1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa 28/9/2023: Giá dầu tăng mạnh kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index khởi sắc

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 28/9/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 28/9/2023.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua 27/9, mặc dù cả ba nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại đồng loạt chịu sức ép bán; nhưng lực mua mạnh mẽ từ nhóm năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index đảo chiều tăng 0,54% lên 2.288 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, toàn bộ mặt hàng năng lượng có mức tăng đáng chú ý và là động lực đẩy chỉ số hàng hóa đi lên trở lại trong ngày hôm qua. Trong đó, dầu thô là tâm điểm quan tâm của thị trường.

Nội dung

Lo nguồn cung thắt chặt, giá dầu bật tăng

Kết thúc ngày giao dịch  27/9, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 ghi nhận mức tăng theo ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 5, đóng cửa ở mức giá 93,68 USD/thùng sau khi tăng 3,64%. Giá  dầu Brent cùng kỳ hạn vượt mốc 96 USD/thùng trước thời điểm đáo hạn. Trong khi đó, Brent kỳ hạn tháng 12 với khối lượng giao dịch nhiều hơn kết thúc phiên tăng 2,09% lên mức 94,36 USD/thùng. Chênh lệch rõ rệt giữa 2 kỳ hạn cho thấy nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn.

MXV nhận định, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy yếu, sự sụt giảm tồn kho dầu tại Mỹ đã làm gia tăng rủi ro thiếu hụt dầu và đẩy giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua.

Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/9, đưa tồn kho về mức 416,3 triệu thùng. Con số này trái ngược với báo cáo tăng 1,6 triệu thùng từ Viện Dầu khí API và lớn hơn dự báo giảm của thị trường.

Trong khi đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc và xuất khẩu mạnh.

Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô tại Cushing, trung tâm lưu trữ, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 943.000 thùng trong tuần xuống chỉ dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2022. Các nhà giao dịch cho biết, kho chứa dưới 20 triệu thùng, hoặc từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing, được coi là gần mức hoạt động tối thiểu và khi đó, chất lượng dầu sẽ khó đảm bảo và có thể không sử dụng được. Hiện tại, tồn kho đang hoạt động ở khoảng 25% công suất.

Điều này đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung vật chất trên thị trường và là nguyên nhân chính thúc đẩy giá tăng mạnh trong ngày hôm qua.

Nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 0,71 triệu thùng/ngày lên mức 7,23 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ.

Ngoài ra, theo Reuters cho biết, xuất khẩu sản phẩm dầu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 10 do các nhà máy lọc dầu quốc doanh tận dụng lợi nhuận cao và nhu cầu của phương Tây, trong khi số lượng chuyến bay quốc tế có dấu hiệu phục hồi. Điều này cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu dầu thô phục vụ cho hoạt động lọc dầu của các nhà máy.

Cụ thể, xuất khẩu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc dự kiến đạt 4,02 triệu tấn trong tháng 10. Trong đó, xuất khẩu nhiên liệu máy bay của Trung Quốc dự kiến đạt 1,63 triệu tấn, xuất khẩu xăng dự kiến đạt 1,14 triệu tấn và xuất khẩu dầu diesel dự kiến đạt 1,25 triệu tấn.

Theo dữ liệu từ công ty theo dõi tàu Kpler, xuất khẩu sản phẩm dầu của Trung Quốc trong tháng 9, chưa bao gồm nhiên liệu bay, đạt khoảng 2,38 triệu tấn.

Kim loại quý đồng loạt giảm mạnh

Đóng cửa ngày 27/9, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá các mặt hàng kim loại. Trên thị trường kim loại quý, cả ba mặt hàng đều nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Đồng thời, bạch kim tiếp tục là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm khi giảm 2,27%, xuống mức 886,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc chốt phiên tại mức 22,72 USD/ounce sau khi giảm 2,03% – mức giảm lớn nhất trong vòng hơn ba tuần. Giá vàng đánh mất mốc 1.900 USD/ounce, giảm 1,36%, đóng cửa tại 1.874,70 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây.

Theo MXV, giá kim loại quý tiếp tục lao dốc do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đẩy chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý không sinh lợi đi lên.

Từ sau phát biểu mang tính “diều hâu” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, lo ngại về lãi suất cao trong thời gian dài hơn tại Mỹ khiến các nhà đầu tư đổ xô tích trữ đồng USD làm tài sản an toàn, do đây là tài sản có tính thanh khoản cao nhất.

Chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng 0,41% lên 106,67 điểm, hiện đạt mức cao nhất trong 10 tháng. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục neo ở mức cao nhất kể từ năm 2007, ở mức 4,61%. Do vậy, lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, trong khi đồng USD mạnh lên làm làm gia tăng áp lực bán đối với bạc, bạch kim bởi chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,34%, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Trái lại, giá quặng sắt phục hồi sau hai liên giảm liên tiếp, chốt phiên tại mức 116,55 USD/tấn sau khi tăng 1,34%.

Trong phiên sáng, cả giá đồng và giá quặng sắt đều được hỗ trợ khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc nhẹ, hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 bất ngờ tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 6,7% trong tháng 7, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 27/9. Trong 8 tháng đầu năm, lợi nhuận công nghiệp giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước, thu hẹp từ mức giảm 15,5% trong 7 tháng đầu năm.

Hơn nữa, NBS cho biết mức lợi nhuận được cải thiện ở 30 trong tổng số 41 ngành công nghiệp chính, trong đó, mức lỗ trong ngành sản xuất nguyên liệu thô đã giảm đáng kể do giá hàng hóa tăng và nhu cầu phục hồi. Điều này phần nào chỉ ra rằng nhu cầu trong nước có dấu hiệu cải thiện và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy vậy, giá đồng đã quay đầu giảm trong phiên chiều do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc, trong khi nguồn cung lại tương đối tích cực.

Cụ thể, nguồn cung đồng tại Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2024. Theo Victor Gobitz, người đứng đầu Hiệp hội khai thác mỏ của Peru, cho biết sản lượng đồng của Peru có thể đạt tới 2,8 triệu tấn vào năm 2024, tăng từ mức 2,6 triệu tấn dự kiến đạt được vào năm nay.

Dầu cọ tăng mạnh nhất 6 tuần

Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lại đạt mức tăng hàng ngày tốt nhất trong sáu tuần trong bối cảnh các loại dầu thực vật khác cũng tăng giá và đồng ringgit yếu đi trước khi diễn ra một hội nghị lớn của ngành.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 12 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 2,19%, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 15 tháng 8, đóng cửa phiên giao dịch buổi chiều ở mức 3.773 ringgit (801,74 USD)/tấn.

Dầu cọ bị ảnh hưởng bởi biến động giá của các loại dầu liên quan khi cùng cạnh tranh giành thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,11 cent, tương đương 0,4%, lên 26,13 cent/lb do thị trường tiếp tục củng cố ở gần sát mức cao nhất 12 năm thiết lập vào tuần trước.

Các đại lý cho biết thị trường sẽ tiếp tục thắt chặt trong mùa 2023/24 sắp tới, một phần do sản lượng có thể sụt giảm ở châu Á do hiện tượng thời tiết El Nino.

Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,40 USD, tương đương 0,2%, xuống 709,30 USD/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản ít thay đổi vào thứ Tư, do hy vọng về những chương trình kích thích kinh tế ở Trung Quốc bị bù đắp cho hiệu quả kinh tế kém ở Nhật Bản.

Hợp đồng cao su giao tháng 3/2024 của sàn Osaka Exchange kết thúc phiên không đổi, ở mức 235,3 yên (1,58 USD)/kg.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 170 nhân dân tệ, tương đương 1,2%, xuống mức 13.810 nhân dân tệ (1.890,74 USD)/tấn.

Giá dầu tăng mạnh cũng thúc đẩy giá cao su đi lên, bởi cao su tự nhiên thường chịu sự tác động từ điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.

Giá ca cao kỳ hạn trên sàn London giảm mạnh vào thứ Tư, một phần bởi lo ngại rằng đợt tăng giá gần đây có thể đã làm hạn chế nhu cầu.

Ca cao kỳ hạn tháng London 3 trên sàn giảm 48 GBP, tương đương 1,6%, xuống 2.904 GBP/tấn. Ca cao kỳ hạn tháng 12 ở New York giảm 84 USD, tương đương 2,4%, xuống 3.416 USD/tấn.

Các đại lý cho biết lo ngại về nhu cầu suy yếu đã giúp xóa đi một số mức tăng gần đây, và dữ liệu xay nghiền cacao trong quý 3 – sẽ được công bố vào tháng tới – sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Tuy nhiên, thị trường vẫn được củng cố bởi những lo ngại về bệnh cây trồng ở Tây Phi, khu vực sản xuất ca cao quan trọng nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *