1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 14/2/2023: Thị trường hàng hoá biến động thận trọng trước báo cáo lạm phát Mỹ

Trên thị trường hàng hoá, diễn biến tăng giảm trái chiều với biên độ tương đối hẹp của các mặt hàng được giao dịch liên thông quốc tế tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), khiến cho chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,05% lên mức 2.394 điểm. Con số này vẫn cao hơn mức điểm trung bình của tuần trước.

Thị trường Hàng hóa 14/2/2023: Thị trường hàng hoá biến động thận trọng trước báo cáo lạm phát Mỹ

Xu hướng tăng giá có phần rõ rệt trong phiên hôm qua là các nguyên liệu trong nhóm nông sản và năng lượng, trong khi nhóm nguyên liệu công nghiệp và đặc biệt là kim loại ghi nhận sắc xanh đỏ đan xen. Các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý khá thận trọng trước thềm công bố báo cáo lạm phát của Mỹ trong tháng 1, yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và qua đó, tác động tới giá hàng hoá.

Nội dung

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá nông sản

Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tiếp tục đóng cửa trong sắc xanh nhưng đà tăng đã dần thu hẹp. Nhìn chung, những lo ngại về mùa vụ ở Argentina tiếp tục bị thiệt hại vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá chạm mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Tuy nhiên, hoạt động thu hoạch ở Brazil đang được đẩy mạnh lại tác động trái chiều và khiến cho diễn biến giá trở nên rung lắc vào phiên tối.

Nhà khí tượng học tại Công ty Tư vấn Khí hậu Ứng dụng (CCA), cho biết trung tâm phía đông của Argentina, vùng nông nghiệp trọng điểm của nước này, đã nhận được lượng mưa từ 5 – 25 mm trong vài giờ qua. Đây là nguyên nhân lý giải cho mức tăng khá mạnh vào phiên sáng của giá đậu tương.

Ngược lại, Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết, nông dân tại bang đã thu hoạch được 44,1% diện tích đậu tương dự kiến tính tới thứ Sáu tuần trước, tăng tới 20,05% so với một tuần trước đó và giúp tiến độ đạt mức trung bình lịch sử là 44,56%. Mặc dù khởi đầu không thuận lợi nhưng hoạt động thu hoạch được đẩy nhanh đã tác động trái chiều và thu hẹp mức tăng của đậu tương.

Thị trường Hàng hóa 14/2/2023: Thị trường hàng hoá biến động thận trọng trước báo cáo lạm phát Mỹ

Cùng chung xu hướng tăng, ngô nhận được hỗ trợ với việc thị trường đón nhận thêm những tin tức tiêu cực về nguồn cung từ Argentina. Khép lại phiên hôm qua, giá ngô đóng cửa với mức tăng 0,66%.

Số liệu trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Sales) tối qua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USD) cho biết trong tuần từ 03/02-09/02 khối lượng giao hàng ngô của Mỹ đạt 511.506 tấn, tăng nhẹ so với mức 494.000 tấn của tuần trước đó. Điều đó phản ánh hoạt động xuất khẩu ngô của nước này đang diễn ra khá thuận lợi và hỗ trợ cho giá.

Tương tự như ngô, giá hai mặt hàng lúa mì cũng đóng cửa trong sắc xanh.Chính phủ Nga cho biết, việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ không được xem xét nếu như các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt, gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nông sản của nước này. Được gia hạn vào cuối tháng 11 năm ngoái, dự kiến thỏa thuận này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 03 tới. Việc Nga đe dọa sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận đã dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung lúa mì từ Ukraine và thúc đẩy giá mặt hàng này.

Thông tin trái chiều về nguồn cung thúc đẩy giá dầu

Giá dầu trải qua một phiên giao dịch đầy biến động nhưng vẫn duy trì được đà tăng từ tuần trước. Kết thúc phiên 13/02, giá dầu thô WTI tăng 0,53% lên 80,14 USD/thùng, giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,15% lên 86.52 USD/thùng.

Giá dầu giảm trong phần lớn thời gian của phiên khi mà những lo ngại về nguồn cung của các nhà đầu tư trước việc Nga cắt giảm sản lượng 500.000 thùng vào cuối tuần trước đã được xoa dịu. Cụ thể, các hoạt động vận chuyển dầu thô tại cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ được nối lại vào ngày hôm qua, kết thúc những gián đoạn kể từ thời điểm vụ động đất lớn xảy ra tại quốc gia này.

