Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần (6/5), chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng gần 1% lên 2.288 điểm, đánh dấu ngày hồi phục thứ 2 liên tiếp sau chuỗi giảm mạnh 4 ngày. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.900 tỷ đồng, phân bổ tương đối đồng đều ở 3 nhóm nông sản, kim loại và năng lượng.
Nội dung
Giá dầu ổn định
Giá dầu thô gần như không thay đổi vào thứ Hai do thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel.
Cả hai loại dầu thô chủ chốt đều tăng 37 cent, tương đương 0,5%, với giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai ở mức 83,33 USD/thùng và dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ ở mức 78,48 USD/thùng.
Trong suốt phiên giao dịch, giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu – đã tăng, đến cuối phiên quay đầu giảm do triển vọng ngừng bắn.
Lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, ngày 6/5 thông báo với các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập rằng phong trào Hồi giáo của người Palestine này đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn ở Gaza sau gần 7 tháng xung đột với Israel.
Lúa mì bật tăng, chạm mốc cao nhất từ cuối 2023
Với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt ghi nhận các mức tăng từ 1,9%, nhóm nông sản đóng vai trò dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong ngày hôm qua (6/5). Trong đó, lúa mì Chicago tăng mạnh nhất, chốt ngày tăng hơn 4% lên 238 USD/tấn, chạm mốc cao nhất kể từ cuối năm ngoái. MXV cho biết, lực mua đối với lúa mì được thúc đẩy mạnh mẽ trước lo ngại về nguồn cung tại Nga.
Miền nam nước Nga tiếp tục trải qua thời tiết khô hạn trong tuần vừa rồi, trong khi vùng Volga ghi nhận sự xuất hiện của sương giá tháng 5. Một số chuyên gia cảnh báo, thời tiết khắc nghiệt như giai đoạn gần đây có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ lúa mì năm nay của Nga, hiện đang trong giai đoạn phát triển năng suất. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của nước này trong tháng 4 cũng chững lại khi chỉ có 4,6 triệu tấn lúa mì được xuất đi, giảm 0,2 triệu tấn so với tháng trước. Những thông tin tiêu cực về nguồn cung từ Nga đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với lúa mì.
Nhờ hỗ trợ từ diễn biến giá lúa mì, cũng như tình hình mùa vụ tiêu cực ở Brazil, giá ngô cũng đã đóng cửa phiên đầu tuần với mức tăng gần 2%, qua đó ghi nhận ngày thứ 4 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh.
Tại Brazil, những cơn mưa xối xả trong tuần vừa rồi ở bang Rio Grande do Sul đã làm gián đoạn hoạt động thu hoạch ngô, vốn đang ở giai đoạn kết thúc. Tính tới ngày 02/05, tiến độ thu hoạch ngô ở bang đạt 83% kế hoạch, chỉ tăng 1 điểm phần trăm so với một tuần trước, cho thấy tác động tiêu cực của mưa lũ đối với vụ ngô của Rio Grande do Sul. Mưa lớn kéo dài cũng đe dọa làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng.
Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nước này đã giao 1,29 triệu tấn ngô niên vụ 23/24 trong tuần kết thúc ngày 02/05, giảm nhẹ so mức 1,3 triệu tấn của một tuần trước. Việc khối lượng giao hàng hàng tuần tiếp tục đạt trên mốc 1 triệu tấn cho thấy nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, và đã hỗ trợ giá ngô.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 6/5, giá lúa mì EU và Nam Mỹ chào bán tại cảng Cái Lân tương đối ổn định, giao động trong khoảng 6.500 – 6.550 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý II năm nay. Trong khi đó, giá chào bán lúa mì Nam Mỹ đồng loạt tăng tại cả khu vực miền Nam và miền Bắc. Cụ thể, đối với kỳ hạn giao quý III, giá chào bán tại cảng Vũng Tàu ở mức 6.400 – 6.500 đồng/kg. Giá chào bán tại cảng Cái Lân cao hơn khoảng 100 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 kết thúc giảm 5,55 cent, tương đương 2,8%, xuống 1,952 USD/lb, mức thấp nhất trong một tháng. Hợp đồng này đã mất 10% vào tuần trước.
