Phiên giao dịch 10/12 kết thúc với hàng loạt hàng hóa nguyên liệu xác lập những kỷ lục giá cao. Đáng chú ý, giá dầu Brent đã vượt 50 USD/thùng, quặng sắt tăng cao kỷ lục… Tuy nhiên, vàng đi xuống, cao su cũng nối dài chuỗi giảm.
Nội dung
Dầu Brent vượt 50 USD
Giá dầu tăng gần 3% trong phiên vừa qua, trong đó dầu Brent vượt 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 do hy vọng nhu cầu hồi phục mạnh khi các vắc xin đang được triển khai tiêm chủng đồng loạt ở nhiều quốc gia.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 10/12 tăng 1,39 USD (2,9%) lên 50,25 USD/thùng, là phiên thứ 3 tăng liên tiếp; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 1,26 USD (2,8%) lên 46,78 USD/thùng.
Như vậy, cả hai loại dầu đều đã lấy lại mức giá cao nhất như hồi tháng 3, khi các hợp đồng nói trên lúc đầu phiên vừa qua lần lượt đạt 50,56 USD/thùng và 47,74 USD/thùng.
Bjornar Tonhaugen, người phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty Rystad Energy cho biết: Làn sóng tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ được hưởng lợi sớm nhờ vắc xin, nhất là ở thị trường Bắc Mỹ – nơi có những nước tiêu thụ chính”.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thế giới vẫn đang dồi dào, thể hiện ở việc tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng mạnh thêm 15,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,4 triệu thùng.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua sau khi không vượt qua được ngưỡng kháng cự 1.850 USD/ounce tạo ra làn sóng bán ra nhẹ, giữa bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng các vắc xin chống Covid-19 có thế giúp sớm chấm dứt đại dịch.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.832,2 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2/2021 giảm 0,1% xuống 1.837,4 USD/ounce.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và kim loại cơ bản của BMO, cho biết: “Sự cố kỹ thuật (giá vàng không vượt được ngưỡng 1.850 USD) khiến người mua giảm mua vào. Hầu hết nhà đầu tư có thái độ chờ đợi, có vẻ như đồng tiền đang phân bổ laị các địa chỉ đầu tư”.
Tuy nhiên, theo ông, triển vọng giá vàng vẫn tích cực, xu hướng giá tăng nhẹ vẫn chiếm ưu thế, khi mà thị trường lao động của Mỹ đang trì trệ, thể hiện ở số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua đã tăng mạnh, giữa làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải ngừng hoạt động.
Quặng sắt cao kỷ lục, giá thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng hơn 7% trong phiên vừa qua, lên mức cao kỷ lục do hoạt động mua đầu cơ mạnh mẽ bởi hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục tốt kéo nhu cầu sắt thép tăng theo.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt hợp đồng giao dịch nhiều nhất – kỳ hạn tháng 5 – tăng 7,3% lên 976 CNY (149,10 USD)/tấn, trước khi kết thúc ở mức 971 CNY (tăng 6,8% so với phiên liền trước).
Giá quặng sắt 62% nhập khẩu của Trung Quốc do công ty tư vấn SteelHome báo vững ở mức 146,5 USD/tấn.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 2,4% lên 4.040 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 2,9% lên 4.348 CNY/tấn sau khi nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là Baoshan Iron & Steel nâng giá bán đối với các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1/2021.
Cà phê tăng 3%
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 4 US cent (3,4%) lên 1,2105 USD/lb, do đồng real Brazil mạnh lên sau khi ngân hàng trung ương bóng gió lần đầu tiên rằng chu kỳ nới lỏng chính sách của họ có thể sớm kết thúc trong bối cảnh lạm phát gia tăng và dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tháng 10 tăng tốt hơn dự kiến.
Kết thúc phiên này, arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 4 US cent (3,4%) lên 1,1205 USD/lb. Robusta phiên vừa qua cũng đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 thêm 17 USD đạt 1.351 USD/tấn.
Việc thu hoạch cà phê ở Việt Nam hiện đã hoàn thành được 20-25% với thời tiết lúc thu hoạch thuận lợi, song sản lượng chắc chắn sẽ không đạt mức như dự đoán.
Cao su giảm phiên thứ 5 liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm phiên thứ 5 liên tiếp sau khi số liệu của Chính phủ cho thấy giá sản xuất giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng, giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ở nước này.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 5 giảm 1 JPY (0,4%) xuống 233,2 JPY/kg.
Giá bán buôn ở Nhật Bản tháng 11 vừa qua giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng giảm mạnh nhất 6 tháng, dấu h iệu cho thấy dịch bệnh đang làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế và gây ra giảm phát cho nước này.
Giá cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải cũng giảm 1,6% xuống 14.210 CNY/tấn.
Gía gạo tăng
Giá gạo Ấn Độ và Thái Lan tăng do nội tệ mạnh lên và nhu cầu xuất khẩu tốt, trong khi gạo Việt Nam vững.
Gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá tăng lên 378 – 383 USD/tấn, cao nhất kể từ 24/9. Cách đây 1 tuần, loại gạo này có giá 375 – 381 USD/tấn. Đồng rupee mạnh lên so với USD và cước phí vận tải tăng buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá bán cho khách quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu hiện đang cao, những khách hàng như Trung Quốc đang chuyển hướng sang mua gạo Ấn Độ vì giá rẻ.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này cũng tăng lên 485 – 516 USD/tấn, từ mức 480 – 516 USD/tấn hồi tuần trước, do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, do giá cao nên nhu cầu bị sụt giảm.Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vững ở 470 – 490 USD/tấn.
Theo Minh Quân (Trí Thức Trẻ)