Bản tin thị trường hàng hóa ngày 11/5/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi. Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 11/5/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 10/05, diễn biến giá phân hóa khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV- Index tiếp tục đà suy yếu, với mức giảm 0,85% xuống 2.212 điểm. Dòng tiền đầu tư có sự gia tăng nhẹ, giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.600 tỷ đồng.
Nội dung
Giá dầu đảo chiều giảm
Lực bán quay lại thị trường dầu sau ba phiên tăng liên tiếp với giá dầu thô WTI giảm 1,56% về 72,56 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa giảm 1,33% về 76,41 USD/thùng.
Sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên sáng khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3,6 triệu thùng, sau ba tuần giảm liên tiếp. Thị trường sau đó hướng sự chú ý vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ.
Phần lớn các chỉ số CPI được công bố đều không tiêu cực hơn so với dự đoán trước đó. Cụ thể, CPI và CPI lõi (trừ năng lượng và thực phẩm) đều tăng 0,4% so với tháng 3. Đáng chú ý, CPI tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo 0,1%.
Các số liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Đồng USD vì thế cũng chịu sức ép, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index giảm về 101,48 điểm.
Giá dầu hồi phục nhẹ với kỳ vọng tiêu thụ sẽ được cải thiện khi nền kinh tế sẽ bớt chịu áp lực do các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau đó sức bán quay trở lại thị trường khi các số liệu trái chiều từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố.
Tồn kho dầu thô thương mại tăng 3 triệu thùng, cao hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng trước đó là yếu tố chính khiến cho giá chịu sức ép trong phiên hôm qua. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng giảm gần 40% trong tuần kết thúc ngày 05/05 về 2,7 triệu thùng/ngày. Điều này có thể phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu từ các đối tác của Mỹ đang yếu đi.
Mặc dù vậy, giá dầu phục hồi vào cuối phiên khi các nhà đầu tư đánh giá lại các tín hiệu tích cực khác từ báo cáo EIA. Tồn kho xăng và dầu trong tuần kết thúc ngày 05/05 giảm lần lượt 3,2 và 4,2 triệu thùng. Bên cạnh đó, tổng sản phẩm được cung cấp, thước đo phản ánh tiêu thụ thực tế, tăng mạnh lên 20,1 triệu thùng/ngày, và cao hơn mức trung bình bốn tuần liên tiếp là 19,9 triệu thùng. Sự sụt giảm của giá dầu thô đã bị hạn chế bởi nhu cầu nhiên liệu tăng vọt trước mùa lái xe cao điểm vào mùa hè.
Một số thông tin khác mà các nhà đầu tư cần theo dõi trong thời gian tới bao gồm sản lượng dầu của Venezuela và phản ứng của Mỹ đối với đợt cắt giảm gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+). Tập đoàn Chevron của Mỹ đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng dầu thô tại Venezuela lên tới 160.000 thùng/ngày trong năm nay và khoảng 200.000 thùng/ngày vào năm 2024.
Sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/05, sắc đỏ áp đảo bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, trong khi bạch kim vẫn duy trì đà tăng giá với mức tăng 0,28% lên 1.119,1 USD/ounce, thì giá bạc cho thấy sự suy yếu. Giá bạc đánh mất 0,93% về 25,65 USD/ounce.
Tâm điểm của thị trường trong phiên hôm qua hướng về báo cáo lạm phát của Mỹ. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo tăng 5,0% của giới phân tích và đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
Trong khi chỉ số CPI lõi trong tháng 4, thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) quan tâm hơn, không thay đổi so với mức tăng 0,4% của tháng 3. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 5,5% trong tháng 4 sau khi tăng 5,6% hồi tháng 3, cả hai chỉ số CPI lõi đều cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Áp lực lạm phát giảm bớt giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư nhờ kỳ vọng Fed có thể tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Dòng tiền được phân bổ quay trở lại các thị trường rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Điều này khiến dòng vốn chảy vào thị trường kim loại quý giảm bớt và gây sức ép tới giá.
Tuy nhiên bạch kim vẫn nhận được lực mua tích cực do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Hơn nữa, bạch kim có vai trò công nghiệp lấn át, triển vọng Fed ngừng tăng lãi suất có thể tránh đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái đã giúp củng cố triển vọng tiêu thụ mặt hàng này.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm phiên thứ hai liên tiếp khi để mất 1,55% về mức 3,84 USD/pound. Bất chấp sự suy yếu của đồng USD, giá đồng vẫn không được hỗ trợ, đáng chú ý, trong hơn 2 tuần gần đây, giá đồng vẫn liên tục dao động thận trọng trong khoảng đi ngang 3,82 – 3,92 USD/pound do thiếu động lực bứt phá.