Các đại lý cho biết thị trường cà phê arabica có vẻ yếu do các quỹ thanh lý vị thế mua, cũng như chịu ảnh hưởng giảm giá từ thị trường cà phê Robusta.
Dự báo thời tiết ở những vùng trồng cà phê của Việt Nam sẽ có mưa, có thể cải thiện tình hình mùa màng.
Giá ca cao kỳ hạn tại New York giảm gần 7% vào thứ Hai, tiếp tục trượt dốc sau một thời gian tạm dừng giảm vào thứ Sáu, do thị trường có vẻ yếu về mặt kỹ thuật và các quỹ tiếp tục thanh lý các vị thế.
Cacao kỳ hạn tháng 7 trên sàn New York kết thúc phiên giảm 557 USD, tương đương 6,8%, xuống 7.588 USD/tấn. Hợp đồng này đã mất 23% vào tuần trước.
Các đại lý cho biết sự trượt giá chủ yêu do các quỹ ồ ạt thanh lý các vị thế mua, một phần bởi các cuộc gọi ký quỹ tăng lên trên sàn giao dịch.
“Ca cao giảm trong bối cảnh triển vọng tốt hơn cho vụ giữa vụ (ở Châu Phi) và hoạt động bán hàng kỹ thuật”, Rabobank cho biết trong một ghi chú.
Lượng ca cao đến các cảng ở Bờ Biển Ngà kể từ khi bắt đầu mùa vụ (1/10) đến ngày 5/5 đạt 1,379 triệu tấn, giảm 29,1% so với cùng kỳ mùa trước.
Kim loại lấy lại đà tăng giá
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 6/5, sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá các mặt hàng được hỗ trợ nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn khi xung đột ở Trung Đông diễn biến căng thẳng đồng thời áp lực vĩ mô cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Chốt ngày, giá bạc tăng 3,46% lên 27,61 USD/ounce. Tuy nhiên, giá bạch kim giảm nhẹ 0,04% chủ yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư.
Loạt dữ liệu kinh tế gần đây đang chỉ ra nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu năm. Hoạt động sản xuất và dịch vụ của nước này đều thu hẹp trong tháng 4, trong khi đó, báo cáo bảng lương cho thấy Mỹ chỉ tạo thêm 175.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% từ mức 3,8%. Theo đó, bức tranh kinh tế yếu của Mỹ đã gây áp lực lên đồng USD, đồng thời củng cố lực mua đối với bạc.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và giá quặng sắt đồng loạt tăng nhờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục kích thích kinh tế. Chốt ngày, giá đồng tăng 1,27%. Giá quặng sắt tăng 1,95% lên 119,62 USD/tấn.
Trong cuộc họp mới nhất, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ nghiên cứu các biện pháp mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở kéo dài, đây vốn là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế nước này. Đồng thời, các nhà chức trách cũng ám chỉ khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá đồng cũng được hưởng lợi sau khi ngân hàng Goldman Sachs nâng dự báo giá đồng lên 12.000 USD/tấn vào cuối năm nay, từ mức 10.000 USD/tấn trong dự báo trước, nguyên nhân là do thị trường đồng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung và có nguy cơ thâm hụt lớn hơn.
Cụ thể, thị trường đồng tinh chế có nguy cơ thiếu hụt 454.000 tấn trong năm nay, tăng từ 428.000 tấn trong dự báo trước. Năm 2025, thị trường đồng dự kiến thâm hụt 467.000 tấn, so với thâm hụt 413.000 tấn trong dự báo trước.
Trên thị trường nội địa, ngày 2/5 vừa qua, một số thương hiệu thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh tăng giá nhờ các tín hiệu tích cực hơn về triển vọng tiêu thụ. Hiện giá thép cuộn CB240 dao động quanh mức 14,24 triệu đồng/tấn, giá thép thanh D10 CB300 ở khoảng 14,44 triệu đồng/tấn