1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 14/12/2023: Thị trường dầu phục hồi, nhóm nông sản ‘đua nhau’ giảm giá

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch hôm qua (13/12). Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá đã kéo chỉ số MXV- Index giảm 0,13% xuống 2.083 điểm, nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. 

Đáng chú ý, bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày hôm qua phân hóa rõ rệt và có sự tương phản. Trong khi toàn bộ giá của 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đều đi lên thì sắc đỏ lại phủ kín bảng giá nhóm nông sản.

Nội dung

Tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh, giá dầu hồi phục

Kết thúc ngày giao dịch 13/12, giá dầu phục hồi hơn 1% từ mức thấp nhất trong 5 tháng do tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh. Ngoài ra, lực mua mạnh mẽ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ổn định và phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,25% lên 69,47 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 74,26 USD/thùng, tăng 1,39% so với phiên trước.

Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8/12 giảm 4,25 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 700.000 thùng của giới phân tích và mức giảm 2,3 triệu thùng theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API). Trong khi đó, tồn kho xăng cũng chỉ tăng nhẹ 409.000 thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo thêm 1,9 triệu thùng và báo cáo tăng 5,8 triệu thùng của API. Đáng chú ý, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, bất ngờ tăng mạnh 1,46 triệu thùng lên 21,07 triệu thùng.

Hơn nữa, sau cuộc họp kéo dài hai ngày 12 – 13/12, FED đã quyết định giữ lãi suất chính sách ổn định lần thứ 4 liên tiếp ở mức 5,25 – 5,5%, đồng thời đưa ra các dự báo kinh tế mới cho thấy chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc và chi phí đi vay sẽ thấp hơn trong năm 2024. Cụ thể, 17 trong số 19 quan chức FED gần như nhất trí với dự báo chi phí đi vay sẽ thấp hơn vào cuối năm 2024, với dự báo trung bình cho thấy lãi suất sẽ giảm 75 điểm cơ bản so với hiện tại. Áp lực lãi suất cao giảm bớt sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, củng cố lực mua trên thị trường.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, mới đây, trong báo cáo tháng 12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 và 2024 lên 2,4% và 1%, từ mức 2,3% và 0,9%. Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong 2023 được đánh giá lạc quan hơn với mức điều chỉnh tăng 20.000 thùng/ngày lên 1,16 triệu thùng/ngày. Hoạt động di chuyển mạnh mẽ và nhu cầu dầu cho hoạt động lọc dầu cao đã khiến OPEC cho rằng mức tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ quay trở về mức trước đại dịch, bất chấp nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Sắc đỏ bao trùm bảng giá hàng nông sản

Chốt ngày giao dịch hôm qua, tất cả các mặt hàng nhóm nông sản đều giảm giá. Trong đó, giá đậu tương ghi nhận phiên lao dốc thứ hai liên tiếp sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/12, với mức giảm lên tới 1,23%. Áp lực bán duy trì ngay khi vừa mở cửa, trong bối cảnh nguồn cung từ Nam Mỹ đón nhận những thông tin khả quan.

Dự báo thời tiết cho biết sẽ có mưa ở những vùng trồng đậu tương trọng điểm của Brazil trước đó đã phải vật lộn với khô hạn từ đầu mùa gieo trồng. Lượng mưa này dự kiến sẽ giúp nông dân đẩy nhanh tốc độ gieo sạ, đồng thời ngăn chặn sự suy giảm chất lượng và năng suất của các diện tích đã trồng. Thông tin này xoa dịu lo ngại của thị trường về triển vọng mùa vụ ở nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, và đã khiến giá giảm mạnh.

Vào ngày hôm qua, chính phủ của tân Tổng thống Argentina Javier Milei đã công bố những thay đổi về chính sách kinh tế nông nghiệp đầu tiên. Cụ thể, chính sách tỷ giá hối đoái ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị bãi bỏ. Thay vào đó, Milei quyết định phá giá đồng nội tệ từ 366 ARS/USD xuống 800 ARS/USD. Về lý thuyết, điều này giúp nông dân Argentina thu được nhiều nội tệ hơn nhờ xuất khẩu nông sản so với chính sách tỷ giá hối đoái ưu đãi. Điều đó dự kiến giúp thúc đẩy mạnh việc xuất khẩu ngũ cốc ở Argentina trong thời gian tới, đồng thời gây áp lực lên giá đậu tương.

Giá khô đậu tương và giá dầu đậu tương cũng đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua, với mức giảm lần lượt là 1,97% và 1,17%. Giá hai mặt hàng này cũng chịu áp lực lớn bởi sự thay đổi chính sách ở Argentina, khi đây là nước xuất khẩu khô đậu và dầu đậu lớn nhất trên thế giới.

Giá ngô hợp đồng tháng 3 đã quay trở lại suy yếu trong phiên giao dịch ngày 13/12. Sau giai đoạn diễn biến tương đối thận trọng trong đầu phiên, giá đã sụt giảm mạnh khi thị trường phản ứng với các tin tức liên quan đến nguồn cung tại Nam Mỹ.

