Bản tin thị trường hàng hóa ngày 13/6/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 13/6/2023.
Giá dầu giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm đối với nhiều loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng khác trên thế giới trong ngày hôm qua. Thị trường đang tỏ ra thận trọng trước biên bản cuộc họp của FED sẽ được công bố vào rạng sáng thứ Năm tuần này.
Đóng cửa ngày 12/06, chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 1,37% xuống 2.132 điểm. Trong đó mức giảm mạnh nhất đến từ nhóm Năng lượng, thể hiện qua chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm 3,38% xuống còn 3.076 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ, đạt 3.600 tỷ đồng.
Nội dung
Giá dầu đóng cửa thấp nhất từ tháng 12/2021
Dầu thô là mặt hàng giảm mạnh nhất và đóng vai trò dẫn dắt xu hướng giảm của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7/2023 trên Sở NYMEX đóng cửa ở mức 67,12 USD/thùng, giảm 4,35% so với cuối tuần trước. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 8/2023 trên Sở ICE giảm 3,9% xuống còn 71,84 USD/thùng, là mức thấp nhất từ ngày 20/12/2021.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ mới đây đã hạ dự báo giá dầu đi 10% do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và nguồn cung tăng lên tại các khu vực khác. Cụ thể, Goldman Sachs dự báo giá dầu WTI sẽ đạt 81 USD/thùng vào tháng 12 năm nay, so với mức 89 USD/thùng trong dự báo trước. Giá dầu Brent bị giảm dự báo từ 95 USD/thùng xuống còn 86 USD/thùng trong cùng kỳ.
Goldman Sachs cũng dự báo nguồn cung dầu toàn thế giới sẽ được bổ sung thêm khoảng 800.000 thùng/ngày, chủ yếu đến từ các quốc gia như Nga, Iran và Venezuela.
“Nguồn cung từ Nga gần như đã phục hồi hoàn toàn bất chấp việc nhiều công ty đã ngừng mua dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây”, báo cáo của Goldman Sachs viết.
Hãng tin Reuters cho biết, Pakistan đã đồng ý sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán cho đơn hàng đầu tiên nhập khẩu dầu thô chiết khấu giá rẻ từ Nga. Hàng đã được dỡ xuống cảng ở thành phố Karachi, miền nam nước này. Đây là sự kiện thách thức sự thống trị của đồng Dollar Mỹ trong hoạt động thanh toán thương mại dầu mỏ.
Nguồn cung dầu ổn định
Sản lượng dầu của Mỹ từ các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất được ghi nhận trong tháng 7, đạt mức 9,38 triệu thùng/ngày, theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12/06.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định “Trong ngắn hạn, mức sản lượng gia tăng tại Mỹ vẫn sẽ gây áp lực lên giá dầu, đặc biệt là dầu WTI, nhất là khi rủi ro suy thoái kinh tế còn tiềm ẩn”.
Tuy nhiên, về dài hạn, sự sụt giảm của các giếng khoan có thể sẽ dẫn tới mức sản lượng thấp hơn. Số lượng giếng DUC (các giếng đã khoan nhưng chưa khai thác) đã giảm 30 giếng trong tháng 5 so với tháng 4. Dữ liệu từ EIA cũng cho thấy sản lượng sẽ tăng khoảng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước, và là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất kể từ khi sản lượng được ghi nhận giảm vào tháng 12 năm ngoái.”
Nguồn cung từ Nga cũng duy trì sự ổn định, chưa có dấu hiệu cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày như tuyên bố hồi tháng 3. Tỷ lệ lọc dầu sơ cấp đạt trung bình 5,29 triệu thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng 6, cao hơn 94.000 thùng/ngày so với mức thông lượng dầu thô một tuần trước đó.
Về phía nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, mặc dù tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, nhưng Tập đoàn hàng đầu của đất nước, Saudi Aramco đã thông báo với ít nhất 5 khách hàng ở Bắc Á rằng họ sẽ nhận được đầy đủ khối lượng dầu thô được chỉ định trong tháng tới.
Trong khi đó, theo Reuters, một số nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã yêu cầu nguồn cung thấp hơn trong tháng 7, ước tính thấp hơn khoảng 10 triệu thùng so với mức yêu cầu tháng 6. “Nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung vẫn đảm bảo sẽ làm gia tăng sức ép tới giá dầu trong ngắn hạn”, ông Quang Anh cho biết thêm.
Giá xăng trong nước giữ nguyên, giá dầu giảm nhẹ
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu vẫn đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 12/6 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Giá xăng E5 RON92 vẫn giữ ở mức không cao hơn 20.878 đồng/lít. Giá xăng RON95 (loại phổ biến trên thị trường) cũng giữ nguyên mức giá không cao hơn 22.015 đồng/lít so với kỳ điều hành trước.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 85 đồng/lít, không cao hơn 18.028 đồng/lít; dầu hỏa tăng 52 đồng/lít ở mức 17.823 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut giảm 164 đồng/kg, không cao hơn 14.719 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 17 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 2 lần giữ nguyên.
Đồng giảm, quặng sắt thoái lui
Giá đồng giảm do thị trường lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc trong khi chờ cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về lãi suất, mặc dù USD yếu hơn đã hỗ trợ một phần.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,98% xuống 8.300 USD/tấn. Giá kim loại này đã đạt cao nhất một tháng trong ngày 9/6, bởi lạc quan về khả năng Trung Quốc có thêm kích thích kinh tế.
Các nhà kinh doanh cho biết phần lớn sự gia tăng của giá đồng kể từ khi xuống mức thấp nhất 6 tháng vào ngày 24/5 là do nhà giao dịch và các quỹ cắt giảm vị thế bán khống đặt cược giá giảm hơn.
Cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed bắt đầu từ 13/6, khi số liệu lạm phát trong tháng 5 của Mỹ cũng được công bố. Trong tuần này Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản tổ chức họp.
Thị trường cũng tìm chiều hướng từ số liệu của Trung Quốc về tổng tài chính xã hội, các khoản vay, đầu tư mới bằng đồng nhân dân tệ, sản xuất công nghiệp, đầu tư đô thị và giá nhà.
Giá quặng sắt giảm trong bối cảnh chốt lời, với quặng sắt tại Singapore giảm sau 8 phiên tăng liên tiếp và giá tại Đại Liên giảm từ mức cao nhất 10 tuần.
Các nhà giao dịch thận trọng trước một loạt số liệu tháng 5 của Trung Quốc được công bố trong tuần này, ví như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, số liệu cho vay của ngân hàng và giá nhà cũng như quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) về lãi suất cho vay trung hạn.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại Singapore giảm 4,8% xuống 107,2 USD/tấn.
Quặng sắt giao tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,8% xuống 785,5 CNY (109,96 USD)/tấn.
Hy vọng về một gói kích thích lớn hơn, đáng kể hơn để hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu khiến giá quặng sắt tăng bắt đầu từ cuối tháng 5.
Tuy nhiên, quặng sắt có thể vẫn được hỗ trợ khi sự chú ý chuyển sang quyết định lãi suất cho vay trung hạn của PBOC. Các nhà phân tích Goldman Sachs cho biết lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc dự kiến sẽ phải vật lộn với sự yếu kém kéo dài trong nhiều năm và các vấn đề của nó sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này.
Thép cây tại Thượng Hải giảm 1,1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,8%, dây thép cuộn giảm 1,3% và thép không gỉ tăng 0,9%.
Cao su Nhật Bản ở mức thấp nhất gần 2 tuần, đường tăng, cà phê giảm
Giá cao su Nhật Bản ở mức thấp nhất trong gần hai tuần, theo xu hướng thị trường Thượng Hải trước khi có số liệu mới trong tuần này.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,2 JPY hay 1% xuống 209,8 JPY (1,5 USD)/kg, tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp và thấp nhất kể từ ngày 2/6.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 175 CNY xuống 11.895 CNY (1.665,15 USD)/tấn.
Lạm phát bán buôn trong tháng 5 của Nhật Bản chậm lại tháng thứ 5 liên tiếp do giá nhiên liệu và hàng hóa giảm.
Giá dầu giảm khuyến khích các nhà sản xuất chuyển sang cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ khiến giá cao su tự nhiên giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,09 US cent hay 0,4% lên 25,47 US cent/lb
Các đại lý cho biết thị trường này được hỗ trợ bởi lo ngại thời tiết, hiện tượng El Nino có thể dẫn tới thời tiết khô hạn hơn bình thường tại các nhà sản xuất lớn ở Châu Á như Ấn Độ và Thái Lan, điều đó có thể hạn chế sản lượng.
Ấn Độ không xem xét cho phép xuất khẩu đường ít nhất cho đến nửa đầu của vụ tới, vì chính phủ lo ngại thời tiết El Nino có thể làm giảm lượng mưa và ảnh hưởng tới sản lượng.
Các đại lý cũng lưu ý rằng Trung Quốc có thể đang mua đường thô đã hỗ trợ giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 3,7 USD hay 0,5% lên 684,6 USD/tấn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 21 USD hay 0,8% xuống 2.681 USD/tấn.
Các nhà đầu cơ đang mở rộng vị thế mua ròng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Sản lượng tại Indonesia thấp hơn dự đoán trong khi hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa hạn chế sản lượng tại Việt Nam.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 5,15 US cent hay 2,8% xuống 1,8150 USD/lb.
Ngô, lúa mì tăng, đậu tương diễn biến trái chiều
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng sau khi lượng mưa đáng thất vọng vào cuối tuần tại vành đai trồng ngô của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tình trạng khô hạn khiến hạn chế sản lượng. Lúa mì tăng theo ngô và căng thẳng gia tăng tại khu vực xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 3-1/2 US cent lên 6,33-3/4 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 13 US cent lên 6,17-1/4 USD/bushel sau khi lên 6,23-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 21/4.
Đậu tương đóng cửa diễn biến trái chiều, với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm do nhu cầu xuất khẩu yếu và chốt lời sau khi lên mức cao nhất 4 tuần, trong khi hợp đồng đậu tương vụ mới tăng do lo lắng thời tiết khô hạn tại khu vực Midwest.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 13-3/4 US cent xuống 13,72-3/4 USD/bushel, thoái lui sau khi tăng lên 13,92-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 16/5.
Đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 4-3/4 US cent lên 12,09 USD/bushel.