Bản tin thị trường hàng hóa ngày 10/8/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 10/8/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 09/08, mặc dù giá hàng hóa nguyên liệu thế giới phân hóa, tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng trở lại sau 2 ngày giảm, với mức tăng 0,78% lên 2.295 điểm.
Trong đó, nhóm năng lượng đóng góp quan trọng vào đà phục hồi của thị trường với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt đóng cửa tăng mạnh. Khí tự nhiên tăng vọt 6,55% lên 2,96 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, đánh dấu chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp và chạm mốc cao nhất trong 5 tháng qua do tình hình thời tiết nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas đã đẩy tiêu thụ điện lên mức kỷ lục. Bên cạnh đó, đình công tại Úc làm dấy lên lo ngại gián đoạn dòng chảy năng lượng từ Mỹ đến châu Âu. Úc là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới sau Qatar, do đó bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu sẽ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Nội dung
Dầu thô đạt đỉnh 9 tháng
Đáng chú ý, 2 mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất là dầu WTI và dầu Brent cũng đã thiết lập đỉnh mới, đóng cửa ở mức cao nhất từ tháng 11/2022 trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên sâu sắc. Dầu WTI chốt ngày với mức tăng 1,78% lên 84,40 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 87,55 USD/thùng sau khi tăng 1,60%.
Theo một cuộc khảo sát của S&P Global Commodity Insights, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 7 xuống mức thấp nhất gần 2 năm, do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia có hiệu lực. Điều này góp phần làm sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 6.
Báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành tối qua cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng gần 6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 04/08. Con số này không nhiều so với mức giảm kỷ lục trong lịch sử 17 triệu thùng vào tuần trước đó. Trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt giảm 2,7 triệu và 1,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn đang khá tích cực.
Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã tăng 0,7 triệu thùng/ngày lên mức 20,7 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức trung bình 4 tuần.
Mặc dù xuất khẩu dầu Mỹ xuất khẩu dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh gần 3 triệu thùng/ngày xuống còn 2,36 triệu thùng/ngày, cho thấy nhu cầu thế giới thận trọng khi giá dầu Mỹ tăng cao, kéo giá suy yếu nhẹ sau báo cáo. Nhưng nhìn chung, rủi ro thâm hụt tiềm ẩn, cùng nhu cầu tích cực đã đẩy giá tăng trở lại vào cuối phiên.
Lúa mì sụt giảm 3%
Giá lúa mì đã sụt giảm hơn 3% trong ngày hôm qua và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Các thông tin xoay quanh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tại biển Đen vẫn đang là tâm điểm sự chú ý của thị trường.
Theo dữ liệu được Bộ Nông nghiệp Ukraine công bố, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc của nước này từ đầu niên vụ 2023/24 đến nay đạt 2,76 triệu tấn, bao gồm 1,33 triệu tấn ngô và 1,08 tấn lúa mì. Bộ không đưa ra số liệu trong cùng kỳ năm ngoái nhưng cho biết Ukraine đã xuất khẩu 2,34 triệu tấn ngũ cốc tính đến ngày 12/08 năm ngoái. Hầu hết ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu qua các cảng nước sâu ở Biển Đen nhờ thỏa thuận ngũ cốc, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Việc Nga rút khỏi thỏa thuận vào tháng trước đã khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Ukraine bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù vậy dữ liệu trên cho thấy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine không gặp gián đoạn đáng kể, góp phần gây sức ép lên giá.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhập khẩu lúa mì của nước ta đã giảm 25,3% về lượng và 26% về giá trị so với tháng 6, cho thấy việc giá vẫn cao đã hạn chế nhu cầu đối với mặt hàng này trong ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, luỹ kế 7 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2,8 triệu tấn lúa mì, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng giá trị nhập khẩu lên đến trên 1 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022.
Đồng hồi phục khỏi mức thấp nhất gần một tháng
Giá đồng hồi phục khỏi mức thấp nhất 1 tháng sau khi dữ liệu cho thấy Trung Quốc rơi vào giảm phát làm dấy lên hy vọng về các biên pháp kích thích kinh tế nhiều hơn ở nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,6% lên 8.401 USD/tấn. Giá đồng kỳ hạn tại Comex tăng 0,4% lên 3,78 USD/lb.
Chile, nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới, cho biết xuất khẩu đồng của nước này đạt 3,36 tỷ USD trong tháng 7/2023, giảm 2,8% so với một năm trước đó. Trong khi đó, Bộ năng lượng và mỏ của Pêru cho biết sản lượng đồng trong tháng 6/2023 tăng 21,8% đạt 241.801 tấn so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng trong sáu tháng đầu năm tăng 17,6%.
Giá quặng sắt Đại Liên tăng nhẹ do lo ngại về việc hạn chế sản lượng của Trung Quốc. Cụ thể, giá quặng sắt Đại Liên hợp đồng giao tháng 1/2024 chốt phiên tăng 0,1% lên 723 CNY/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt tháng 9/2023 tăng tăng 1,1% lên 101,40 USD/tấn.
Chính sách giới hạn sản lượng năm 2023 ở mức của năm ngoái “sẽ khiến các nhà máy thép thận trọng hơn trong việc thu mua nguyên liệu thô”, các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thép của Trung Quốc hầu hết đều yếu hơn. Thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,5%, trong khi thép cuộn cán nóng và thanh thép đều mất 0,4%. Thép không gỉ tăng 0,1%.
Tồn kho của 5 sản phẩm thép chủ chốt tại 247 nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục tăng, không chỉ do nhu cầu giảm khi điều kiện thời tiết bất lợi mà còn do sự suy yếu giá liên tục trên thị trường giao ngay.
Đường thô tăng nhẹ
Giá đường tăng lên do tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thiếu hụt trong mùa 2023-2024. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,26 US cent hay 1,1% lên 23,71 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2023 tăng 7,60 USD hay 1,1% lên 687,10 USD/tấn.
Các nhà phân tích thị trường đường dự kiến trong niên vụ tới thị trường sẽ thâm hụt toàn cầu lần thứ hai liên tiếp do sản lượng gần kỷ lục từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil sẽ không đủ để bù đắp sản lượng giảm ở những nơi khác.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 0,6 US cent hay 0,4% còn 1,6075 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 16 USD hay 0,6% còn 2.543 USD/tấn. Brazil đã xuất khẩu 2,69 triệu bao cà phê nhân ra nước ngoài trong tháng 7, cao hơn 22,3% so với cùng tháng một năm trước, tập đoàn công nghiệp Cecafe cho biết.
Các đại lý cho biết vụ thu hoạch arabica ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil đang bước vào giai đoạn cuối cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi và dự kiến nguồn cung sắp tới sẽ ồ ạt vào thị trường.
Nông dân Brazil dự kiến sẽ sản xuất 65,8 triệu bao cà phê loại 60 kg trong năm nay, nhà phân tích HedgePoint Global Markets cho biết hôm thứ Ba, tăng so với dự kiến trước đó là 63,8 triệu bao nhờ năng suất nông nghiệp tốt hơn mong đợi ở một số khu vực sản xuất ở Brazil.