Theo MXV, sự phục hồi của đồng USD với chỉ số Dollar Index đã có lúc tăng lên 103,8 điểm cũng khiến cho sức mua trên thị trường khá hạn chế. Trong tuần này, các nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước các kịch bản tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhất là khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1, một thước đo lạm phát quan trọng, sẽ được công bố vào tối nay. Mặc dù, lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng Fed có thể vẫn tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất và làm gia tăng nguy cơ suy thoái. Triển vọng tiêu thụ xấu đi vì các áp lực vĩ mô đã gây sức ép đáng kể đối với giá dầu.

Thị trường Hàng hóa 14/2/2023: Thị trường hàng hoá biến động thận trọng trước báo cáo lạm phát Mỹ

Tới phiên tối, giá dầu khôi phục khi đồng USD suy yếu và các nhà đầu tư phần bổ dòng vốn vào các loại tài sản có tính rủi ro cao hơn, trong đó có các mặt hàng năng lượng. Đồng thời, những lo ngại về nguồn cung cũng quay lại thị trường khi mà Mỹ tiếp tục có kế hoạch giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR).

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ tiến hành bán số lượng dầu lên tới 26 triệu thùng. Hiện tồn kho dầu tại SPR đang là 371,6 triệu thùng, sau đợt giải phòng lên tới 180 triệu thùng trong năm 2022 vừa qua.

Vì vậy, ngay cả khi đợt giải phóng sắp tới với khối lượng không nhiều, nhưng việc nhà sản xuất hàng đầu bổ sung nguồn cung, đã làm gia tăng rủi ro nguồn cung thái thắt chặt và giúp giá dầu lấy lại được sắc xanh trong phiên hôm qua.

Nhôm thấp nhất trong 5 tuần

Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần do lượng hàng tồn kho tăng vọt tại các nhà kho được Sàn giao dịch Kim loại Luân Đôn phê duyệt, trong khi giá đồng được thúc đẩy bởi dữ liệu của Trung Quốc cho thấy các khoản vay ngân hàng mới tăng vọt.

Kết thúc phiên, trên sàn London (LME), giá nhôm kỳ hạn 3 tháng giảm 0,9% xuống 2.418 USD/tấn, sau khi trước đó có lúc giảm xuống 2.410 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 10/1.

Giá đồng tăng 0,9% lên 8.934 USD/tấn.

Dự trữ nhôm của sàn LME ở mức 576.775 tấn, tăng gần gấp đôi kể từ ngày 6 tháng 2, làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt và nguồn cung trên thị trường LME.

Sắt thép giảm

Các hợp đồng kim loại đen giao dịch trên thị trường Trung Quốc đều giảm vào thứ Hai, chịu áp lực bởi dự trữ thép trong nước tăng cao và dự trữ quặng sắt tại cảng cũng tăng, cho thấy nhu cầu phục hồi chậm ngay cả khi các chỉ báo mới nhất cho thấy nền kinh tế đang phục hồi.

Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 5, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 854,5 nhân dân tệ (125,07 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 giảm 2,2% xuống 124,72 USD/tấn.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,8%, trong khi các loại thép chuẩn khác cũng giảm. Thép cuộn cán nóng giảm 0,6%, dây thép cuộn giảm 0,8% và thép không gỉ giảm 0,5%.

Cao su giảm

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm vào thứ Hai, do chịu tác động từ xu hướng giá giảm đồng loạt trên thị trường Thượng Hải, chứng khoán trong nước và giá dầu thô – gây áp lực lên tâm lý, mặc dù đồng yên yếu đi đã hạn chế đà giảm sâu hơn.

Hợp đồng cao su giao tháng 7 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,9 yên, tương đương 0,9%, xuống 222,6 yên (1,68 USD)/kg, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/1.

Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 80 CNY xuống còn 12.540 CNY (1.836 USD)/tấn.

Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,88%.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 2,1 cent, tương đương 1,2%, lên 1,7675 USD/lb.

Thị trường tiếp tục tập trung vào triển vọng vụ arabica năm nay tại Brazil, với nhiều người cho rằng sẽ không cao như dự kiến vài tháng trước.

Dự trữ cà phê arabica được chứng nhận tại Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) giảm nhẹ vào thứ Hai xuống còn 873.104 bao 60kg, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng rưỡi là 891.933 bao vào ngày 8/2.

Giá cà phê robusta giao tháng 5 cũng tăng 5 USD, tương đương 0,2%, lên 2.044 USD/tấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *