1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 10/12/2021: Giá đồng, sắt… đồng loạt giảm

Mối lo ngại về sự lây lan của biến thể virus corona Omicron đã khiến một số chính phủ thực hiện các biện pháp đóng cửa, gây áp lực thị trường kéo hàng loạt mặt hàng giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 9/12, giá dầu, đồng, sắt thép, cao su, đường… đồng loạt giảm, lúa mì thấp nhất 1 tháng, gạo Ấn Độ thấp nhất 5 năm.

Nội dung

Giá dầu quay đầu giảm

Giá dầu giảm do lo ngại triển vọng kinh tế tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc và một số chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus corona Omicron.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/12, dầu thô Brent giảm 1,4 USD tương đương 1,9% xuống 74,42 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao 76,7 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,42 USD tương đương 2% xuống 70,94 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 73,34 USD/thùng. Kể từ ngày 25/11 đến ngày 1/12/2021, giá dầu Brent đã giảm 16%.

Ngoài ra, thông tin về tồn trữ dầu thô của Mỹ cũng gây áp lực đối với giá dầu. Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 240.00 thùng, ít hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích, với tồn trữ tại trung tâm giao hàng Cushing ở Oklahoma tăng 2,4 triệu thùng. Đồng thời, tồn trữ nhiên liệu tăng 6,6 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.


Giá khí tự nhiên duy trì vững

Giá khí tự nhiên tại Mỹ duy trì vững, do tồn trữ cao hơn so với dự kiến và nhu cầu tại Mỹ trong 2 tuần tới tăng cao bù đắp giá khí đốt tại châu Âu giảm 3%

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn New York giảm 0,1 US cent xuống 3,814 USD/mmBtu.


Giá đồng giảm

Giá đồng rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, khi các hạn chế của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron đẩy đồng USD tăng cao.

Giá đồng trên sàn London giảm 1,1% xuống 9.542 USD/tấn. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng 20% trong khi chỉ số kim loại công nghiệp tăng gần 30%.

Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm do tồn trữ tại London tăng lên mức cao nhất 1 tháng (76.250 tấn), song giảm 69% so với mức cao nhất trong tháng 8/2021 (238.725 tấn) và giảm gần 25% trong năm nay.


Giá quặng sắt và thép đều giảm

Giá quặng sắt tại châu Á giảm trở lại từ mức cao nhất 6 tuần, được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách hỗ trợ của Trung Quốc.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 642,5 CNY (101,29 USD)/tấn, sau khi tăng 3 phiên liên tiếp.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore giảm 2,5% xuống 109,7 USD/tấn.

Giá quặng sắt 62%Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 111 USD/tấn, giảm từ mức cao đỉnh điểm 6 tuần (111,5 USD/tấn) trong ngày 7/12/2021 và giảm 52% từ mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 4,5%, thép cây giảm 3% và thép cuộn cán nóng giảm 3,3%.


Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do lo ngại tình trạng thiếu hụt vi mạch sẽ trì hoãn sự phục hồi hoạt động sản xuất ô tô và một số quốc gia đưa ra các hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus corona Omicron, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Osaka giảm 7,8 JPY tương đương 3,3% xuống 228,7 JPY (2 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/11/2021 (225,4 JPY/kg).

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 245 CNY xuống 14.375 CNY (2.259,86 USD)/tấn.


Giá cà phê tăng tại Việt Nam và London, không thay đổi tại Indonesia, giảm tại New York

Tây Nguyên, Việt Nam – khu vực trồng cà phê robusta hàng đầu thế giới – có mưa nhẹ đã làm gián đoạn hoạt động thu hoạch và sấy cà phê tại khu vực này.

Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 400-430 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 250-270 USD/tấn tuần trước đó. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 40.400-41.500 VND (1,76-1,81 USD)/kg, thay đổi nhẹ so với 40.700-41.500 VND/kg cách đây 1 tuần.

Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2022, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.

Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1,6% xuống 2,4020 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 10 năm (2,5235 USD/lb) trong ngày 7/12/2021.

Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 0,4% lên 2.306 USD/tấn, chỉ dưới mức cao nhất 10 năm (2.334 USD/tấn) trong ngày 7/12/2021.


Giá đường giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,6% xuống 19,69 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 0,5% xuống 510,7 USD/tấn.


Giá lúa mì thấp nhất 1 tháng, ngô và đậu tương tăng

Giá lúa mì tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, sau báo cáo hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng và tồn trữ toàn cầu cao hơn so với dự kiến trước đó, đã gây áp lực giá.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 17-3/4 US cent xuống 7,76-3/4 USD/bushel và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/11/2021. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 4-1/2 US cent lên 5,91-3/4 USD/bushel – cao nhất 1,5 tuần và giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 3-1/2 US cent lên 12,64-1/2 USD/bushel.


Giá gạo Ấn Độ thấp nhất 5 năm, giảm tại Việt Nam và Thái Lan

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016 do đồng rupee suy yếu, khiến các nhà xuất khẩu cắt giảm các đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung từ vụ thu hoạch mới tăng.

Tại Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm giảm xuống 351-356 USD/tấn, so với mức 353-358 USD/tấn cách đây 1 tuần. Đồng rupee Ấn Độ chạm mức thấp nhất 2 tháng trong ngày 9/12/2021.

Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam giảm xuống 410-414 USD/tấn so với mức 415-420 USD/tấn cách đây 1 tuần.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm dao động trong khoảng 385-396 USD/tấn so với 380-397 USD/tấn tuần trước đó, do đồng baht Thái Lan tăng mạnh so với đồng USD.


Giá dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia đảo chiều giảm, trước số liệu dự kiến cho thấy xuất khẩu trong đầu tháng 12/2021 giảm.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 66 ringgit tương đương 1,36% xuống 4.775 ringgit (1.132,86 USD)/tấn, sau khi tăng mạnh 1,6% trong đầu phiên giao dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *