1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 24/11/2022: Dầu thô gặp sức ép, giá nông sản thế giới lấy lại đà tăng

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá thêm một lần đảo chiều giảm nhẹ sau ngày giao dịch tăng mạnh trước đó. Đóng cửa hôm qua (23/11), chỉ số MXV- Index giảm 0,2% chốt ở mức 2.474 điểm.

Nội dung

Giá dầu thô sụt giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu quay đầu giảm mạnh trước thông tin về giới hạn giá mà nhóm các nước phương Tây đề xuất đối với dầu từ Nga. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX giảm 3,72% xuống 77,94 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE giảm 2,92% xuống 85,14 USD/thùng, ghi nhận mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng gần 2 tháng qua.

Thị trường Hàng hóa 24/11/2022: Dầu thô gặp sức ép, giá nông sản thế giới lấy lại đà tăng

Giá dầu liên tục giằng co nửa đầu phiên giữa một bên là những lo ngại về nguồn cung và một bên là rủi ro nhu cầu sụt giảm. Nhu cầu ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, vẫn còn yếu khi nước này tiếp tục thực hiện chặt chẽ chính sách Không Covid trong bối cảnh số ca nhiễm đang tiến gần đến mức đỉnh hồi tháng 4. Bắc Kinh cũng đã yêu cầu người dân không rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi xuất hiện thông tin về mức trần giá mà EU đề xuất đối với dầu Nga. Cụ thể, các quốc gia nhóm G7 cũng như khu vực châu Âu (EU) đang xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Urals của Nga giao đến vùng Tây Bắc châu Âu đang được  giao dịch quanh mức 62-63 USD/thùng. Mức chênh lệch không quá đáng kể, trong khi chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, nên mức trần này được kỳ vọng vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Hiện tại, nhiều quốc gia khu vực EU không đồng ý với mức trần giá này, cuộc đàm phán vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, và sẽ tiếp tục được thảo luận trong ngày hôm nay.

Áp lực bán gia tăng khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm, nhưng tồn kho xăng bất ngờ tăng mạnh 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/11, trái với dữ liệu được đưa ra từ Viện dầu khí Mỹ (API). Xuất khẩu dầu cũng chỉ tăng nhẹ 380.000 thùng lên mức 4,2 triệu thùng so với tuần trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang có phần suy yếu và do đó, thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Giá dầu chỉ được hỗ trợ nhẹ sau Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Ngoài ra, dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ chỉ tăng 2 lên 784 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 23/11, cho thấy sự khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung.

Các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng giá

Trên thị trường nông sản, toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được giao dịch trên Sở Chicago đồng loạt đóng cửa hôm qua trong sắc xanh. Sau 2 phiên suy yếu liên tiếp, giá ngô đã quay đầu hồi phục trở lại trong phiên hôm qua. Nhu cầu tiêu thụ ngô tại Mỹ cho hoạt động sản xuất ethanol duy trì ổn định là động lực tăng chính đối với giá ngô trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng của giá bị kìm hãm đáng kể bởi áp lực cạnh tranh của ngô Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol của nước này trong tuần 12/11-18/11 là  1,041 triệu thùng/ngày. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp con số này duy trì trên mức 1 triệu thùng/ngày, phản ánh nhu cầu ngô để sản xuất ethanol của Mỹ vẫn đang tương đối ổn định và đã hỗ trợ đà tăng của giá.

Thị trường Hàng hóa 24/11/2022: Dầu thô gặp sức ép, giá nông sản thế giới lấy lại đà tăng

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu khoảng 40-50 triệu tấn ngô trong năm 2023. Hơn nữa, nước này có thể xuất khẩu tới 5 triệu tấn ngô sang thị trường Trung Quốc nhờ các hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay, qua đó giúp Brazil trở thành nhà cung cấp ngô quan trọng cho Trung Quốc. Ngô Mỹ dự kiến sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc và điều này đã gây áp lực lên giá.

