1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 14/9/2022: Thị trường hàng hoá liên tục đảo chiều, “chật vật” tìm kiếm xu hướng giá

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua ngày 13/09, lực bán áp đảo trên cả 4 nhóm hàng hoá nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV là Nông sản, Nguyên liệu Công nghiệp, Kim loại và Năng lượng. 

Nội dung

Giá bông giảm mạnh trước sức ép từ đồng USD

Đóng cửa ngày 13/09, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dẫn đầu xu hướng tăng giá của nhóm là dầu cọ thô nhờ nhập khẩu mặt hàng này tại Ấn Độ tăng đột biến trong tháng 08.

Bông dẫn đầu đà giảm của các mặt hàng trong nhóm với mức sụt giảm hơn 3% khi thị trường tiếp tục phản ứng với việc số liệu về sản lượng và tồn kho cuối kỳ trở nên tích cực hơn trong báo cáo cung – cầu tháng 09. Bên cạnh đó, đồng Dollar Mỹ quay đầu tăng mạnh, khiến cho bông trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua, đồng thời gây áp lực lên giá.

Cao su Nhật Bản tăng

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp, được hỗ trợ bởi thị trường Thượng Hải sau khi chính phủ Trung Quốc tái khẳng định cam kết ổn định nền kinh tế thông qua hỗ trợ chính sách theo từng giai đoạn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,7 JPY hay 0,8% lên 222.9 JPY (1,57 USD)/kg.

Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2023 tăng 385 CNY lên 12.700 CNY (1.834 USD)/tấn.

Trung Quốc tiếp tục tung ra các chính sách theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế, tập trung vào sự phục hồi tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư, đồng thời thực hiện các chính sách này càng sớm càng tốt, theo truyền thông nhà nước dẫn lời của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Giá bán buôn của Nhật Bản tăng 9% trong tháng 8 so với năm trước, phù hợp với tốc độ tăng trưởng trong tháng 7, báo hiệu chi phí nguyên liệu thô vẫn ở mức cao làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đường trắng giảm sau khi đạt giá cao nhất trong 10 năm

Đường trắng kỳ hạn tháng 10, đáo hạn trong ngày 15/9 đã giảm 6,7 USD hay 1,1% xuống 606,3 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất 10 năm tại 620,3 USD/tấn.

Các đại lý cho biết nguồn cung đường trắng hiện nay khan hiếm với dự trữ cạn kiệt tại một số nước nhập khẩu chính, xuất khẩu từ Ấn Độ vẫn thấp trong khi chi phí tinh luyện cũng tăng trong những tháng gần đây.

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,03 US cent hay 0,2% lên 18,38 US cent/lb.

Đại lý lưu ý sản xuất đường tại khu vực Trung Nam Brazil cao hơn một chút so với dự đoán trong nửa cuối tháng 8, ở mức 3,13 triệu tấn, tăng 5,77% so với một năm trước.

Cà phê giảm

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 4,05 US cent hay 1,8% xuống 2,207 USD/lb, tiếp tục giảm từ mức cao 6 tháng tại 2,4295 USD thiết lập trong ngày 25/8.

Các đại lý cho biết triển vọng đã cải thiện với cây trồng ở Brazil đã đưa thị trường này vào thế phòng thủ với các dự báo mưa trở lại vào cuối tháng 9 sẽ thúc đẩy giai đoạn nở hoa quan trọng.

Doanh số của các cửa hàng cà phê có thương hiệu tại Mỹ tăng 10% trong 12 tháng tính tới tháng 6/2022, đạt 45,8 tỷ USD, bằng 96% doanh số trước đại dịch.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 24 USD hay 1,1% xuống 2.239 USD/tấn.

Thị trường Hàng hóa 14/9/2022: Thị trường hàng hoá liên tục đảo chiều, “chật vật” tìm kiếm xu hướng giá

 

Giá ngô và lúa mì diễn biến giằng co, đậu tương sụt giảm do nguồn cung cải thiện

Trên thị trường nông sản, giá đậu tương đã giảm nhẹ hơn 0,5% trong khi hai mặt khô đậu và dầu đậu diễn biến trái chiều. Những thông tin tích cực về nguồn cung tại Brazil là yếu tố góp phần gây sức ép lên giá trong ngày hôm qua.

Dự báo thời tiết tại Brazil cho thấy, những đợt mưa sẽ trở lại vào cuối tháng 09 tại hầu hết khu vực trung tâm phía tây và nam. Nông dân tại các bang sản xuất chính đang bắt đầu trồng đậu tương với thời tiết thuận lợi cho mùa vụ. Bên cạnh đó, trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã nâng dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 09 của Brazil lên mức 4,47 triệu tấn, từ mức 3,91 triệu tấn dự báo trước đó. Đây là thông tin gây áp lực lên giá trong ngày hôm qua.

Ở hướng ngược lại, theo báo cáo Tiến độ Mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tỷ lệ đậu tương Mỹ đạt chất lượng tốt và tuyệt vời đã giảm 1% xuống còn 56% trong tuần vừa rồi, khác với dự đoán duy trì của thị trường do các khu vực sản xuất vẫn trải qua nền nhiệt cao. Đây là yếu tố đã hỗ trợ giá trong phiên sáng và góp phần thu hẹp đà giảm trong ngày.

