1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 25/8/2022: Giá dầu tăng, quặng sắt cao nhất một tuần, cà phê tăng hơn 4%

Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (24/08), mặc dù diễn biến phân hoá chia bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới thành hai nửa xanh đỏ; tuy nhiên, lực mua vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Chốt phiên giao dịch, giá dầu tăng, nhôm tăng khi nhiều nhà máy luyện đóng cửa, quặng sắt cao nhất một tuần, cà phê tăng hơn 4% bởi lo ngại về thời tiết tại Brazil, ngô tăng phiên thứ 6 liên tiếp.

Nội dung

Giá dầu duy trì đà tăng ấn tượng do nguồn cung có khả năng thu hẹp 

Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua 24/08, với WTI tăng 1,23% lên 94,89 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 101,22 USD/thùng. Các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, trở thành chất xúc tác để giá dầu liên tục tăng trong tuần này.

Dầu thô phần nào chịu áp lực sau báo cáo tối qua của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA cho thấy mặc dù tồn kho dầu thô giảm mạnh 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/08, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu đến từ lượng xuất khẩu vững mạnh, do các khách hàng châu Âu đang ráo riết bổ sung các nguồn năng lượng. Trong khi đó, tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu tiêu thụ xăng giảm đến 0,9 triệu thùng/ngày bất chấp giá xăng tại Mỹ đã giảm gần 11% so với tháng trước.

Thị trường Hàng hóa 25/8/2022: Giá dầu tăng, quặng sắt cao nhất một tuần, cà phê tăng hơn 4%

Thông tin Nga tăng sản lượng dầu và khí ngưng tụ trong tháng 7, từ mức 10,7 triệu thùng/ngày lên 10,76 triệu thùng/ngày cũng gây áp lực cho giá dầu. Bất chấp hiện tượng “tự tẩy chay”, tức là các tập đoàn năng lượng lớn tại châu Âu tự giảm các đơn hàng từ Nga ngay cả trước khi lệnh cấm vận nhập khẩu của EU đi vào hiện thực cuối năm nay, ngành dầu khí của Nga vẫn chưa cho thấy sự suy yếu đáng kể nào.

Ngày hôm qua, phía Mỹ đã chính thức đưa ra phản hồi về dự thảo hạt nhân và gửi đến Iran. Nếu các bên đạt được thỏa thuận chung, Iran sẽ được gỡ bỏ các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu và quay trở lại với thị trường dầu quốc tế. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ có cơ hội tiếp cận lại với các công nghệ, thiết bị dầu của phương Tây và các khoản đầu tư tiềm tàng để nhằm khôi phục lại ngành dầu khí, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của việc thiếu hụt đầu tư. Tuy vậy, việc Iran chưa đưa ra bất cứ phát biểu chính thức nào về số phận của thỏa thuận, khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng rằng một thỏa thuận mới vẫn chưa thể nhanh chóng hoàn thành. Hơn thế nữa, khả năng OPEC+ tiếp tục can thiệp thị trường trong trường hợp Iran quay lại xuất khẩu, thông qua hình thức cắt giảm sản lượng trong các cuộc họp tháng, cũng hỗ trợ đà tăng trong nửa cuối phiên.

Cà phê Arabica bật tăng gần 5%, dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hoá

Đáng chú ý trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, 2 mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh, cụ thể arabica tăng gần 5%, giúp giá chạm mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua và Robusta tăng gần 4% đẩy giá lên mức cao nhất kể từ 22/01.

Hai mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm khi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ thời tiết khô hạn và dự báo không khí lạnh vào cuối tháng 08 ở các vùng trồng cà phê chính tại Brazil, điều này làm dấy lên lo ngại nguồn cung niên vụ 22/23 sẽ thu hẹp do không đủ độ ẩm để duy trì sự phát triển của cà phê. Thêm vào đó, tính đến ngày 19/08, thu hoạch cà phê tại xưởng cà phê lớn nhất thế giới Cooxupe đạt 85,48% so với dự kiến, tăng khoảng 5 điểm phần trăm, nhịp điệu thấp hơn 1 chút so với tuần trước. Tiến độ này cũng thấp hơn 1 chút so với mức 85,65% cùng kỳ niên vụ trước và mức 89,17% năm 2020. Điều này biểu hiện cho sự sụt giảm về tiến độ thu hoạch so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chung xu hướng tăng với 2 mặt hàng cà phê, bông trong phiên hôm qua cũng quay đầu với mức tăng 1,64%. Nguyên nhân lý giải cho điều này đến từ việc giá dầu thô tăng hơn 1%, khiến polyester, chất thay thế chính của mặt hàng này tăng giá và kéo theo bông.

Theo dữ liệu từ Unica, sản lượng ép mía khu vực Trung Nam Brazil đạt 38,62 triệu tấn trong nửa đầu tháng 08, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng dẫn đến sản lượng đường cùng kỳ đạt 2,63 triệu tấn, giảm 12% so với năm trước đó. Càng dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Conab cũng dự báo sản lượng đường niên vụ này sẽ giảm mạnh từ 40,3 triệu tấn xuống còn 33,9 triệu tấn. Chính điều này đã thúc đẩy giá đường 11 trong phiên hôm qua tăng nhẹ gần 1%.