Mới đây, tân Tổng thống Javier Milier của Argentina đã công bố các biện pháp kinh tế đầu tiên của chính phủ mới, bao gồm việc phá giá hơn 50% đồng peso của nước này. Với tỷ giá hối đoái chính thức của Argentina giảm mạnh, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia này sẽ rẻ hơn. Với vị thế là nhà cung cấp ngô lớn thứ ba thế giới, chính sách mới của Argentina dự kiến sẽ gây sức ép cạnh tranh lớn tới nguồn cung ngũ cốc từ các nhà xuất khẩu lớn trên toàn cầu như Mỹ và Brazil. Đây là yếu tố đã góp phần tác động tới giá ngô CBOT.

Trong khi đó, lúa mì cũng đã lao dốc trong phiên hôm qua sau khi ghi nhận phiên hồi phục mạnh trước đó. Giá đóng cửa với mức giảm hơn 3%.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày hôm qua (13/12), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam đi ngang. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 13.200 – 13.250 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.100 – 13.250 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.

Lo ngại về dư cung đẩy nhôm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng

Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 15 tháng do dự đoán dư cung trong khi các kim loại cơ bản bị áp lực giảm bởi đồng USD mạnh hơn.

Nhôm giao sau 3 tháng tăng 1% lên 2.142 USD/tấn vào cuối phiên. Giá kim loại này trước đó đã xuống tới 2.109 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 28/9/2023. Số liệu của LME cho thấy vị thế bán ròng nhôm của các quỹ ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Một khảo sát của Reuters công bố trong tháng 11  cho thấy giới phân tích dự kiến trung bình dư thừa 338.000 tấn nhôm trong năm nay và 250.000 tấn trong năm 2024. Nguồn cung nhôm toàn cầu ước tính lần lượt ở mức 70 triệu và 72 triệu tấn trong năm nay và năm tới.

Dự đoán nguồn cung nhôm dồi dào trong hệ thống LME có thể được thấy qua mức trừ lùi giá của nhôm giao ngay và hợp đồng giao sau 3 tháng. Mức trừ lùi mới nhất khoảng 40 USD/tấn.

Cũng gây sức ép lên các kim loại cơ bản là Trung Quốc thiếu những kích thích mới trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng giảm 0,2% xuống 8.340 USD/tấn, kẽm giảm 0,1% xuống 2.427 USD/tấn.

Giá quặng sắt giảm do các nhà đầu tư trở nên cảnh giác với những rủi ro giá giảm có thể xảy ra sau khi gói kích thích được công bố một ngày trước đó trong cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc thấp hơn dự kiến.

Quặng sắt giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Singapore giảm 2,06% xuống 133,3 USD/tấn.

Hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,35% xuống 948 CNY (131,94 USD)/tấn.

Giới phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm thị trường thất vọng khi không có bất kỳ lời kêu gọi nào về các biện pháp kích thích lớn.

Truyền thông nhà nước cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong năm 2024, trích dẫn Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên được tổ chức trong ngày 11-12/12.

Tại Thượng Hải giá thép giảm do hỗ trợ chi phí giảm và nhu cầu yếu sau đợt lạnh mới nhất làm gián đoạn hoạt động xây dựng tại nhiều khu vực ở miền bắc Trung Quốc. Thép thanh giảm 1,38%, thép cuộn cán nóng giảm 1,89% và dây thép cuộn giảm 1,93%.

Cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng ở Thượng Hải

Giá cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng tại thị trường Thượng Hải trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu yếu hơn tại Trung Quốc và do các thông báo quan trọng tại cuộc họp thiết lập chương trình nghị sự không đáp ứng được với dự đoán của các nhà đầu tư.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,5 JPY hay 1,9% xuống 238,0 JPY (1,6 USD)/kg.

Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 1/2024 giảm 145 CNY xuống 13.405 CNY (1.866 USD)/tấn.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa tăng 45 USD hay 1,7% lên 2.769 USD/tấn sau khi đạt 2.810 USD/tấn, cao nhất 15 năm.

Các đại lý cho biết thời tiết ấm và khô tại một số nơi ở Brazil, nhà sản xuất robusta thứ 3 là vấn đề liên quan tới khí hậu mới nhất đối với loại cà phê này sau các nhà sản xuất lớn khác như Indonesia và Việt Nam cũng đã báo cáo những vẫn đề trước đây.

Độ ẩm của đất tại bang Espirito Santo, Brazil, bang sản xuất cà phê robusta hàng đầu của nước này, hiện nay ở mức thấp nhất trong 7 năm.

Tuy nhiên, ngân hàng Rabobank của Hà Lan lưu ý rằng xuất cà phê robusta được chờ đợi từ lâu từ nhà sản xuất số một thế giới, Việt Nam bắt đầu diễn ra.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2024 tăng 3,4 US cent hay 1,8% lên 1,8865 USD/lb sau khi đạt mức đỉnh 7 tháng tại 1,9195 USD/lb.

Nông dân tại Brazil không vội bán do họ đã chốt giao dịch vào tuần trước với giá cao hơn, trong khi thời tiết bất ổn và thời điểm cuối năm đang đến gần.

Đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa giảm 0,62 US cent hay 2,7% xuống 21,97 US cent/lb sau khi thiết lập mức thấp nhất 8,5 tháng trong phiên liền trước

Citi cho biết đợt bán tháo gần đây mang đến cơ hội mua vào.

Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2024 giảm 12,1 USD hay 1,9% xuống 627,6 USD/tấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *