Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua (20/12), lực mua quay trở lại thị trường hàng hoá đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 0,4% lên 2.397 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Trong tổng số 31 mặt hàng nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV, chỉ có 5 mặt hàng giảm giá trong ngày hôm qua. Theo đó, giá trị giao dịch toàn Sở cũng bật tăng rất mạnh 35%, đạt gần 5.500 tỷ đồng.
Nội dung
Dầu thô tiếp tục tăng nhờ số liệu lạm phát tích cực và lo ngại về nguồn cung
Thị trường dầu kết thúc một phiên giao dịch đầy giằng co trong sắc xanh, với giá dầu thô WTI tăng 1,13% lên 76,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,24% và đóng cửa ở mức 79,99 USD/thùng.
Trong các phiên giao dịch gần đây, thị trường dầu không biến động quá mạnh và tương đối ảm đạm, bởi không có một chất xúc tác đủ mạnh để dẫn dắt giá. Diễn biến giằng co cho thấy sự lưỡng lự của các nhà đầu tư trước một loạt các tin tức trên thị trường. Một mặt, giá dầu vẫn được hỗ trợ nhờ vào việc Trung Quốc đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng việc nới lỏng các hạn chế chống dịch. Tuy nhiên, đây là yếu tố mang tính hỗ trợ trong trung và dài hạn và mang tính kỳ vọng nhiều, nên đà tăng từ tin tức này không quá mạnh.
Sự suy yếu của đồng USD là yếu tố thúc đẩy sức mua chính của phiên hôm qua. Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã quyết định cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm tăng lên 50 điểm cơ bản, so với mức 25 điểm cơ bản trước đó. Động thái này đã khiến cho đồng Yên Nhật mạnh lên so với đồng USD và chỉ số Dollar Index giảm về 103.97 điểm.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là việc TC Energy đẩy lùi thời gian khởi động lại mục tiêu cho đường ống Keystone thêm một tuần và dự kiến sẽ khôi phục vào 28 hoặc 29 tháng này. Sản lượng ở Bắc Dakota, nơi đường ống này chảy qua, đã giảm khoảng 300,000 thùng mỗi ngày kể từ tuần trước và làm cho việc phục hồi sản lượng trở nên thách thức hơn.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào, khi mà các cơn bão mùa đông lớn dự kiến sẽ đổ bộ vào phần lớn lãnh thổ Mỹ vào những ngày trước Giáng sinh, gây khó khăn cho việc đi lại trong kỳ nghỉ lễ, và trực tiếp làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Tại châu Âu, Đức bác bỏ tuyên bố về kế hoạch mua dầu của Nga vào năm 2023, thay vào đó, các nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán với Kazakhstan để thay thế nguồn cung dầu từ Nga. Nhiều công ty dầu mỏ lớn như Exxon Mobil hay Shell đã yêu cầu các công ty vận tải không vận chuyển các mặt hàng năng lượng của Nga, một động thái gây sức ép gián tiếp với các hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Kỳ nghỉ lễ cuối năm ở phương Tây đang đến gần khiến cho khối lượng giao dịch trên thị trường đầu giảm bớt và làm gia tăng rủi ro khi giao dịch, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tìm kiếm một chất xúc tác mới có thể thúc đẩy thị trường.
Tin tức quan trọng nhất của phiên giao dịch hôm nay là các báo cáo tồn kho dầu thô ở Mỹ. Rạng sáng nay, báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 16/12 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,07 triệu thùng, giảm mạnh hơn mức dự đoán giảm 1,7 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên tồn kho nhiên liệu chưng cất và tồn kho xăng lần lượt là 830.000 thùng và 4,5 triệu thùng. Dự trữ dầu thô giảm trong khi các sản phẩm lọc dầu tăng làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ của Mỹ giảm trong giai đoạn cao điểm.
Đồng Dollar Mỹ suy yếu hỗ trợ mạnh mẽ cho giá kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, sắc xanh áp đảo trên thị trường kim loại, đặc biệt là mức tăng mạnh của các mặt hàng kim loại quý. Giá bạc ghi nhận đà tăng mạnh nhất thị trường kim loại trong phiên hôm qua, tăng 4,62% lên 24,27 USD/ounce. Bạch kim cũng chốt phiên trong sắc xanh tại mức 1013 USD/ounce sau khi tăng 2,56%.
