Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, giá dầu và lúa mì cao nhất 14 năm, palađi, nickel, nhôm, đồng và kẽm đạt mức cao kỷ lục, quặng sắt cao nhất 6 tháng.
Nội dung
Giá dầu cao nhất 14 năm
Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, khi Mỹ và các đồng minh châu Âu xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, cùng với đó là ít khả năng dầu thô Iran sẽ quay trở lại thị trường toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, dầu thô Brent tăng 5,1 USD tương đương 4,3% lên 123,21 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,72 USD tương đương 3,2% lên 119,4 USD/thùng. Trong phiên cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, với dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng và dầu WTI đạt 130,5 USD/thùng.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay giá dầu toàn cầu tăng khoảng 60%, làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát đình trệ. Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – đặt mục tiêu tăng trưởng chậm hơn (5,5%) trong năm nay.
Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, giá dầu có thể tăng lên hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ hàng đầu thế giới, nước này xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% tổng nguồn cung toàn cầu.
Giá khí tự nhiên giảm hơn 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 3%, do dự báo thời tiết ít lạnh và nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York giảm 18,3 US cent tương đương 3,6% xuống 4,833 USD/mmBTU, đóng cửa phiên trước đó giá khí tự nhiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/2/2022.
Giá nickel, nhôm, đồng và kẽm đạt mức cao kỷ lục
Giá nickel tăng 90% lên mức cao kỷ lục và giá nhôm tăng cao kỷ lục lên hơn 4.000 USD/tấn, do lo ngại gián đoạn nguồn cung bởi lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga, thúc đẩy hoạt động mua vào.
Giá nhôm trên sàn London giảm 3,1% xuống 3.729 USD/tấn, trong phiên có lúc tăng lên hơn 4.000 USD/tấn.
Giá nickel trên sàn London tăng 76% lên 50.925 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt mức cao kỷ lục (55.000 USD/tấn).
Nga cung cấp cho thế giới khoảng 10% nhu cầu nickel chủ yếu dùng cho sản xuất thép không gỉ và ắc quy xe điện, và chiếm khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu, được sử dụng trong các ngành vận tải, xây dựng và đóng gói.
Tồn trữ nickel tại London chạm 76.830 tấn, giảm 70% kể từ tháng 4/2021 xuống mức thấp nhất hơn 2 năm, trong khi nhu cầu ước tính đạt khoảng 3 triệu tấn.
Tồn trữ nhôm chạm 786.475 tấn – gần mức thấp nhất 15 năm (761.950 tấn) trong tháng 2/2022.
Giá đồng trên sàn London giảm 3,9% xuống 10.260 USD/tấn, trước đó trong phiên tăng lên mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng hơn 10%. Nga chiếm khoảng 3,5% nguồn cung đồng toàn cầu.
Giá kẽm trên sàn London tăng 1,3% lên 4.065 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 4.248 USD/tấn – mức cao kỷ lục 15 năm, do chi phí năng lượng tại châu Âu tăng cao làm dấy lên lo ngại triển vọng cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, châu Âu chiếm khoảng 15% nguồn cung kẽm toàn cầu sử dụng trong mạ thép.
Giá thép tăng, quặng sắt cao nhất 6 tháng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 6 tháng, do giá dầu tăng và dự báo kinh tế hàng năm bởi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã nâng đỡ thị trường.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 7,1% lên 870 CNY (137,69 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 31/8/2021. Giá than luyện cốc tăng 8,7% lên 3.136 CNY/tấn, trước đó trong phiên tăng mạnh 12,9%. Giá than cốc tăng 7,2% lên 3.848 CNY/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 5 USD lên 159 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 4,4% lên 5.094 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,8% lên 5.380 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 10,1% lên 20.560 CNY/tấn, theo xu hướng giá nickel tăng và tăng mạnh nhất kể từ ngày 27/9/2019.
Giá cao su tại Nhật Bản thấp nhất 2 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất hơn 2 tuần, do thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm, cùng với đó là xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng trầm trọng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 2,2 JPY tương đương 0,9% xuống 253 JPY (2,2 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/2/2022 (251,1 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 13.785 CNY (2.181,79 USD)/tấn.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE ở mức 2,2425 USD/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tháng trong tuần trước đó, do lo ngại xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu cà phê giảm.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 0,14% xuống 2.035 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá đường diễn biến trái chiều
Giá đường thô giảm nhẹ, song vẫn đạt mức cao nhất 3 tháng trong đầu phiên giao dịch, khi giá dầu và giá lúa mì đạt mức cao nhất 14 năm do lo ngại gián đoạn nguồn cung bởi xung đột Nga – Ukraine.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,4% xuống 19,27 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2021 (19,89 US cent/lb).
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 0,6% lên 533,3 USD/tấn.
Giá lúa mì cao nhất 14 năm, đậu tương và ngô giảm
Giá lúa mì tại Mỹ tăng lên gần mức cao kỷ lục, do lo ngại nguồn cung toàn cầu sẽ bị gián đoạn đến khi xung đột Nga – Ukraine được giải quyết.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 85 US cent lên 12,94 USD/bushel – cao nhất 14 năm, trong phiên có lúc đạt 13,94-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 27/2/2008. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1 US cent xuống 16,59-1/2 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 3-1/2 US cent xuống 7,6-3/4 USD/bushel.
Giá lúa mì châu Âu đạt mức cao kỷ lục do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, dấy lên mối lo ngại về xuất khẩu từ khu vực biển Đen. Hai quốc gia chiếm tổng cộng 29% lượng lúa mì xuất khẩu.
Giá dầu cọ tăng 5%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 5%, do giá dầu thô tăng và tồn trữ tính đến cuối tháng 2/2022 giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 5,19% lên 6.602 ringgit (1.581,32 USD)/tấn, sau khi tăng 6,2% trong phiên.
Sản lượng dầu cọ tại những nước sản xuất hàng đầu thế giới – Indonesia và Malaysia – có thể sẽ tăng khoảng 3% trong năm nay, song sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu dầu thực vật toàn cầu.