Thị trường Hàng hóa 14/9/2022: Thị trường hàng hoá liên tục đảo chiều, “chật vật” tìm kiếm xu hướng giá

Trong khi đó, giá ngô quay đầu suy yếu nhẹ sau khi bật tăng mạnh nhờ ảnh hưởng của báo cáo Cung – cầu trong phiên trước đó. Mặc dù nguồn cung thắt chặt vẫn đang tiếp tục đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho gía nhưng các số liệu đã nằm trong dự đoán của thị trường đã khiến cho đà tăng bị hạn chế.

Ngoài ra, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã dự báo Brazil có thể xuất khẩu tới 7,88 triệu tấn ngô trong tháng 09, cao hơn nhiều so với mức 6,31 triệu tấn dự báo tuần trước. Mặc dù mùa xuất khẩu của Mỹ cũng đang đến gần nhưng việc ngô từ Brazil vẫn được các nước mua hàng đẩy mạnh nhập khẩu cho thấy giá ngô Chicago cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh và góp phần khiến giá đóng cửa trong sắc đỏ.

Lúa mì mặc dù cũng đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó nhưng giá vẫn lấy lại được sắc xanh. Lo ngại về khả năng xuất khẩu của Ukraine tạm thời được xoa dịu khi không xuất hiện thêm thông tin căng thẳng và động thái từ chính phủ các nước. Giá lúa mì chỉ biến động trong khoảng hẹp do thị trường thiếu vắng yếu tố cơ bản mới xác định xu hướng.

Dầu giảm gần 1%

Giá dầu giảm gần 1%, đảo chiều tăng trước đó do chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8, tạo điều kiện cho Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất vào tuần tới.

Chốt phiên 13/9, dầu thô Brent giao tháng 11 giảm 83 US cent hay 0,9% xuống 93,17 USD/thùng, trong phiên giao dịch từ 91,05 USD tới 95,53 USD/thùng. Dầu WTI giao tháng 10 giảm 47 US cent hay 0,5% xuống 87,31 USD/thùng.

Dầu nói chung được định giá bằng USD, vì thế đồng bạc xanh này mạnh lên khiến mặt hàng này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Những hạn chế mới liên quan tới Covid-19 tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới cũng gây sức ép lên giá dầu.

Trong đầu phiên giao dịch cả hai loại dầu đều tăng hơn 1,5 USD/thùng bởi lo ngại về tồn kho ít đi.

Một phóng viên báo Bloomberg cho biết Mỹ có thể bắt đầu nạp lại Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược khi giá dầu thô xuống dưới 80 USD/thùng. Kho dự trữ thương mại của Mỹ được dự báo tăng 800.000 thùng trong tuần trước, theo một thăm dò của Reuters.

Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân của phương Tây với Iran vẫn mờ mịt. Trong ngày 12/9, Đức đã bày tỏ nuối tiếc rằng Tehran đã không phản ứng tích cực với các đề xuất của Châu Âu để khôi phục thỏa thuận năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết một thỏa thuận sẽ khó có thể có được trong tương lai gần.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023, do các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát tăng vọt.

Đồng giảm

Giá đồng quay lại giảm sau khi lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8 và đẩy USD tăng do các nhà đầu tư lo sợ lãi suất tăng mạnh hơn nữa có thể hạn chế sự tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu kim loại.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,2% xuống 7.861 USD/tấn sau khi chạm giá cao nhất kể từ ngày 26/8 tại 8.153 USD/tấn.

Đồng Comex của Mỹ giảm 1,5% xuống 3,56 USD/lb.

Giá đồng đảo chiều sau khi số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,1% trong tháng trước, trong khi các nhà kinh tế trong thăm dò của Reuters dự báo chỉ số này giảm 0,1%.

Trong ngày 13/9, giá đồng giao ngay cao hơn hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME lên tới 150 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2021, cho thấy tình trạng thiếu đồng hiện tại trong kho của sàn giao dịch.

Chỉ số USD tăng 1,3% sau số liệu của Mỹ. USD mạnh lên khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Quặng sắt tiếp đà tăng do lo ngại nguồn cung

Giá quặng sắt Đại Liên đạt mức cao nhất hai tuần khi việc giao dịch khôi phục tại Trung Quốc sau kỳ nghỉ lễ 3 ngày cuối tuần, với lo ngại về nguồn cung và những dấu hiệu nhu cầu mạnh hơn đang hỗ trợ giá.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 2% lên 728,5 CNY (105,23 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 29/8 tại 732 CNY trong đầu phiên này.

Tại sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 1,9% lên 104,05 USD/tấn, gần mức đỉnh hai tuần tại 104,55 USD/tấn trong ngày 12/9.

Lượng quặng sắt tới các cảng của Trung Quốc đã giảm 2,32 triệu tấn trong tuần trước, và kết hợp với lượng tiêu thụ hàng ngày của các cảng tiếp tục mạnh mẽ dẫn tới việc giảm tồn kho vật liệu tại cảng. Xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil đã sụt 1,52 triệu tấn trong cùng giai đoạn này, thắt chặt cán cân cung cầu trong ngắn hạn

Tồn kho quặng sắt ở cảng của Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên trong 11 tuần xuống 142,1 triệu tấn, tính tới ngày 9/9, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome.

Công suất sử dụng lò cao trong số 247 nhà máy thép Trung Quốc tăng lên 87,56% trong thời gian từ 2 tới 8/9, tăng tuần thứ sáu liên tiếp, theo khảo sát của công ty Mysteel.

Tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, thép thanh và thép cuộn cán nóng tăng lần lượt 1% và 1,2%. Thép không gỉ tăng 3,9%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *