Chốt phiên giao dịch ngày 16/2, giá dầu cao nhất gần 13 tháng, khí tự nhiên cao nhất hơn 3 tháng, đồng vẫn cao nhất gần 9 năm, các hàng hóa khác đồng loạt tăng, trong khi vàng và cao su giảm.
Nội dung
Giá dầu cao nhất gần 13 tháng do các nhà máy lọc dầu Mỹ đóng cửa vì thời tiết lạnh
Giá dầu vẫn ở mức cao nhất gần 13 tháng, được hậu thuẫn bởi thời tiết băng giá tại khu vực miền nam Mỹ, khiến các giếng dầu và nhà máy lọc dầu tại khu vực Texas đóng cửa.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/2, dầu thô Brent tăng 5 US cent tương đương 0,1% lên 63,35 USD/thùng – gần mức cao nhất 13 tháng trong phiên trước đó và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1% lên 60,05 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020.
Giá dầu được hậu thuẫn trong nhiều tháng khi các nước sản xuất dầu chủ chốt hạn chế nguồn cung và việc đưa ra vắc xin để chống đại dịch virus corona.
Các nhà phân tích thuộc Rystad Energy ước tính khoảng 500.000 thùng – 1,2 triệu thùng sản lượng dầu thô tại Mỹ sẽ đóng cửa do thời tiết lạnh. Có khoảng 3 triệu thùng/ngày lọc dầu đóng cửa, với phần lớn các nhà máy lọc dầu tại Mỹ ngừng hoạt động chế biến, bao gồm các cơ sở Motiva Enterprises tại Port Arthur, Texas – khu vực lớn nhất của nước này.
Đồng thời mối lo ngại về nguồn cung Trung Đông gia tăng, sau khi liên minh do Saudi dẫn đầu chống lại nhóm Houthi tại Yemen phá hủy một máy bay không người lái tại vương quốc – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nguồn cung được dự kiến sẽ gia tăng trong mùa xuân này khi các nhà sản xuất dầu OPEC+ có khả năng nới lỏng các hạn chế sản lượng sau tháng 4/2021, song các nhà sản xuất vẫn thận trọng về đại dịch.
Giá khí tự nhiên cao nhất hơn 3 tháng do nhu cầu sưởi tăng cao
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 10,4% lên mức cao nhất hơn 3 tháng, do thời tiết lạnh làm gián đoạn đường ống dẫn khí ở khắp nước Mỹ và thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York tăng 21,7 US cent tương đương 7,5% lên 3,129 USD/mmBTU, trước đó trong phiên giá khí tự nhiên đạt 3,214 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 5/11/2020.
Giá bạch kim giảm sau khi đạt mức cao nhất 6,5 năm
Giá vàng giảm 1,7% xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi giá bạch kim giảm sau khi đạt mức cao nhất 6,5 năm.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,2% xuống 1.796,5 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 4/2/2021 và vàng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn New York giảm 1,3% xuống 1.799 USD/ounce.
Ngoài ra, giá vàng chịu áp lực giảm bởi các chỉ số chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục do kỳ vọng xung quanh gói cứu trợ virus corona có trị giá 1,9 nghìn tỉ USD của Mỹ.
Đồng thời, giá bạch kim giảm 2,9% xuống 1.265,36 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Giá palađi tăng 0,1% lên 2.391,33 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (2.424,26 USD/ounce).
Giá đồng vẫn cao nhất gần 9 năm do lạc quan về nhu cầu Trung Quốc
Giá đồng đạt mức cao nhất kể từ năm 2012, do lạc quan về nhu cầu Trung Quốc và sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 8.407,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 8.437 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2012.
Giá đồng tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất nhiều năm. Tính đến nay giá đồng tăng 93% kể từ tháng 3/2020.
Ngoài ra, giá đồng được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, chỉ số đồng USD chạm mức thấp nhất 3 tuần khiến đồng được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Trong năm 2021, nhu cầu Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 5% so với năm 2019, song chuỗi cung ứng tại Chile và Peru – hai thị trường xuất khẩu đồng sơ cấp lớn nhất thế giới – bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Giá nhôm trên sàn London thay đổi nhẹ đạt 2.084 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 8 tuần (2.095,5 USD/tấn).
Giá nickel trên sàn London tăng 0,8% lên 18.780 USD/tấn, sau khi đạt 18.840 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2019.
Giá cao su giảm trở lại
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trở lại, từ bỏ mức tăng trước đó trong phiên do tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với dự kiến và việc triển khai chương trình vắc xin virus corona của Nhật Bản.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giảm 0,7 JPY xuống 252 JPY/kg.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 3,15 US cent tương đương 2,6% lên 1,262 USD/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng (1,221 USD/lb) trong phiên ngày 12/2/2021.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 7 USD tương đương 0,5% lên 1.363 USD/tấn.
Giá đường tăng được thúc đẩy phần lớn bởi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng
Giá đường tăng được thúc đẩy phần lớn bởi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng, do việc triển khai vắc xin Covid-19 có thể khiến nền kinh tế hồi phục bền vững.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent tương đương 21,% lên 16,73 US cent/lb. Trong tuần trước, giá đường thô đạt 17,05 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 0,1 USD lên 456,5 USD/tấn, đóng cửa phiên trước đó, giá đường tăng gần 1%.
Giá lúa mì cao nhất 1 tuần, ngô và đậu tương tăng do lo ngại thời tiết băng giá
Giá lúa mì tại Mỹ tăng gần 3% lên mức cao nhất 1 tuần, do lo ngại thời tiết băng giá tại khu vực vành đai trồng lúa mì – Plains – ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 17-1/4 US cent tương đương 2,7% lên 6,54 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,56-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 9/2/2021. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 11-1/4 US cent lên 5,5 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 10-3/4 US cent lên 13,82-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp, do giá dầu đậu tương trên sàn Chicago tăng mạnh, song mức tăng bị hạn chế bởi động thái tăng thuế nhập khẩu dầu cọ của nước mua hàng đầu – Ấn Độ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 9 ringgit tương đương 0,3% lên 3.533 ringgit (877,11 USD)/tấn, sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước đó.\