Chốt phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/1, giá dầu cao nhất 11 tháng, khí tự nhiên cao nhất 3 tuần, vàng tăng trở lại, ngô, đậu tương và lúa mì cao nhất nhiều năm, trong khi giá sản phẩm thép, cà phê và đường giảm, cao su thấp nhất 1 tuần.
Nội dung
Giá dầu cao nhất 11 tháng
Giá dầu tăng lên mức cao nhất 11 tháng, chỉ dưới 57 USD/thùng được thúc đẩy bởi kế hoạch hạn chế nguồn cung của Saudi Arabia, làm lu mờ lo ngại các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng sẽ kiềm chế nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/1, dầu thô Brent tăng 92 US cent tương đương 1,7% lên 56,58 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 56,75 USD/thùng – cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020 và dầu thô Tây Texas WTI tăng 96 US cent tương đương 1,8% lên 53,28 USD/thùng.
Saudi Arabia có kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3/2021, để kiểm soát lượng tồn trữ. Việc cắt giảm sản lượng của Saudi là một phần của thỏa thuận do OPEC dẫn đầu, trong đó hầu hết các nhà sản xuất sẽ duy trì sản lượng ở mức ổn định trong tháng 2/2021. Việc cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC và các đồng minh trong năm 2020 đã giúp giá dầu hồi phục từ mức thấp lịch sử trong tháng 4/2020.
Ngoài ra, giá dầu tăng còn được hỗ trợ bởi sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 190.000 thùng/ngày trong năm 2021 xuống 11,1 triệu thùng/ngày, song mức giảm ít hơn so với dự báo giảm 240.000 thùng/ngày dự báo trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết. Đồng thời, dự kiến tồn trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm 2,7 triệu thùng/ngày – tuần giảm thứ 5 liên tiếp.
Tuy nhiên, mức tăng giá dầu bị hạn chế bởi lo ngại về nhu cầu khi các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu gia tăng. Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế mới tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh và Nhật Bản sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp ngoài Tokyo.
Giá khí tự nhiên cao nhất 3 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 3 tuần, sau dự báo thời tiết ôn hòa hơn đã xói mòn đà tăng trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York tăng 0,6 US cent tương đương 0,2% lên 2,753 USD/mmBTU – tăng phiên thứ 2 liên tiếp và cao nhất kể từ ngày 22/12/2020.
Giá vàng tăng trở lại
Giá vàng tăng, do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, trong khi triển vọng lạm phát tăng cao bởi các biện pháp kích thích tài chính của Mỹ đã hỗ trợ giá vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% lên 1.848,31 USD/ounce, trong phiên trước đó giá vàng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/12/2020, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.844,2 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,3% so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp 1,146%.
Giá nickel tăng
Giá nickel tăng, sau khi nước sản xuất lớn – Philippines – ra lệnh ngừng khai thác trên một hòn đảo bao gồm một số dự án.
Giá nickel trên sàn London tăng 3,3% lên 17.650 USD/tấn.
Tổng thống Philippine, Rodrigo Duterte đã cấm khai thác trên hòn đảo Tumbagan ở Languyan thuộc tỉnh Tawi-Tawi, do lo ngại về tác động môi trường. Tuy nhiên, lệnh cấm không bao gồm trung tâm khai thác nickel của nước này tại khu vực Caraga, song sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng đã thúc đẩy giá.
Philippines là thị trường cung cấp quặng nickel lớn nhất cho nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc.
Giá nickel tăng bất chấp tồn trữ nickel tại London tăng 372 tấn lên 249.198 tấn – cao nhất kể từ tháng 8/2018
Giá thép giảm, quặng sắt tăng
Giá thép tại Trung Quốc giảm, với giá sản phẩm thép tại Thượng Hải giảm hơn 3% theo xu hướng giá nguyên liệu thô giảm, sau sự gián đoạn bởi virus corona và kế hoạch bổ sung dự trữ trong mùa đông.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,8% xuống 4.327 CNY (669,46 USD)/tấn và giá thép cuộn cán nóng đạt 4.462 CNY/tấn, trong phiên cả hai loại sản phẩm thép đều giảm hơn 3%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 2,2% xuống 13.905 CNY/tấn, sau khi giảm mạnh 4,4% trong đầu phiên giao dịch
Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,1% lên 1.049 CNY/tấn.
Giá cao su thấp nhất 1 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do các nhà đầu tư chốt lời sau khi giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giảm và trong bối cảnh lo ngại các hạn chế mới khi số trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka giảm 8,2 JPY tương đương 3,3% xuống 237,7 JPY (2,3 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch chạm 232,2 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 4/1/2021.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 405 CNY xuống 14.155 CNY (2.190 USD)/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê Arabica giảm, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng trong phiên trước đó do tồn trữ tại New York tăng và mối lo ngại về các hạn chế Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,05 US cent xuống 1,214 USD/lb, trong phiên trước đó giá cà phê chạm 1,1875 USD/lb – thấp nhất 1 tháng.
Đồng thời, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 13 USD tương đương 1% xuống 1.302 USD/tấn.
Giá cà phê chịu áp lực giảm, bởi tồn trữ cà phê Arabica tăng lên 1,51 triệu bao (60 kg) – cao nhất kể từ tháng 8/2020. Trong khi đó, Brazil dự kiến sẽ sản xuất 52,9 triệu bao cà phê trong năm 2021, giảm 23% so với mức cao kỷ lục 68,21 triệu bao năm 2020, nhà xuất khẩu Grupo Montesanto Tavares cho biết.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,21 US cent xuống 15,46 US cent/lb, trong tuần trước đó giá đường tăng lên 16,33 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1,9 USD xuống 436 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều cao nhất nhiều năm
Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ tăng lên mức cao nhất nhiều năm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, sản lượng vụ thu hoạch ngô và đậu tương Mỹ thấp hơn so với dự kiến và tồn trữ cuối vụ giảm hơn so với dự kiến trước đó.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 25 US cent lên 5,17-1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 5/2014. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 45-3/4 US cent lên 14,18-1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2014. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 30-1/4 US cent lên 6,65 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Trong báo cáo, USDA cho biết sản lượng ngô Mỹ năm 2020 đạt 14,182 tỉ bushel, năng suất trung bình đạt 172 bushel/are và sản lượng đậu tương đạt 4,135 tỉ bushel, năng suất trung bình đạt 50,2 bushel/acre. Tất cả đều thấp hơn so với dự kiến, đặc biệt là ngô.
Giá ngô, lúa mì và đậu tương được hỗ trợ bởi mối lo ngại về nguồn cung từ các nước xuất khẩu chủ chốt. Argentina có động thái sẽ hạn chế xuất khẩu ngô, trong khi nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu – Nga – đang xem xét tăng thuế xuất khẩu đối với ngũ cốc.
Giá dầu cọ giảm hơn 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 2,5% xuống mức thấp nhất 1 tuần, do lo ngại nhu cầu yếu khi xuất khẩu trong tháng 1/2021 giảm mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 95 ringgit xuống 3.702 ringgit /tấn.
Giá dầu cọ giảm phiên thứ 2 liên tiếp và có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/11/2020.