Bản tin thị trường hàng hóa ngày 4/7/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 4/7/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (03/7), chỉ số hàng hóa MXV-Index chỉ suy yếu nhẹ 0,05% xuống 2.172 điểm, phản ánh diễn biến phân hóa của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng gấp đôi của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt 7.948 tỷ đồng.
Nội dung
Giá dầu đảo chiều giảm
Đà tăng của giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 03/7 đã bị xoá sạch trong phiên tối, khiến cho dầu thô đóng cửa trong sắc đỏ, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Lo ngại về rủi ro tăng trưởng, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, đã lấn át hàng loạt các rủi ro từ phía nguồn cung và kéo giá dầu suy yếu.
Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 1,2%. Dầu Brent chốt phiên ở mức 74,65 USD/thùng, giảm 1,01% so với phiên trước đó.
Hàng loạt các thông tin từ phía nguồn cung từ các nước sản xuất chính đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, mọi mức tăng đều đã bị phá vỡ, giá dầu đảo chiều giảm trở lại nửa cuối phiên giao dịch trong bối cảnh dữ liệu sản xuất yếu kém tại Mỹ và Châu Âu vào tháng 6 đã làm gia tăng rủi ro suy thoái, hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Cụ thể, dữ liệu từ Viện Quản lý và Cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 6, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất đã giảm xuống 46, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, và thấp hơn mức dự đoán 47 điểm của các chuyên gia kinh tế.
Bức tranh tương tự, hoạt động sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) cũng suy yếu trong tháng 6, với PMI sản xuất giảm xuống mức 43,4 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2020, trước sức ép lãi suất liên tục tăng cao.
Áp lực tăng trưởng đè nặng lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô sụt giảm. Lo ngại này hoàn toàn lấn át các rủi ro từ phía nguồn cung trước đó và kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên tối.
Cà phê Arabica hồi phục sau khi xuống mức thấp nhất 6 tháng
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, sắc xanh hoàn toàn bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Đáng chú ý, giá dầu cọ đã tăng mạnh hơn 5% trong ngày hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, nhờ được hỗ trợ từ diễn biến dầu đậu tương. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đã cho biết diện tích trồng đậu tương năm 2023 của Mỹ thấp hơn rất nhiều so với dự đoán của thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và khiến dầu đậu tương bật tăng mạnh. Ngoài ra, căng thẳng xung quanh thỏa thuận biển Đen giữa Nga và Ukraine, các nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn, cũng hỗ trợ giá.
Sau 7 phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên và chốt ngày hôm qua với mức tăng 2,33%. Lực mua bắt đáy kết hợp cùng biến động thời tiết tại Ấn Độ là nguyên nhân khiến giá tăng mạnh.
Văn phòng thời tiết Ấn Độ cho biết, gió mùa hàng năm đã bao phủ toàn bộ đất nước sớm hơn 6 ngày so với thường lệ, nhưng tổng lượng mưa thấp hơn 10% so với mức trung bình cho đến thời điểm này trong mùa. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cây trồng như mía đường, làm dấy lại lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, giá Arabica tăng gần 1% sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng vào cuối tuần trước. Nguồn bổ sung cà phê trong tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE còn hạn hẹp, hỗ trợ giá lấy lại đà tăng.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tính đến hết ngày 30 tháng 06 ở mức 544.915 bao loại 60kg, giảm nhẹ 1.735 bao so với 1 tuần trước đó. Hiện có 3.989 bao đang chờ phân loại để có thể bổ sung vào các kho lưu trữ trong thời gian tới.
Tương tự, những hỗ trợ về mặt kỹ thuật cùng lo ngại thiếu hụt nguồn cung ở hiện tại, khiến giá cà phê Robusta tăng gần 2% trong phiên đầu tuần.
Tại Indonesia, xuất khẩu cà phê Robusta dạng hạt trong tháng 05 đạt 13.618 tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 87,22% so với tháng 04, theo dữ liệu văn phòng thương mại địa phương.
Cùng chung xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng bật tăng mạnh trong sáng nay. Theo ghi nhận của MXV, cà phê trong nước được thu mua ở mức 64.900 – 65.500 đồng/kg, tăng mạnh 700 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Quặng sắt giảm bởi lo ngại về nhu cầu
Giá quặng sắt trên cả 2 sàn Đại Liên và Singapore giảm vào thứ Hai do các thương nhân trở nên thận trọng với nhu cầu sụt giảm sau khi trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc – Đường Sơn – ra lệnh cho các nhà máy thép địa phương giảm sản lượng nhằm nỗ lực góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã kết thúc phiên với mức giảm 1,68% xuống 819 nhân dân tệ (112,94 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 27 tháng 6.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,12% xuống 107,85 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26 tháng 6.
Giá thép cây phiên này tăng 0,56%, thép cuộn cán nóng tăng 0,42%, dây thép cuộn Stăng 0,33% và thép không gỉ ít thay đổi.
Giá đồng và nhôm tăng vào thứ Hai do hy vọng Trung Quốc gia tăng kích thích kinh tế do hoạt động chậm lại trong lĩnh vực công nghiệp của nước này, trong khi hàng tồn kho giảm cho thấy thị trường thắt chặt hơn.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) tăng 0,9% lên 8.391 USD một tấn.
Giá nhôm cũng tăng 0,3% lên 2.158 USD/tấn
Khảo sát của các nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà trong quý II khi nhu cầu suy yếu.
Tồn kho đồng tại các kho đăng ký của LME đã giảm 30% kể từ ngày 6 tháng 6 xuống còn 69.700 tấn.
Đậu tương, lúa mì và ngô tăng
Giá đậu tương Mỹ hôm thứ Hai tăng mạnh hơn sau ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy diện tích gieo trồng của nước này thấp một cách đáng kinh ngạc.
Giá ngô cũng phục hồi mang tính kỹ thuật.
Trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT), hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất tăng 21 cent lên 13,64-1/4 USD/bushel.Giá ngô cũng tăng 1/2 US cent lên 4,95-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 1/4 US cent lên 6,51-1/4 USD/bushel.
USDA đã cắt giảm ước tính diện tích trồng đậu tương năm 2023 của Mỹ xuống còn 83,5 triệu acres, giảm 4 triệu acres so với dự báo ngày 31 tháng 3 và thấp hơn một loạt các ước tính thương mại.