Bản tin thị trường hàng hóa ngày 22/6/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 22/6/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu trải qua ngày giao dịch 21/6 với những diễn biến rất sôi động. Mặc dù sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên lực mua mạnh đã kéo chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng 1,37% lên 2.261 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nông sản và năng lượng là hai thị trường đón nhận lực mua rất tích cực, ngay sau những điều chỉnh chính thức về nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học của Mỹ được công bố.
Cụ thể, ngày hôm qua, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ EPA đã chính thức ấn định nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong năm 2023 ở mức 20,94 tỷ gallon, cao hơn so với mức 20,82 tỷ gallon được đề xuất hồi tháng 12. Trong khi đó, nghĩa vụ pha trộn trong năm 2024 và 2025 lần lượt được EPA quyết định ở mức 21,54 tỷ gallon và 22,33 tỷ gallon, đều thấp hơn so với các mức 21,87 tỷ gallon và 22,68 tỷ gallon tương ứng mà cơ quan này đưa ra trước đó. Điều này đã tạo ra cú sốc trên thị trường nhiên liệu sinh học, khiến giá một loạt các mặt hàng liên quan ghi nhận các mức biến động bất ngờ.
Nội dung
Giá dầu đậu tương giảm kịch sàn, khô đậu tương tăng vọt 6,7%
Trên thị trường nông sản, dầu đậu tương không chỉ là mặt hàng duy nhất giảm giá, mà còn ghi nhận mức giảm kịch sàn, 6,7%, xuống còn 484 USD/tấn. Triển vọng tiêu thụ dầu đậu tương trong hoạt động sản xuất dầu diesel sinh học tại Mỹ sụt giảm sau quyết định mới nhất về nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong 3 năm tới của nước này. Điều này lập tức gây áp lực lên giá dầu đậu tương.
Đồng thời, việc dầu đậu tương ít được tiêu thụ cũng tác động tiêu cực tới hoạt động ép dầu tại Mỹ, khiến nguồn cung khô đậu tương thu hẹp, từ đó hỗ trợ mặt hàng này tăng vọt 6,4% trong ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá đậu tương, sản phẩm đầu vào cho hoạt động ép dầu cũng đã tăng vọt hơn 2,5% và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại về tình hình nguồn cung sụt giảm tại Mỹ.
Các số liệu trong Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 18/06, chỉ có khoảng 54% đậu tương được đánh giá đạt chất lượng tốt và tuyệt vời, giảm 5% so với tuần trước đó mà thấp hơn mức 68% trong cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng thấp hơn mức 56% mà thị trường dự đoán. Tại các bang sản xuất lớn như Iowa và Illinois, chất lượng đậu tương cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Các chuyên gia cho biết, với tình hình xung quanh khu vực sản xuất quan trọng, dự báo sản lượng của USDA sẽ rất khó đạt được. Thời tiết tại các khu vực gieo trồng đậu tương chính nhiều khả năng sẽ tiếp tục khô hạn, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, hỗ trợ giá đậu tương tăng vọt.
Giá dầu lên cao nhất 2 tuần
Giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 21/06, với dầu WTI đóng cửa cao nhất trong 2 tuần, đạt mức 72,53 USD/thùng sau khi tăng 1,88%. Giá dầu Brent tăng 1,61% lên mức 77,12 USD/thùng.
Kế hoạch mới nhất của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy triển vọng tăng trưởng nhiên liệu sinh học bị hạ thấp so với kỳ vọng trong 2 năm tới. Nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học là các sản phẩm ngũ cốc liên tục tăng mạnh trọng giai đoạn vừa qua do thiếu hụt nguồn cung. Điều này đã thúc đẩy sự vững chắc đối với nhu cầu dầu thô và hỗ trợ cho giá.
Trong khi đó, mối lo thiếu hụt nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn trên thị trường, nhất là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) duy trì chính sách cắt giảm sản lượng. Tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ sẽ chỉ đạt mức 1,3% lên 12,77 triệu thùng/ngày trong năm 2024, sau khi tăng 6,1% trong năm nay, theo ước tính từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng từ khu vực đá phiến hàng đầu, bao gồm lưu vực Permian của Texas và New Mexico, cũng đang suy yếu, càng làm gia tăng lo ngại về sự thâm hụt trong tương lai.
Công suất lọc dầu thô hàng ngày của Mỹ đã tăng nhẹ trở lại trong năm 2022, sau 2 năm sụt giảm trước đó, với mức tăng hơn 100.000 thùng lên 18,1 triệu thùng/ngày. Nếu hoạt động lọc dầu tiếp tục được thúc đẩy trong năm nay, sự gia tăng thận trọng trong sản lượng dầu Mỹ, đặc biệt là dầu đá phiến có thể sẽ khó đáp ứng nhu cầu lọc trong dài hạn.
MXV cho biết, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí độc lập (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/06, trái ngược với dự đoán tăng của thị trường, càng củng cố thêm cho đà phục hồi của giá dầu.
Tuy nhiên, theo MXV, tồn kho xăng tăng 2,9 triệu thùng trong tuần trước, vẫn đặt ra nhiều nghi ngại về năng lực tiêu thụ trong mùa di chuyển cao điểm. Điều này có thể khiến đà tăng của giá dầu bị hạn chế trong phiên sáng nay.
Đồng phục hồi do USD suy yếu, nhôm cũng tăng, sắt thép giảm tiếp
Giá đồng trên sàn London đảo chiều hồi phục nhờ đồng USD yếu hơn vào thứ Tư, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi sự lạc quan nhẹ về mức độ tăng nhu cầu ở Trung Quốc.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) tăng 0,5% lên 8.591,5 USD/tấn.
Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,1% lên 2.232 USD. Tổng dự trữ nhôm của LME giảm 4.750 tấn xuống 550.925 tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Tư.
Đồng USD yếu đi làm cho các kim loại định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai của cả 2 sabf Đại Liên và Singapore tiếp tục giảm vào thứ Tư trong bối cảnh các thương nhân đang xem xét liệu nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc có thể hỗ trợ bao xa cho sự phục hồi kinh tế đang chững lại của nước này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc giao dịch ở mức giảm 1% xuống 797,5 NDT (110,86 USD)/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 giảm 2% xuống 110,75 USD/tấn.
Cao su thấp nhất 1 tháng, cà phê robusta tiếp tục giảm
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất một tháng vào thứ Tư, do lo ngại về nhu cầu mờ nhạt lấn át các yếu tố cơ bản mạnh mẽ, trong khi thị trường chờ đợi thêm thông tin chi tiết về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các động thái tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 2,0 yên, tương đương 1%, xuống 206,5 yên (1,45 USD)/kg, kéo dài mức giảm phiên thứ ba liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 10 CNY xuống còn 12.035 CNY (1.672,67 USD)/tấn.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tương lai trên Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE) giảm phiên thứ hai liên tiếp, trong khi cà phê arabica giảm xuống mức 2- 1/2 tháng thấp.
Hợp đồng cà phê robusta giao tháng 9 giảm 44 USD, tương đương 1,6%, xuống 2.726 USD/tấn.
Cà phê arabica giao tháng 9 giảm 3,85 cent, tương đương 2,2%, xuống 1,7225 USD/lb.