1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 2/12/2021: Giá dầu lao dốc gần 7% và cà phê cùng tăng cao

Giá dầu tiếp tục giảm vào lúc kết thúc phiên 1/12 do lo sợ virus Omicron làm giảm nhu cầu dầu khi Mỹ có ca nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, các mặt hàng khác hồi phục khi nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại sau phiên hoảng loạn trước đó.

Nội dung

Dầu giảm do hoạt động bán ra mạnh mẽ

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán ra mạnh mẽ bởi lo ngại virus biến thể Omicron có thể làm giảm nhu cầu trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu tăng lên.

Thị trường dầu mỏ bước vào phiên 1/12 hồi phục mạnh mẽ trong trạng thái nhiều bất ổn, sau đó nhanh chóng quay đầu giảm do nhà đầu tư bán tháo sau thông tin virus biến thể Omicron đã được tìm thấy ở Mỹ.

John Kilduff, người sáng lập Again Capital ở New York, cho biết: “Khi thị trường nhận được tin tức về các biến thể Frankenstein, bạn sẽ bán trước và tìm hiểu sau” .

Kết thúc phiên vừa qua, giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 61 US cent, tương đương 6,9%, xuống 65,57 USD/thùng, trước đó, trong cùng phiên có lúc giá tăng tới 4%; dầu Brent cũng giảm 36 US cent vào cuối phiên, tương đương 0,5%, còn 68,87 USD/thùng.

Giá dầu tương lai đã chịu áp lực giảm từ nhiều tuần nay do các yếu tố khác nhau, từ biến thể mới của virus Covid-19 đến việc Mỹ quyết định xuất kho dầu dự trữ chiến lược khẩn cấp cùng với nhiều quốc gia khác.


Đồng giảm do cảnh báo giá giảm và thặng dư

Giá đồng tăng lúc đầu phiên giao dịch vừa qua, nhưng giảm vào cuối phiên do nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới Codelco cảnh báo giá giảm và thặng dư, làm dấy lên lo lắng về nhu cầu yếu từ người tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London đã giảm 0,3% vào lúc đóng cửa, xuống 9.416 USD/tấn, trước đó có lúc giá đạt 9.600 USD do nhà đầu tư giảm lo ngại về những tác động của virus biến thể Omicron.


Ngũ cốc hồi phục khi lo ngại về virus Omicron giảm bớt

Giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên vừa qua, bù lại những gì đã mất ở phiên trước, do nhà đầu tư bớt lo ngại về khả năng virus Omicon có thể khiến đà tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu bị “trật bánh”.

Giá ngô và đậu tương cũng hồi phục bởi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng lên.

Giá lúa mì kỳ trên sàn Chicago kết thúc phiên tăng 3-1/4 cent lên 7,90-1/2 USD/bushel, giá ngô cũng tăng 4 US cent lên 5,71-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 11 US cent lên 12,28-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 1/2022 tăng 7,30 USD lên 349,10 USD/tấn.

Các thương nhân cho biết thị trường ngũ cốc đã biến động khá mạnh trong những ngày gần đây, đặc biệt là lúa mì kỳ hạn tương lai.

Lúa mì được coi là dễ bị thanh lý sau khi các quỹ đầu tư tăng các vị thế mua vào tháng trước khi giá nông sản này tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 năm trên sàn Chicago và cao kỷ lục lịch sử trên sàn Euronext của châu Âu.


Cà phê tăng do nguồn cung khan hiếm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 0,4% lên 2,3325 USD/lb do nguồn cung hiện tại vẫn khan hiếm, mặc dù ngân hàng Rabobank dự kiến ​​giá arabica chỉ đạt trung bình 1,66 USD trong quý 4 năm 2022 khi thị trường chuyển sang thặng dư vào năm 2022/23, với sản lượng giảm ở Brazil song tăng ở những nơi khác do các nhà sản xuất trên thế giới tận dụng giá cao.

Giá robusta kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng tăng 2,3% lên 2.314 USD/tấn do hoạt động vận chuyển ở Châu Á tiếp tục khó khăn và nhu cầu tăng khi các nhà rang xay tăng cường sử dụng cà phê robusta giá rẻ hơn arabica.


Đường gần như không thay đổi so với phiên trước

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng lúc đầu phiên theo xu hướng giá dầu, nhưng quay đầu giảm ở cuối phiên và kết thúc ở mức 18,60 cent/lb, gần như không thay đổi so với phiên liền trước.

Trái lại, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 0,3% xuống 484,20 USD/tấn, chạm mức thấp nhất trong 2-1/2 tháng lúc trước đó, là 483,70 USD.

Rabobank dự báo giá đường thô sẽ đạt trung bình 20,80 cent trong quý 3 năm sau khi thị trường đường ghi nhận thâm hụt 2,3 triệu tấn vào cuối niên vụ 2021/22 (tháng 10-9) sau khi thâm hụt 1,2 triệu tấn vào năm 2020/21.


Cao su hồi phục

Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục trở lại khi các nhà đầu tư săn giá hời, nhưng mức tăng không nhiều vì chưa chắc chắn về những tác động của virus biến thể Omicron.

Kết thúc phiên, giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Osaka tăng 4,9 yên, tương đương 2%, lên 245,9 yên (2,2 USD)/kg. Giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải cũng tăng 75 nhân dân tệ lên 15.220 nhân dân tệ (2.389 USD)/tấn.

Giá cao su kỳ hạn giao sau 1 tháng trên sàn SICOM của Singapore cũng tăng 1,4% lên 178,4 US cent/kg.

Bờ Biển Ngà đã xuất khẩu 993.664 tấn cao su tự nhiên từ tháng 1 đến tháng 10, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020.


Than tăng mạnh

Giá than tại Trung Quốc tăng hơn 5% trong phiên vừa qua do lo ngại về nguồn cung khi nhập khẩu than từ Mông Cổ bị gián đoạn bởi sự bùng phát dịch Covid-19 sau sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên phiên này tăng tăng 5,3% lên 1.962 nhân dân tệ (308,38 USD)/tấn trong phiên giao dịch buổi sáng 1/12, kết thúc phiên ở mức 1.951 nhân dân tệ/tấn, tăng 4,6% so với đóng cửa phiên trước. Giá than cốc cũng theo đà tăng, tăng 4,7% lên 2.780 nhân dân tệ/tấn vào cuối phiên, sau khi tăng 5% trước đó cùng ngày.


Sắt thép tăng

Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 1 trên sàn giao dịch Đại Liên tăng 2,4% lên 629 nhân dân tệ/tấn; quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 0,5 USD lên 105,5 USD vào thứ Ba. Giá thép cây phiên này tăng vọt 2,3% lên 4.238 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,8% lên 4.648 nhân dân tệ/tấn và thép không gỉ tăng 0,2% lên 17.045 nhân dân tệ/tấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *