Kết thúc ngày giao dịch 11/08, sắc xanh chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường hàng hoá khi bạc là mặt hàng duy nhất ghi nhận giá đóng cửa thấp hơn so với mức tham chiếu. Chỉ số MXV-Index nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 2,15% lên 2.676,75 điểm. Đây là mức điểm cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.
Năng lượng là nhóm dẫn dắt xu hướng trên thị trường khi giá xăng dầu tiếp tục phục hồi, trong khi giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 8%. Các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và kim loại cũng đón nhận lực mua tương đối mạnh. Cùng với đó, sắc xanh đã phủ kín bảng giá nhóm nông sản sau những diễn biến trái chiều từ phiên trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 13,2% lên mức gần 4.400 tỷ đồng.
Nội dung
Giá dầu nối dài đà tăng nhờ các báo cáo tháng quan trọng
Kết thúc phiên 11/08, giá dầu thô WTI tăng 2,62% lên 94,34 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 2,26% lên 99,60 USD/thùng.
Trong báo cáo tháng 8 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thô toàn cầu được điều chỉnh tăng 380.000 thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày, nhờ nhu cầu chuyển đổi từ khí sang dầu để chạy máy phát điện. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng giảm dự báo nguồn cung cho khu vực Bắc Mỹ và lưu ý rằng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn dễ bị gián đoạn.
Trái lại, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022. Cũng trong báo cáo tháng vừa được công bố, OPEC dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, tiêu thụ dầu ước tính cho năm 2022 của OPEC là 100,3 triệu thùng/ngày, vẫn cao hơn so với dự báo 99,7 triệu thùng/ngày của IEA cho năm 2022.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các báo cáo tháng, sức mua cũng tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngày càng trầm trọng hơn do sáu mỏ dầu khí ở Vịnh Mexico đã bị đóng cửa, sau khi một vụ rò rỉ tại một trạm tăng cường khiến cho hai đường ống dẫn dầu trong khu vực phải tạm dừng.
Giá xăng dầu giảm nhưng nhiều hàng hoá dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt
Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của liên Bộ Công Thương – Tài chính vào chiều ngày 11/08, giá xăng trong nước tiếp tục hạ nhiệt. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 về mức 23.720 đồng, tương đương với mức giảm 900 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 940 đồng về mức 24.660 đồng/lít. Đây là đợt điều chỉnh giảm lần thứ 5 liên tiếp, trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục suy yếu kể từ giữa tháng 6 cho đến nay.
Theo MXV, mặc dù giá xăng dầu trong nước đang trên đà giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn còn đang ở mức cao.
Đối với các doanh nghiệp, nhiều công ty cho rằng chi phí cho hoạt động sản xuất ghi nhận đà giảm vẫn còn hạn chế so với sự hạ nhiệt của giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải cũng tăng từ 10-15%. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm thì cước vận tải chỉ giảm 5%. Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào khác vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Điều này tiếp tục gây ra thách thức cho doanh nghiệp và giá thành sản phẩm. Do vậy, đối với người tiêu dùng, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ vẫn còn đang ở mức cao và tạo áp lực lên năng lực chi tiêu cá nhân.
Sắc xanh phủ kín trên bảng giá nông sản
Trái ngược với diễn biến giằng co của phiên trước đó, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 đã bật lên mạnh. Theo báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), lượng đậu tương Mỹ đã bán trong tuần trước tăng 16,2% so với số liệu trong báo cáo trước đó là yếu tố hỗ trợ cho giá. Về nguồn cung, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 của Argentina xuống còn 47 triệu tấn, thấp hơn mức 51 triệu tấn ước tính của USDA. Thông tin trên đã thúc đẩy lực mua đối với giá đậu tương và 2 mặt hàng thành phẩm là khô và dầu đậu.
Giá ngô đã tiếp tục tăng theo xu hướng và ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường vẫn đang kỳ vọng số liệu trong báo cáo Cung cầu tháng 08 sẽ tác động hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung do yếu tố thời tiết cũng là yếu tố hỗ trợ ngô duy trì đà tăng trong ngày hôm qua.
Tương tự ngô, lúa mì cũng đã ghi nhận phiên thứ tư liên tiếp tăng giá. Trong báo cáo mới nhất, Strategie Grains vẫn duy trì dự báo sản lượng niên vụ 22/23 của EU ở mức 123,3 triệu tấn, thấp hơn 6,5 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu lúa mì mềm của khối này trong niên vụ 22/23 bị cắt giảm xuống còn 29 triệu tấn, từ mức 30,4 triệu tấn trong báo cáo hồi tháng 07 là những thông tin đã hỗ trợ cho giá.
Lo ngại về nguồn cung thu hẹp thúc đẩy giá bông
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, sắc xanh bao phủ trên bảng giá. Dầu cọ thô dẫn đầu đà tăng của nhóm với mức tăng 3,72%, bông nối tiếp theo sau với phiên tăng thứ 3 liên tiếp do những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn.
Chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh 7% tỷ lệ tốt – tuyệt vời về mức thấp nhất trong vòng 05 trở lại đây, vẫn là nguyên nhân chính thúc đẩy khiến lực mua mặt hàng này áp đảo trong phiên hôm qua. Bên cạnh đấy, Conab, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil, điều chỉnh sản lượng bông niên vụ 21/22 tại nước này giảm nhẹ còn 2,73 triệu tấn, so với dự đoán được đưa ra trước đó, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn và thúc đẩy hơn nữa đà tăng của giá.
Hai mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì được đà tăng ổn định. Nguyên nhân chính lý giải cho sự khởi sắc này vẫn tiếp tục đến từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi tiến độ thu hoạch tại Brazil thấp hơn mức trung bình 5 năm, cùng với việc tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên So ICE US liên tục giảm mạnh.
Trong khi đó, thị trường dầu thực vật khởi sắc với mức tăng hơn 2% của dầu đậu tương trong phiên hôm qua đã kéo giá dầu cọ tăng lên.