Kỳ vọng vào kết quả đàm phán Nga – Ukraine và Trung Quốc kích thích kinh tế là những yếu tố chính tác động đến giá hàng hóa trong phiên giao dịch 16/3.
Nội dung
Dầu giảm sau các cuộc đàm phán Nga-Ukraine
Giá dầu giảm phiên thứ 5 trong số 6 phiên gần đây do thị trường kỳ vọng vào tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và sự gia tăng ngoài dự kiến về dự trữ dầu Mỹ.
Giá dầu Brent phiên này dao động trong biên độ 6 USD (97,55 USD đến 103,70 USD) trước khi chốt ở 98,02 USD, giảm 1,89 USD/thùng, tương đương 1,9%. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 1,40 USD, tương đương 1,5%, chốt ở 95,04 USD/thùng.
Một số yếu tố đã thúc đẩy sự thay đổi xu hướng giá hiện nay, bao gồm hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga vUkraine và những tín hiệu dù mờ nhạt về tiến triển trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran để khôi phục thỏa thuận năm 2015 cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo này xuất khẩu dầu nếu Iran đồng ý hạn chế phát triển những tham vọng về hạt nhân.
Nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Nhôm, đồng hồi phục, nickel giảm
Giá nhôm tăng do thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi giá nickel giảm ngay khi vừa được khôi phục giao dịch trở lại sau một tuần ngừng giao dịch.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME tăng 2,1% lên 3.345,50 USD/tấn, giá đồng cũng tăng 1,4% lên 10.044 USD, trong khi nickel giảm 5% nhưng giao dịch điện tử đối với mặt hàng này đã bị tạm dừng do các vấn đề kỹ thuật.
Lúa mì giảm
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai của Mỹ giảm kịch trần trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư cân nhắc liệu các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga có thể dẫn đến ngừng bắn trong cuộc chiến kéo dài ba tuần hay không, trong khi dự báo mưa ở Đồng bằng Mỹ làm giảm bớt lo ngại về thời tiết khô hạn có thể gây hại cho cây trồng.
Giá ngô kết thúc phiên cũng giảm bởi các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv làm giảm bớt lo ngại về sự gián đoạn kéo dài đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Giá đậu tương tăng lúc đầu phiên nhưng cũng giảm về cuối phiên trong bối cảnh lo ngại về doanh số xuất khẩu đậu nành của Mỹ giảm do cạnh tranh từ Brazil.
Kết thúc phiên này, giấ lúa mì giảm hết giới hạn hàng ngày là 85 cent, xuống 10,69-1/4 USD/bushel.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5 kết thúc giảm 28 US cent xuống 7,30 USD/bushel, trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 9-1/2 US cent xuống 16,49-1/4 USD/bushel.
Cà phê hồi phục
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai tăng vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, hồi phục khỏi mức thấp nhất trong 4 tháng của phiên trước do làn sóng thanh lý từ các quỹ dài hạn gần đây dường như đã giảm bớt.
Cụ thể, giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng 6,35 cent, tương đương 3,0%, lên 2,175 USD/lb, cà phê robusta cũng giao tháng 5 tăng 67 USD, tương đương 3,2% lên 2.148 USD/tấn.
Cao su đi ngang
Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản kết thúc gần như không thay đổi do sự hỗ trợ từ đồng yên yếu đi và nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt, mặc dù giá trên sàn Thượng Hải giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn Osaka Exchange hạ nhẹ 0,2 yên, tương đương 0,1%, xuống 244,7 yên (2,07 USD)/kg.
Nguồn cung nguyên liệu thô bị thắt chặt do mùa đông đang diễn ra ở các vùng phía nam của Thái Lan.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cùng phiên giảm 135 nhân dân tệ xuống 13.335 nhân dân tệ (2.100,10 USD)/tấn. Trước đó trong phiên giao dịch, có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 7, là 13.150 nhân dân tệ.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai tại Đại Liên và Singapore cùng phục hồi từ mức thấp nhất hai tuần, sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He cho biết Bắc Kinh có kế hoạch thực hiện các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trong nước và đảm bảo thị trường vốn ổn định.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 5, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên giao dịch ban ngày ở mức tăng 5,2% lên 804 nhân dân tệ (126,65 USD)/tấn sau hai ngày bán tháo.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 4 tăng 9,9% lên 151,25 USD/tấn sau sáu phiên giảm liên tiếp.
Than tăng mạnh
Giá than cốc dùng trong luyện thép tại Trung Quốc ngày 16/3 ở mức 3.338 nhân dân tệ/tấn (525 USD/tấn), tăng 6,3% so với phiên trước. Tính từ đầu năm, giá mặt hàng này tăng 37%.