Một mặt, triển vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng từ đầu năm, tuy nhiên, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc đang dần chững lại, hoạt động sản xuất suy yếu trong khi tăng trưởng xuất nhập khẩu mất đà, điều này làm suy yếu triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản, trong đó có đồng.
Mặt khác, trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ đang mờ nhạt đi trong thời gian gần đây, thì nguồn cung đồng lại tương đối ổn định, khiến giá đồng phải chịu sức ép.
Sản lượng đồng tháng 3 của Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 219.275 tấn, theo dữ liệu từ Bộ năng lượng và mỏ Peru. Ngoài ra, tồn kho đồng trên Sở LME đã liên tục tăng sau khi chạm mức thấp kỷ lục kể từ tháng 8/2005 vào ngày 13/04, khi chỉ còn 51.550 tấn, hiện tại tồn kho đã tăng gần 50% lên mức 71.657 tấn.
Trái lại, giá quặng sắt có phiên phục hồi tích cực với mức tăng 1,26% lên 103,3 USD/tấn, nhờ kỳ vọng nhu cầu hồi phục tại Trung Quốc. Công ty tư vấn Mysteel báo cáo rằng sáu nhà máy thép ở tỉnh Sơn Tây thuộc phía Bắc Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất thép trong hai tuần tới, do tỷ suất lợi suất tiếp tục được cải thiện. Các nhà phân tích của Mysteel cho biết điều này có thể làm tăng tỷ lệ sử dụng công suất lò cao hàng ngày lên mức 89% từ 74,8% vào ngày 9/5. Triển vọng ngành thép khởi sắc đã thúc đẩy sức mua trên thị trường quặng sắt, do sắt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất thép.
Cao su Nhật Bản giảm, đường tăng, cà phê diễn biến trái chiều
Giá cao su Nhật Bản tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp do thị trường Thượng Hải yếu, khi các nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ công bố vào cuối ngày 10/5.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,9 JPY hay 0,4% xuống 211,1 JPY (1,56 USD)/kg, trước đó giá đã tăng 0,9% trong phiên này.
Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 9 tăng 55 CNY lên 12.125 CNY (1.754,17 USD)/tấn sau khi tăng 195 CNY trong phiên này.
Doanh số bán ô tô chở khách của Trung Quốc tăng 2,1% trong tháng 4 so với tháng trước đó, nhưng giảm 1,4% trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng giảm khi hiệu quả của việc giảm giá và kích thích xa dần.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,47 US cent hay 1,8% lên 26,66 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường đang củng cố sau đợt tăng giá gần đây nhưng các yếu tố cung cầu vẫn hỗ trợ sau vụ mùa thấp hơn dự kiến tại Châu Á và lo ngại về tình trạng tắc nghẽn ở cảng của nước xuất khẩu hàng đầu Brazil.
Ngân hàng Rabobank cho biết xuất khẩu từ vụ thu hoạch mới của Brazil đang bị hạn chế bởi vấn đề logistic trong quý 2 và quý 3 do triển vọng xuất khẩu ngũ cốc kỷ lục và khả năng thời tiết El Nino đe dọa vào cuối năm nay.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 9,1 USD hay 1,3% lên 718,2 USD/tấn.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,55 US cent hay 0,3% xuống 1,8595 USD/lb.
Sự suy yếu trong thị trường giao ngay của cà phê arabica đã khiến giá kỳ hạn giảm.
Xuất khẩu cà phê của Brazil giảm 13,8% trong tháng 4.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 16 USD hay 0,6% lên 2.481 USD/tấn.
Ngô tăng, lúa mì, đậu tương giảm
Giá ngô Mỹ tăng ngày thứ 5 trong 6 phiên qua, do dấu hiệu mạnh lên trong thị trường giao ngay.
Đậu tương đóng cửa giảm khi thị trường này đối mặt với áp lực từ giá dầu yếu cũng như tốc độ gieo trồng nhanh tại Midwest.
Thị trường lúa mì cũng giảm sau khi giao dịch trong vùng tích cực, với thời tiết tốt để phát triển cây trồng ở miền đông Midwest gây áp lực lên các hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông tại sàn giao dịch Chicago.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 9-1/4 US cent lên 5,94 USD/bushel.
Đậu tương CBOT cùng kỳ hạn giảm 10-1/4 US cent xuống 14,04 USD/bushel và lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 2-1/4 US cent xuống 6,41-1/4 USD/bushel.