệu thùng/ngày, trong khi dự trữ dầu thô của kho dự trữ chiến lược xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002, và công suất của nhà máy lọc dầu Bờ Vịnh tăng lên cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Giá dầu tăng bị hạn chế bởi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước và nhu cầu giảm đối với cả hai sản phẩm này.
Mỹ và các đồng minh lên kế hoạch trừng phạt mới thêm nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga, gồm chuỗi cung ứng quân sự.
Điện Kremlin chỉ ra tất cả năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga có thể được định giá bằng đồng rúp vì Tổng thống Vladimir Putin tìm cách khiến phương Tây cảm thấy phiền lòng vì các lệnh trừng phạt. Để đối phó với việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt, Đức đã khởi động một kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung. Các quốc gia Châu Âu khác cũng thực hiện các bước để duy trì nguồn khí đốt.
Nhưng nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc đang gây sức ép lên giá dầu, do nước này phong tỏa nhiều thành phố gồm cả Thượng Hải để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Trong khi đó, số liệu của Mỹ cho thấy các nhà tuyển dụng tư nhân đang duy trì tốc độ tuyển dụng mạnh mẽ trong tháng 3, khiến các nhà đầu tư lo ngại khả năng tăng lãi suất nhanh chóng có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Nhôm tăng do lo sợ nguồn cung của Nga
Giá nhôm và các kim loại công nghiệp khác tăng do Ukraine và các đồng minh phương Tây cảnh báo rằng việc quân đội Nga rút lui là một âm mưu tái trang bị quân đội và do USD giảm giá khiến các kim loại rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Nga là nhà sản xuất lớn về nhôm, đồng và nickel, cũng như khí đốt và than sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy luyện. Giá tăng kể từ khi Moscow tập trung quân gần Ukraine và tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24/2, gây ra các lệnh trừng phạt và làm gián đoạn các nguồn cung cấp.
Nhôm trên sàn giao dịch LME tăng 3,3% lên 3.549 USD/tấn.
Kim loại này được sử dụng trong đóng gói, vận chuyển và xây dựng đã tăng khoảng 25% trong năm nay sau khi tăng 42% trong năm 2021 khi thiếu hụt nguồn cung.
Công ty Rusal của Nga, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc cho biết các lệnh trừng phạt có thể trì hoãn các dự án đầu tư và ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ. Các chuyến hàng quặng của công ty này từ các mỏ bauxite ở Guinea đã phải tạm dừng.
Giá khí đốt cao làm tăng chi phí điện quá cao khiến các nhà máy luyện tại Châu Âu phải cắt giảm sản lượng nhôm và kẽm trong những tháng gần đây.
Các biện pháp kiểm soát Covid-19 khiến một số nhà máy ở Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất đang đóng cửa.
Quặng sắt tiếp tục tăng giá
Giá quặng sắt tại Châu Á tăng, với hợp đồng trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 5 liên tiếp, do thị trường dự kiến nhu cầu khôi phục mạnh mẽ tại Trung Quốc khi những hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ.
Các thương gia đẩy giá tăng bất chấp sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc nâng giới hạn giao dịch và yêu cầu ký quỹ với một số sản phẩm tương lai của họ, gồm quặng sắt. Nhưng thay đổi về giới hạn giao dịch và tỷ lệ ký quỹ sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/3.
Quặng sắt Đại Liên giao tháng 9 đóng cửa tăng 3% lên 895 CNY (140,9 USD)/tấn, sau khi chạm 898 CNY, mức cao nhất kể từ ngày 9/8.
Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tăng 2,4% lên 158,3 USD/tấn.
Lạc quan về triển vọng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất thép lớn nhất đồng thời những dấu hiệu về lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc có thể phục hồi đã hỗ trợ giá quặng sắt mạnh mẽ.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng giảm 0,4%. Thép không gỉ tăng 2,6%.
Cao su Nhật Bản tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng theo thị trường Thượng Hải và do nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt từ Thái Lan, nhà sản xuất hàng đầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,7 JPY, hay 1,5% lên 256,3 JPY (2,1 USD)/kg, đánh dấu phần trăm tăng một ngày mạnh nhất kể từ ngày 22/3.
Giá trên sàn Osaka tăng do giá Thượng Hải tăng bởi nhu cầu cao su mạnh từ các nhà máy sản xuất lốp tại Trung Quốc đã khôi phục sản xuất.
Trong khi một số nhà máy vẫn tạm dừng sản xuất và đang đối mặt với sự chậm trễ về hậu cần bởi Covid-19 đang tăng lên ở Trung Quốc, nhu cầu cao su từ nước này dường như đang tăng lên.
Nguồn cung nguyên liệu thô từ Thái Lan cũng thắt chặt do mùa đông đang tiếp diễn tại nước này, và những người khai thác cao su Thái Lan chỉ khôi phục khai thác sau khi nước này đón năm mới vào giữa tháng 4.
Hợp đồng cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 5 tăng 220 CNY lên 13.585 CNY (2.138,76 USD)/tấn. Trước đó trong phiên giá tăng hơn 1,9% đánh dấu sự gia tăng theo phần trăm lớn nhất kể từ ngày 9/3.
Đường thô tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,36 US cent hay 1,9% lên 19,47 US cent/lb.
Ngân hàng Rabobank cho biết giá đường có thể cần tăng tiếp để khuyến khích các nhà máy tại Brazil sản xuất tối đa chất làm ngọt này.
Thị trường đồng thuận rằng lượng đường của Brazil ở mức tối đa là cần thiết để ngăn cản nguồn cung thiếu hụt trong trung hạn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 3,6 USD hay 0,7% xuống 537,2 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 6,15 US cent hay 2,9% lên 2,2185 USD/lb.
Các đại lý lưu ý dự trữ cà phê được chứng nhận đã bắt đầu giảm trở lại, xuống 1,11 triệu bao tính tới ngày 28/3, giảm từ 1,14 triệu bao vào cuối tuần trước.
Tốc độ xuất khẩu của Brazil mạnh mẽ gần đây và thời tiết thuận lợi tại nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới này sẽ hạn chế khả năng tăng giá.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 27 USD hay 1,3% lên 2.152 USD/tấn.
Đậu tương, ngô, lúa mì tăng do lo lắng về Ukraine
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng theo ngô và lúa mì do lo lắng về ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và do các thương gia chuẩn bị cho các báo cáo dự trữ và trồng trọt quan trọng của chính phủ Mỹ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 21 US cent lên 16,64 USD/bushel.
Ngô CBOT cùng kỳ hạn tăng 11-3/4 US cent lên 7,38 USD/bushel.
Ngô và lúa mì tăng do Nga tiếp tục thực hiện tấn công tại Ukraine, một ngày sau khi các thị trường hàng hóa giảm bởi Nga hứa giảm hoạt động quân sự quanh Kyiv.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 5 tăng 13 US cent lên 10,27-1/4 USD/bushel.