Bất chấp Indonesia gia hạn lệnh miễn thuế xuất khẩu đối với dầu cọ đến 31/10 với mong muốn mở rộng xuất khẩu và tăng giá dầu cọ tươi cho nông dân, giá mặt hàng này trong phiên hôm qua vẫn nối tiếp đà tăng của phiên hôm trước với mức tăng gần 2%.

Đường diễn biến trái chiều

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,15 US cent hay 0,8% lên 18,04 US cent/lb, một phần bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến tại trung nam Brazil trong nửa đầu tháng 8.

Sản lượng đường đạt tổng cộng 2,63 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ một năm trước, theo tổ chức Unica của Brazil.

Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 0,3 USD hay 0,1% xuống 549,5 USD/tấn.

Cao su giảm

Giá cao su Nhật Bản giảm theo xu hướng tại thị trường Thượng Hải, do giá dầu thô sụt giảm.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1 JPY, hay 0,4% xuống 226,7 JPY (1,66 USD)/kg.

Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1 giảm 160 CNY đóng cửa tại 12.705 CNY (1.851 USD)/tấn.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,49%.

Về phía nguồn cung, sản lượng cao su từ nhà xuất khẩu hàng đầu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi các dự báo mưa rào và lũ lụt tiếp tục khắp nước này, gồm cả các tỉnh trồng cao su phía nam.

Nhôm tăng do các nhà máy luyện đóng cửa

Giá nhôm tăng do các nhà máy luyện đóng cửa làm giảm nguồn cung, các nhà phân tích cho biết bất cứ đợt tăng nào cũng có thể bị hạn chế bởi suy thoái kinh tế đang lờ mờ hiện ra và ảnh hưởng của nó tới nhu cầu kim loại.

Một nhà máy luyện tại Slovakia tuần trước trở thành nhà máy mới nhất tại Châu Âu thông báo đóng cửa vì chi phí năng lượng cao, một nhà máy của Đức cũng đang xem xét cắt giảm sản lượng.

Trong khi đó, chính quyền tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã yêu cầu đóng cửa tạm thời các nhà máy luyện có thể sản xuất khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, với lý do hạn hán và đợt nắng nóng gần đây.

Nhưng số liệu kinh tế đang yếu, lãi suất và lạm phát đang tăng khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng, đẩy cổ phiếu toàn cầu giảm và giữ USD ở gần mức cao nhất trong 20 năm.

Trên sàn giao dịch kim loại London (LME) nhôm tăng 0,3% lên 2.430 USD/tấn. Giá kim loại này phần lớn ổn định trong những tuần gần đây sau khi giảm 40% từ mức đỉnh hồi tháng 3.

Citi cho biết công suất nhôm khoảng 1 triệu tấn đã được rút khỏi Châu Âu, trong khi 500.000 tấn khác tại Châu Âu và 200.000 – 300.000 tấn khác tại Mỹ đang bị đe dọa. Khoảng 65 – 70 tấn nhôm được sản xuất mỗi năm. Tuy nhiên, Citi cho biết nguồn cung tại Châu Á vẫn dư thừa.

Quặng sắt cao nhất một tuần

Giá quặng sắt của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất một tuần do triển vọng nhu cầu mạnh tại nước này trước mùa cao điểm xây dựng.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên quặng sắt đóng cửa tăng 2,7% lên 716 CNY (104,35 USD)/tấn và hợp đồng thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,5% lên 4.086 CNY/tấn. Cả hai hợp đồng này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 17/8.

Thêm nhiều biện pháp từ Trung Quốc để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của nước này. Ngày 22/8, Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đang có kế hoạch cung cấp khoản vay đặc biệt 200 tỷ CNY cho các nhà phát triển gặp khó khăn.

Có những dấu hiệu tồn kho quặng sắt giảm trong tuần này, Mysteel cho thấy tồn trữ tại các cảng ở Trung Quốc giảm 0,3% trong ngày 22/8 so với một tuần trước, xuống 138,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, triển vọng trong dài hạn vẫn u ám do số ca nhiễm Covid-19 phục hồi và nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm gây sức ép lên nhu cầu thép.

Tại Thượng Hải thép cuộn cán nóng tăng 2% lên 4.008 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 0,7% lên 15.465 CNY/tấn.

Ngô tăng phiên thứ 6 liên tiếp, đậu tương giảm, lúa mì tăng

Giá ngô của Mỹ tăng nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong gần hai tháng, củng cố bởi lo ngại thời tiết khô và nóng tại Midwest trong giai đoạn phát triển chính của mùa vụ.

Lúa mì mạnh, tăng phiên thứ 4 liên tiếp, trong khi đậu tương giảm do chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên giao dịch qua đêm.

Giá ngô tiếp tục đà tăng phiên thứ 6 liên tiếp nhưng đóng cửa thấp hơn mức đỉnh đêm trước, bởi áp lực một số báo cáo khả năng sản lượng mạnh tại một số khu vực sản xuát chính của Illinois và Iowa.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 2 US cent lên 6,57-1/4 USD/bushel. Giá đã đạt đỉnh tại 6,71 USD, cao nhất kể từ ngày 27/6.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 giảm 4 US cent xuống 14,57 USD/bushel và lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 tăng 12-3/4 US cent lên 8,13-1/4 USD/bushel.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *