Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa hôm qua (06/10) với diễn biến phân hoá trên bảng giá. Lực mua tiếp tục gia tăng trên nhóm năng lượng và kim loại. Trong khi đó, sắc đỏ chiếm ưu thế đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp.
Nội dung
Giá dầu tăng phiên thứ 4 liên tiếp, đà tăng mạnh nhất kể từ tháng 5
Giá dầu tăng phiên thứ 4 liên tiếp, ghi nhận đà tăng mạnh nhất kể từ tháng 5. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 06/10, giá WTI tăng 0,79% lên 88,45 USD/thùng và giá Brent tăng 1,12% lên 94,42 USD/thùng.
Một ngày sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+, một loạt các tổ chức lớn đồng loạt nâng dự báo giá dầu. Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu trong cuối năm nay từ 100 USD/thùng lên 115 USD/thùng, trong khi đó Morgan Stanley cho rằng giá Brent sẽ quay trở về ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I năm sau. Theo nhiều ước tính, sản lượng thực tế sẽ giảm khoảng 600.000 thùng/này – 1,1 triệu thùng/ngày, do chỉ có một vài quốc gia như Saudi Arabia, UAE, Kuwait cần phải cắt giảm sản lượng để tuân thủ hạn ngạch. Theo Morgan Stanley, quyết định của OPEC+ có thể đẩy thị trường trở lại trạng thái thâm hụt 0,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Tuy vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế khi Mỹ cho biết họ sẽ tìm các giải pháp để hạ nhiệt thị trường. Giá nhiên liệu tăng cao đã là một trong các nguyên nhân chính đẩy lạm phát lên mức đỉnh 40 năm, gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, giải pháp khả thi nhất là tiếp tục mở kho dầu dự trữ chiến lược. Nhà Trắng cũng chưa hoàn toàn bác bỏ phương án cấm các công ty trong nước xuất khẩu xăng dầu.
Trong khi đó, EU đã thông qua gói cấm vận thứ 8, nhằm trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập 4 tỉnh Ukraine. Tuy vậy, EU vẫn chưa thống nhất được cơ chế để áp đặt trần giá lên dầu Nga. Phát biểu duy nhất liên quan đó là mức trần giá sẽ phải thấp hơn giá thị trường hiện tại, nhưng vẫn đủ cao để Nga muốn bán dầu ra thị trường.
Theo MXV, thị trường dầu ngày càng trở nên phức tạp với sự can thiệp của các khối, nhóm nước, giá dầu có thể sẽ quay trở lại trạng thái biến động mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi vẫn còn nhiều yếu tố khó có thể kiểm soát, như độ khắc nghiệt của mùa đông năm nay hay tình hình dịch Covid-19 của Trung Quốc liệu có cải thiện để nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu gia tăng trở lại hay không.
Sắc đỏ bao trùm bảng giá nông sản
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/10, khô và dầu đậu tương đã đóng cửa trái chiều nhau. Dầu đậu tương là mặt hàng nông sản duy nhất tăng giá trong khi khô đậu sụt giảm dưới mức 400 USD/tấn. Giá đậu tương đã quay trở lại đà giảm mạnh và phá vỡ vùng đáy được thiết lập vào đầu tháng 8. Trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ đang suy yếu vẫn là yếu tố tạo áp lực lên giá thì những số liệu trong báo cáo Cung – cầu nông sản Brazil được CONAB công bố vào tối qua càng thúc đẩy lực bán đối với mặt hàng này.
Cụ thể, sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 22/23 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 152,35 triệu tấn, tăng mạnh tới hơn 20% so với niên vụ trước. Đây là báo cáo đầu tiên trong năm đề cập tới các số liệu cho mùa vụ 22/23 đang được gieo trồng của quốc gia Nam Mỹ này nên sẽ đóng vai trò khá quan trọng trong việc xác định xu hướng giá.
Trong khi đó, giá ngô đã sụt giảm sau 4 phiên liên tiếp tăng giá. Ở báo cáo mới nhất, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) đã đưa ra các mức dự báo tích cực đối mùa vụ mới của nước này. Cụ thể, CONAB dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Brazil sẽ đạt mức 126,94 triệu tấn, cao hơn 12,53% so với mức 112,81 triệu tấn trong niên vụ trước. Bên cạnh đó, đáng chú ý là xuất khẩu ngô được dự báo sẽ tăng đến 21,62% so với niên vụ 2021/22 lên mức 45 triệu tấn. Điều này cho thấy CONAB có góc nhìn tích cực đối với tình hình bán hàng của Brazil, nhất là khi nước này đang dự định sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm nay. Ngoài ra, trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần ngày hôm qua, trong tuần kết thúc vào ngày 29/09, bán hàng ngô niên vụ 2022/23 đã giảm 55,7% so với tuần trước đó xuống còn 227.045 tấn. Lũy kế bán hàng ngô tính đến thời điểm hiện tại cũng đang thấp hơn 50,3% so với cùng kỳ niên vụ trước. Đây là những yếu tố đã gây áp lực lên giá ngô CBOT trong ngày hôm qua.
Tương tự ngô, lúa mì cũng đã suy yếu trong phiên vừa rồi với mức giảm hơn 2,5%.
Cũng trong báo cáo hàng tháng của CONAB, cơ quan này đang dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2022/23 của Brazil sẽ đạt 9,36 triệu tấn, cao hơn 21,88% so với niên vụ trước. Đáng chú ý là số liệu của CONAB cũng tích cực hơn so với mức 8,7 triệu tấn mà USDA dự báo trong báo cáo Cung – cầu tháng 09. Lúa mì là mặt hàng nông sản chính duy nhất mà Brazil không thể tự cung tự cấp được. Việc sản lượng đang dần được cải thiện qua từng niên vụ sẽ giúp cho nguồn cung của nước này được đảm bảo và gây sức ép lên giá.
Cao su Nhật Bản tiếp tục tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi sự gia tăng của chứng khoán trong nước và giá dầu, mặc dù giao dịch vẫn yếu do đợt nghỉ lễ ở Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,1 JPY hay 0,9% lên 232,0 JPY (1,61 USD)/kg. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,7%.
Thị trường cao su tự nhiên hưởng lợi từ giá dầu mạnh thúc đẩy các nhà sản xuất rời xa cao su tổng hợp vốn bắt nguồn từ dầu mỏ.
Tại Singapore giá cao su giao tháng 11 tăng 1,7% lên 137,8 US cent/kg.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 6,95 US cent hay 3,1% xuống 2,177 USD/lb do mưa tại Brazil đã cải thiện triển vọng vụ mùa năm tới tại nước sản xuất hàng đầu thế giới này.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi nguồn cung ngắn hạn khan hiếm bắt nguồn từ xuất khẩu giảm ở Brazil và Colombia.
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã cắt giảm dự báo vụ cà phê năm nay, trong khi sản lượng cà phê của Colombia giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 33 USD hay 1,5% xuống 2.140 USD/tấn.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục ảm đảm trong tuần này do các kho dự trữ cạn kiệt và do nguồn cung từ niên vụ mới chưa sẵn có cho tới tháng sau.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 46.600 – 47.000 đồng (1,95 – 1,97 USD)/kg, giảm từ mức 46.400 – 47.400 đồng một tuần trước.
Một thương nhân tại vành đai cà phê này cho biết giá của vụ thu hoạch sắp tới vẫn chưa được thiết lập. Nó phụ thuộc vào thời tiết tháng tới mặc dù tình trạng hiện nay thuận lợi cho cây trồng.
Một thương nhân khác cũng ở khu vực ngày cho biết vụ thu hoạch được dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 11 với sản lượng khoảng 30 triệu bao, 60 kg/bao.
Tại Indonesia, giá cà phê ở tỉnh Lampung không đổi so với tuần trước. Một thương nhân đã chào bán cà phê ở mức trừ lùi 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn ICE, London, một người khác chào bán ở mức trừ lùi 30 – 40 USD/tấn với cùng hợp đồng kỳ hạn tháng 11. Indonesia đã xuất khẩu 35.952,5 tấn cà phê robusta Sumatran trong tháng 8, hơn gấp đôi lượng xuất khẩu trong cùng tháng năm trước.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,51 US cent hay 2,8% lên 18,46 US cent/lb.
Các đại lý cho biết mưa tại khu vực trung nam Brazil đã làm gián đoạn sản xuất đường và giúp hỗ trợ giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 16,7 USD hay 3,1% lên 551,3 USD/tấn.