Thị trường tiền tệ trong ngày hôm qua chứng kiến đà tăng mạnh của đồng Yên Nhật lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) bất ngờ điều chỉnh chương trình kiểm soát lợi tức trái phiếu. Mặc dù tiếp tục giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức -0,1% nhằm tập trung vào mục tiêu nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế, nhưng BOJ đã quyết định điều chỉnh dải lợi suất dài hạn 50 điểm cơ bản sang hai bên mục tiêu 0%, rộng hơn dải 25 điểm cơ bản trước đó. Điều này cho thấy những khó khăn nhất định trong việc nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tại Nhật trong khi đảm bảo thị trường trái phiếu và tỷ giá tiền tệ, khi nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất. Đồng Yên tăng mạnh đã gây sức ép tới đồng Dollar Mỹ vốn đang trên đà suy yếu, kéo chỉ số Dollar Index giảm 0,72%. Yếu tố bất ngờ này đã hỗ trợ cho giá kim loại quý như bạc và bạch kim tăng vọt trong phiên, một phần là do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn. Ngoài ra, nhu cầu trú ẩn an toàn cũng được thúc đẩy khi thị trường lo ngại áp lực suy thoái kinh tế trên toàn cầu.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX dao động với biên độ khá rộng trong phiên, trước khi kết thúc với mức tăng 0,42% lên 3,79 USD/pound. Đà phục hồi của đồng đang có phần chững lại do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc sau đợt nới lỏng kiểm soát dịch bệnh gây ra gián đoạn nhất định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những kỳ vọng tích cực dài hạn cho các nhà đầu tư về năng lực tiêu thụ đồng do hàng loạt cam kết hỗ trợ kinh tế từ quốc gia này. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nhập khẩu đồng cô đặc trong tháng 11 đạt mức 2,4 triệu tấn, cao hơn 29% so với tháng 10 và hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã hỗ trợ cho giá đồng trong phiên hôm qua. Ngoài ra, là thước đo sức khỏe của nền kinh tế và tương đối nhạy cảm với chỉ số Dollar Index, giá đồng cũng đã nhận được hỗ trợ tích cực khi đồng USD suy yếu.
Nickel LME tăng vọt hơn 4% lên mức 28.334 USD/tấn khi MMC Norilsk Nickel đang xem xét cắt giảm sản lượng niken khoảng 10% trong năm tới do một số khách hàng châu Âu tránh xa nguồn cung của Nga. Công ty khai thác này kiểm soát khoảng 1/10 thị trường niken toàn cầu và đặt mục tiêu sản xuất 205.000 đến 215.000 tấn kim loại này trong năm nay. Thêm vào đó, công ty đường sắt nhà nước của Phần Lan sẽ ngừng vận chuyển hàng hóa từ Nga vào cuối tháng 12, buộc Nornickel phải tìm những cách khác để cung cấp nguồn cung cho Phần Lan. Lo ngại nguồn cung gián đoạn đã thúc đẩy giá tăng mạnh trong phiên.
Ngành sắt thép Việt Nam tìm kiếm cơ hội từ trong thách thức
Trên thị trường nội địa, giá sắt thép xây dựng tiếp tục nối dài chuỗi đi ngang. Tại miền Bắc, giá giá thép cuộn CB240 ở mức 14.280 – 14.700 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 14.600 – 14.920 đồng/kg.
Theo MXV, ngành sắt thép tại Việt Nam sẽ còn đối mặt khá nhiều thách thức trong thời gian tới. Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 đang phải gồng mình trước dự báo tăng trưởng chậm lại. Lạm phát vẫn còn là bài toán khó, cũng như khả năng suy thoái trong ngắn hạn tại các nền kinh tế lớn vẫn sẽ hạn chế không gian xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm 2022, 2023. Khu vực ASEAN, chiếm tới 42% cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn hướng tới nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ có thể giúp nước ta đẩy mạnh thương mại quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất sắt thép trong năm tới vẫn có thể tìm kiếm được cơ hội từ trong thách thức.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 3,5 cent, tương đương 2,1%, lên 1,678 USD/lb do đồng real của Brazil mạnh lên so với đồng USD khiến các nhà xuất khẩu hạn chế bán cà phê ra nước ngoài bởi lợi nhuận bị giảm.
Lượng cà phê dự trữ của sàn ICE ở mức 765.583 bao tính đến ngày 19/12, mức cao nhất trong hơn 5 tháng. Ngoài ra còn có 299.142 bao đang chờ phân loại.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 10 USD, tương đương 0,5%, lên 1.868 USD/tấn.
Bông cao nhất hơn 2 tuần
Giá bông trên sàn ICE tăng hơn 3% lên mức cao nhất trong hơn hai tuần do xu hướng giá hàng hóa tăng nói chung trong phiên vừa qua và đồng USD yếu đi.
Hợp đồng bông giao tháng 3 tăng 2,63 cent, tương đương 3,1%, lên 86,71 cent/lb, trước đó có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/12. Biên độ dao động giá trong phiên này là 83,63 – 86,92 US cent/lb.
Cao su giảm
Giá cao su trên sàn Osaka và sàn Thượng Haiar đểu giảm do số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc gia tăng và đồng yen mạnh lên.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 4,7 yên, tương đương 2,1%, xuống 223,1 yên ($1,67)/kg. Hợp đồng cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 200 NDT xuống còn 12.720 NDT (1.822 USD)/tấn.
Ngũ cốc và đậu tương tăng
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago tăng trong lúc các thương nhân theo dõi thời tiết Nam Mỹ, mặc dù giá không thể vượt qua ngưỡng kháng cự khoảng 15 USD/bushel.
Giá lúa mì cũng tăng khi do dự báo thời tiết ở Mỹ với nhiệt độ giảm và tuyết lác đác rơi có thể khiến cây trồng vụ đông bị chết. Giá ngô tăng nhẹ theo giá lúa mì.
Kết thúc phiên, giá đậu tương trên Sàn giao dịch thương mại Chicago tăng 17-3/4 cent lên14,78-1/2 USD/bushel. Giá ngô tăng 4-3/4 cent lên 6,52 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 2 cent lên 7,50-1/2 USD/bushel.