Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/07, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá đã khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 2,08% xuống mức 2.520,29 điểm. Sắc đỏ bao trùm lên toàn bộ nhóm Nguyên liệu công nghiệp và Năng lượng. Trong khi giá của 6 trong tổng số 7 mặt hàng nông sản đồng loạt suy yếu.
Nội dung
Dầu thô tiếp tục lao dốc do cả hai yếu tố cung cầu
Đối với nhóm năng lượng, giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực trước nhu cầu có nguy cơ sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3,53% xuống 96.35 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,86% xuống 103,86 USD/thùng.
Báo cáo tuần của EIA hôm thứ 4 cho thấy tồn kho xăng tăng trở lại 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc 15/07, bất chấp đây là mùa cao điểm đi lại tại Mỹ hàng năm tiếp tục là yếu tố gây sức ép cho giá dầu trong cả tuần. Nhu cầu tiêu thụ xăng giảm sẽ là yếu tố khiến cho nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đầu vào như dầu thô suy yếu theo. Báo cáo EIA cho thấy góc nhìn cụ thể với tình hình thị trường Mỹ, do đó giá WTI chịu ảnh hưởng mạnh hơn và chênh lệch giữa Brent và WTI ngày càng nới rộng, khiến cho giá Brent vẫn vững vàng trên cột mốc 100 USD/thùng.
Bên cạnh đó là các thông tin tiêu cực về tình hình Covid-19 tại Trung Quốc, với số ca lây nhiễm liên tục duy trì ở mức cao khiến cho Ngân hàng phát triển châu Á cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc trong năm 2022 từ 5,2% xuống 4,6%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại là một trong các nguyên nhân có thể khiến cho tiêu thụ dầu của Trung Quốc sụt giảm trong cuối năm.
Cùng với đó là thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, mặc dù trước đó đưa ra tín hiệu với thị trường là 25 điểm cơ bản cũng gây sức ép lên các tài sản tài chính. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong vòng 11 năm của ECB. Lãi suất tăng có thể khiến các nhà đầu tư ngần ngại trong việc tăng các vị thế mua.
Ngoài ra, thông tin Libya tăng sản lượng trở lại cũng là yếu tố gây sức ép lên giá dầu. Theo dự tính, Libya sẽ tăng sản xuất từ 700.000 thùng/ngày lên 1.2 triệu thùng/ngày trong vòng 7-10 ngày, sau thời gian dài phải chịu tình trạng bất khả kháng.
Trên thị trường nội địa, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày hôm qua. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít, quay về mức 25.070 đồng, xăng RON 95-III giảm 3.600 đồng/lít xuống còn 26.070 đồng. Như vậy, giá xăng hiện đã giảm về mức hơn 25.000 đồng/lít, mặt bằng giá đã về ngang với hồi tháng 2 năm nay.
Khí gas giảm 1%
Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ giảm 1% do giá dầu giảm, thời tiết ở Mỹ trong 2 tuần tới dự báo sẽ giảm nóng, tổng sản lượng khí đốt của Mỹ tăng trong tháng này và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream Nga-Đức hoạt động trở lại.
Giá khí đốt của Mỹ diễn ra ngay cả khi một đợt nắng nóng khiến lượng khí dự trữ trong kho tuần trước thấp hơn dự kiến do các máy phát điện phải dùng nhiều khí đốt hơn để phát điện chạy điều hòa.
Hợp đồng khí đốt trên thị trường Mỹ hôm thứ Năm (21/7) giảm 7,5 cent, tương đương 0,9%, xuống 7,932 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Phiên trước đó, thứ Tư ngày 20/7, giá khí đốt Mỹ đã tăng 10% lên mức cao nhất kể từ ngày 13/6.
Ngày 21/7, Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt đến châu Âu qua Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau 10 ngày lúc đóng cửa để bảo trì. Kể từ giữa tháng 6, đường ống Nord Stream chỉ hoạt động ở mức 40% công suất, tương đương khoảng 67 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Nguyên nhân là do các tuabin khí của Công ty Siemens Energy (Đức) không được bàn giao kịp thời sau khi sửa chữa do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do thị trường lại dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,8% xuống 7.322 USD/tấn, làm xói mòn mức tăng 1,4% của phiên liền trước.
ECB đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011, khiến lãi suất huy động của ngân hàng này tăng thêm 50 điểm cơ bản lên 0%, gấp đôi so với mức dự kiến đưa ra cuộc họp trước đó.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Rõ ràng trọng tâm của thị trường hiện nay là sự phá hủy nhu cầu vì rủi ro suy thoái gia tăng”. Mặc dù không mong đợi một cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng ông Menke nói thêm rằng tâm lý giảm giá ngày càng tăng có nghĩa là giá có thể còn giảm nữa.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại vào triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc giao tháng 9, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên ở mức giảm 0,3% xuống 657 nhân dân tệ (97,15 USD)/tấn, sau khi chạm mức 646,50 nhân dân tệ trước đó.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 8 giảm 0,6% xuống 98,85 USD/tấn.