Giá lúa mì cũng hồi phục trong phiên hôm qua và đã chấm dứt chuỗi 5 phiên suy yếu liên tiếp. Tuy nhiên, động lực tăng của giá chủ yếu là nhờ lực mua kỹ thuật, trong khi việc lúa mì Mỹ hiện đang kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã gây sức ép đáng kể lên giá. Vì vậy, giá lúa mì chỉ ghi nhận mức tăng tương đối nhỏ, chỉ 0,25%.

Theo một số thương nhân châu Âu, xuất khẩu lúa mì của EU đã tăng vọt trong tuần này nhờ nhu cầu từ Trung Quốc có sự đột biến trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, các thương nhân trích dẫn dữ liệu từ các thỏa thuận cho thấy Trung Quốc đã mua tới 400.000-500.000 tấn lúa mì của Pháp trong tuần vừa rồi. Đáng chú ý, một số nhà máy xay xát tại Mỹ cũng đang chuyển hướng sang thị trường châu Âu, với một lô hàng 100,000 tấn lúa mì có nguồn gốc từ Đức hoặc Ba Lan đã được ký kết. Giá lúa mì tại Mỹ đang ở mức cao do sản lượng năm nay bị cắt giảm đã hạn chế nhu cầu mua hàng của các nhà máy. Đây là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm do số ca nhiễm COVID-19 tăng ở Trung Quốc làm tiêu tan hy vọng rằng nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới sẽ sớm được cải thiện.

Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,2% xuống 7.995 USD/tấn.

Các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã thắt chặt các biện pháp ngăn chặn, có khả năng kìm hãm hoạt động kinh tế.

Quặng sắt giảm mạnh

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tiếp tục giảm phiên thứ ba liên tiếp do lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới – Trung Quốc – gây áp lực nặng nề lên tâm lý thị trường.

Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (giao tháng 1) giảm 0,4% xuống 732,5 nhân dân tệ (102,44 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7% lên 95,05 USD/tấn.

Bắc Kinh đã đóng cửa các công viên và bảo tàng vào thứ Ba và Thượng Hải thắt chặt các quy tắc đối với người dân vào thành phố khi chính quyền Trung Quốc đối mặt với sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 đã làm gia tăng mối lo ngại về nền kinh tế và làm lu mờ hy vọng mở cửa trở lại nhanh chóng.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica giảm khi lượng hàng trong các kho dự trữ trao đổi tiếp tục tăng, bất chấp những điều chỉnh giảm dự đoán về với vụ mùa tiếp theo của Brazil.

Giá cà phê arabica giao tháng 3 giảm 1,95 cent, tương đương 1,2%, xuống 1,6275 USD/lb mặc dù thị trường vẫn cao hơn mức thấp nhất trong 16 tháng của tuần trước là 1,5405 USD.

Tồn kho cà phê có chứng chỉ của sàn ICE tăng lên 550.749 bao vào ngày 23 tháng 11, cao hơn mức thấp nhất trong 23 năm là 382.695 chạm tới vào ngày 3 tháng 11. Có 521.382 bao đang chờ phân loại để được thêm vào kho.

Giá cà phê robusta giao tháng 1 giảm 20 USD, tương đương 1,1% xuống 1.814 USD/tấn.

Dầu cọ tăng ngày thứ 3 liên tiếp

Giá dầu cọ Malaysia tăng phiên thứ ba liên tiếp khi các loại dầu liên quan đồng loạt tăng giá và kỳ vọng vào dữ liệu xuất khẩu của công ty vào ngày 1-25 tháng 11.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 2 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 2,50% đóng cửa phiên giao dịch buổi chiều ở mức 4.104 ringgit (897,64 USD)/tấn.

Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong giai đoạn 1-20 tháng 11 đã tăng từ 2,9% đến 9,6% so với một tháng trước đó, dữ liệu từ các nhà khảo sát hàng hóa vào đầu tuần này cho thấy.

Hợp đồng dầu cọ giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên tăng 0,55%, trong khi hợp đồng dầu đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng 0,27%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *