Phiên giao dịch ngày 25/11 các thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ Lễ Tạ ơn, giá dầu gần như ổn định, quặng sắt đạt đỉnh 3 tuần, cao su Nhật Bản tăng ngày thứ 4, cà phê tăng nhẹ.
Nội dung
Giá dầu ổn định
Giá dầu gần như ổn định trong phiên giao dịch trầm lắng, do các nhà đầu tư theo dõi cách phản ứng của các nhà sản xuất lớn với việc giải phóng dầu khẩn cấp do Mỹ lãnh đạo để hạ nhiệt thị trường và OPEC hiện nay dự kiến việc giải phóng này sẽ làm tăng lượng hàng tồn kho.
Chốt phiên 25/11, dầu thô Brent giảm 0,03 USD hay 0,04% xuống 82,22 USD/thùng.
OPEC dự kiến việc giải phóng dầu thô của Mỹ sẽ làm tăng dư thừa trong các thị trường dầu mỏ 1,1 triệu thùng/ngày. Tổ chức OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1 và 2/12 để thiết lập chính sách.
Ba nguồn tin cho biết OPEC+ sẽ không bàn luận về việc tạm dừng tăng sản lượng dầu của mình, bất chấp quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.
Giá dầu cao cũng bổ sung lo ngại về lạm phát. Goldman Sachs cho biết việc kết hợp giải phóng có thể bổ sung khoảng 70 – 80 triệu thùng dầu vào các thị trường trên thế giới.
Bộ Năng lượng Mỹ đã mở một cuộc đấu thầu để bán 32 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược giao hàng từ tháng 12 tới tháng 4/2022. Họ có kế hoạch sớm giải phóng thêm 18 triệu thùng.
Các thương nhân cũng đang tìm hiểu liệu Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch giải phóng dầu từ nguồn dự trữ của mình hay không.
Quặng sắt Trung Quốc đạt đỉnh 3 tuần
Giá quặng sắt tăng phiên thứ 5 liên tiếp, với hợp đồng ở Đại Liên lên mức cao nhất trong 3 tuần trong khi giá giao ngay tăng trên 100 USD/tấn, bởi tâm lý cải thiện trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,8% lên 611,50 CNY (95,74 USD)/tấn, sau khi chạm 629 CNY/tấn cũng trong phiên này, cao nhất kể từ ngày 2/11.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc tăng lên 100,5 USD/tấn trong ngày 24/11, cũng mạnh nhất kể từ ngày 2/11, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 1,4% lên 104,5 USD/tấn.
Thép thanh ở Thượng Hải tăng 0,9%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,3%. Thép không gỉ tăng 0,2%.
Cao su Nhật Bản tăng ngày thứ 4
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ tư liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 6 tháng do hy vọng ngày càng tăng về nhu cầu phục hồi khi sản lượng ô tô khôi phục từ mức sụt giảm bởi tình trạng thiếu chip, trong khi đồng JPY sụt giảm cũng hỗ trợ mua vào.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 7,7 JPY hay 4%, lên 256,7 JPY (2,2 USD)/kg. Trong phiên này có lúc giá đã chạm 257,5 JPY, cao nhất kể từ ngày 28/5.
Giá cao su ở Thượng Hải kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 200 CNY lên 15.755 CNY (2.467 USD)/tấn.
Giá gạo Thái Lan lên cao nhất trong hơn một tháng
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt mức cao nhất trong hơn một tháng sau khi đơn hàng tăng và đồng baht mạnh lên, trong khi các thương nhân tại Việt Nam cho biết nguồn cung thấp nhưng đơn hàng cũng ít hơn từ Philippines.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 390-403 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 14/10 so với mức giá 385-395 USD/tấn một tuần trước.
Giá tăng đã thúc đẩy nhiều nhà xuất khẩu trong nước mua và tích trữ để làm tăng giá. Đồng baht mạnh so với USD cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy giá gạo tăng.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm không đổi ở mức 425-430 USD/tấn. Philippines, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đang thực hiện những bước tạm thời hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam do một vụ thu hoạch lớn trong nước. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết họ không kỳ vọng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn xuất khẩu gạo của Việt Nam, nơi nguồn cung đang cạn dần và vụ thu hoạch dự kiến phải đến cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Tại Ấn Độ giá gạo xuất khẩu ổn định sau 2 tuần giảm liên tiếp. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi tại 354 tới 360 USD/tấn, sau khi nguồn cung tăng từ vụ hè thu.
Tại Bangladesh giá gạo trong nước tăng bất chấp nhập khẩu mạnh và mùa màng tốt. Bangladesh đã nhập khẩu gần 800.000 tấn gạo kể từ tháng 7, chủ yếu từ Ấn Độ.
Cà phê robusta tăng nhẹ
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 đóng cửa tăng 0,5% lên 2.292 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng lên 22,9 triệu bao trong niên vụ 2021/22, tăng 4,5% so với niên vụ trước.
Cà phê vụ mới 2021/22 của Việt Nam vẫn chưa ra thị trường do mưa tại các khu vực trồng chủ chốt và tình trạng thiếu người hái đã làm gián đoạn việc xử lý cà phê.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 40.200 – 42.000 đồng (1,77 – 1,85 USD)/kg, so với 39.900 – 42.000 đồng/kg một tuần trước.
Nông dân bắt đầu thu hoạch cà phê nhưng mưa nhẹ trong những ngày gần đây đã cản trở quá trình này. Còn quá sớm để nói mưa trong tháng qua có gây thiệt hại cho cà phê hay không nhưng nếu tiếp tục mưa trong tháng 12 chất lượng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhu cầu đối với cà phê mới là cao nhưng các nhà xuất khẩu nước ngoài vẫn thận trọng do nguồn cung khan hiếm, thiếu container và tình trạng không rõ ràng do Covid-19.
Giá cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào bán ở mức trừ lùi 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE London. Mức trừ lùi một tuần trước là 280 – 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2022.
Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra vẫn không đổi trong tuần này khi giá cà phê tại London tiếp tục tăng.
Đường trắng không đổi
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa không đổi tại 511,2 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đã quay lại giao dịch trong biên độ nhỏ và sẽ trầm lắng cho tới đầu tuần tới.