Thị trường tiếp tục lo ngại về việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 và tác động của động thái đó đối với nhu cầu sản phẩm thép và nguyên liệu thô mặc dù chính phủ nước này đã nhiều lần cam kết hỗ trợ về mặt chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Dầu cọ giảm 5%
Dầu cọ dẫn đầu đà giảm nhóm nguyên liệu công nghiệp, sụt giảm 5,46%, chịu ảnh hưởng bởi sự suy yếu của giá dầu đậu tương. Thêm vào đó, giá dầu giảm, khiến nhu cầu về diesel sinh học sụt giảm theo, từ đó gây áp lực lên giá dầu cọ trong phiên hôm qua. Ngoài ra, giá đường giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do ảnh hưởng từ việc giá dầu suy yếu, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, gây áp lực lên giá trong phiên.
Hai mặt hàng cà phê đồng loạt quay đầu giảm
Lực bán áp đảo hoàn toàn đối với các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp trong phiên hôm qua. Đáng chú ý nhất, là 2 mặt hàng cà phê đồng loạt quay đầu giảm, bất chấp nguồn cung suy yếu tại Việt Nam và Uganda.
Hai mặt hàng cà phê có phiên giảm nhẹ, do tiến độ thu hoạch cà phê tại Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất tại Brazil vẫn tích cực, với mức tăng trung bình hàng tuần 9,48 điểm phần trăm và đạt mức 42,78% so với dự kiến. Sự phục hồi mạnh mẽ tại vùng sản xuất chính như Minas Gerais, khi đã đạt hơn 48% dự kiến là tín hiệu tích cực cho nguồn cung cà phê trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, đồng Dollar tăng so với đồng Real cũng là nhân tố thúc đẩy lực bán của nông dân Brazil trong phiên hôm qua.
Cao su thấp nhất 4 tháng
Giá cao su kỳ hạn trên thị tường Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại về nhu cầu chậm lại ở nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên ở mức 1,8 yên, tương đương giảm 0,8% so với mức đóng cửa phiên liền trước, xuống 237,7 yên (1,72 USD)/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 130 nhân dân tệ lúc đóng cửa, xuống mức 11.760 nhân dân tệ (1.739,49 USD)/tấn.
Giá các mặt hàng nông sản chịu sức ép do triển vọng mùa vụ tích cực
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương ghi nhận phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh mọi sự quan tâm của thị trường đang đổ dồn về mùa vụ đậu tương tại Mỹ, vốn đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Dự báo thời tiết khả quan hơn đã làm gia tăng sức ép lên giá mặt hàng này.
Đậu tương thấp nhất 25 tuần
Giá đậu tương Mỹ giảm xuống 14 USD/bushel, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 1 và thấp hơn gần 25% so với mức đỉnh cao đạt được hồi tháng 6 – là khoảng 18 USD – do nhu cầu yếu và lo ngại về nguồn cung giảm bớt.
Dữ liệu mới nhất của Hải quan Mỹ cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc, nước mua đậu tương hàng đầu thế giới, trong tháng 6 đã giảm 23% so với một năm trước, đặc biệt là từ Brazil, do thời tiết tồi tệ đã đẩy giá hạt có dầu ở quốc gia Nam Mỹ này lên cao. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ tăng trong tháng 6 nhưng giảm trong nửa đầu năm.
Ngô và lúa mì giảm
Tương tự như diễn biến giá lúa đậu tương, giá ngô cho thấy đà giảm mạnh gần 3% và tiếp nối chuỗi hai phiên giảm trước đó. Bên cạnh triển vọng thời tiết mùa vụ Mỹ được cải thiện trong đầu tuần sau nhờ lượng mưa ở khu vực Midwest, các thông tin về nguồn cung ngũ cốc tại Ukraine cũng góp phần lý giải cho mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua của ngô.
Cụ thể, Reuters cho biết, Công ty Đường sắt Quốc gia Đức (Deutsche Bahn) đang lên kế hoạch về việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các cảng của Đức. Mặc dù chưa đưa ra thời gian cũng như ước tính cụ thể về khối lượng ngũ cốc có thể xuất khẩu bằng con đường này nhưng thông tin này đã phần nào giúp xoa dịu lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt tại Ukraine.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Báo cáo Bán hàng Xuất khẩu trong tuần kết thúc ngày 14/07, bán hàng ngô niên vụ 21/22 của Mỹ đạt 33.899 tấn, thấp hơn so với mức 59.027 tấn trong báo cáo tuần trước, cũng là yếu tố gây áp lực lên giá.
Sau 2 phiên có diễn biến trái chiều với ngô, vào phiên hôm qua, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đã quay trở lại đà giảm. Thông tin khả quan về mùa vụ trên toàn thế giới là nguyên nhân lý giải cho biến động của giá trong phiên.