1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 11/11/: Giá quặng sắt chạm đáy một năm

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trải qua phiên giao dịch 10/11 biến động mạnh do lạm phát tại Mỹ tăng mạnh làm dấy lên lo ngại ngân hàng trung ương nước này sẽ sớm thắt chặt tiền tệ, khiến cung tiền giảm sút và gây áp lực giảm giá lên các tài sản rủi ro như hàng hóa.

Nội dung

Dầu lao dốc do lo ngại về lạm phát

Giá dầu giảm mạnh trong phiên 10/11 do USD tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng.

Giá dầu Brent và dầu thô của Mỹ kỳ hạn tương lai đều giảm mạnh vào cuối phiên khi các nhà giao dịch bán tháo các tài sản rủi ro hơn, bao gồm cổ phiếu và hàng hóa, do dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ thực hiện các giải pháp để kiềm chế giá tăng.

Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ công bố hôm thứ Tư (10/11) cho thấy giá tại Mỹ tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tốc độ nhanh nhất trong ba thập kỷ và có thể thúc đẩy cả Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động để ngăn chặn vấn đề này. Điều đó đã thúc đẩy đồng đô la, vốn thường giao dịch ngược chiều với dầu mỏ.

Kết thúc phiên 10/11, giá dầu Brent kỳ hạn tương lai giảm 2,14 USD, tương đương 2,5%, xuống 82,64 USD/thùng, lùi xa khỏi mức cao 85,50 USD ở phiên liền trước; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 2,81 USD, tương đương 3,3%, xuống 81,34 USD, sau khi có thời điểm đạt mức cao 84,97 USD/thùng – không xa mấy so với mức cao nhất trong 7 năm đã đạt được trong vài tuần qua.


Đồng giảm mạnh do lạm phát tăng cao ở Mỹ và Trung Quốc

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do các dữ liệu cho thấy lạm phát cao ở Trung Quốc và Mỹ làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và ngân hàng trung ương sẽ sớm thắt chặt tiền tệ.

Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 9.539 USD/tấn. Mặc dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 23%, sau khi tăng 26% vào năm 2020. Tuy nhiên, giá đồng đã mất đà tăng kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 10.747,50 USD vào tháng Năm.


Lúa mì tăng do lượng dự trữ thấp, ngô và đậu tương cũng tăng

Giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên vừa qua, với lúa mì đỏ cứng vụ đông tăng lên mức cao nhất trong vòng 7-1/2 năm do lo ngại về khả năng nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Giá ngô kỳ hạn cũng tăng, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất tăng 2,6%, là mức tăng hàng ngày lớn nhất trong vòng 4 tháng. Giá đậu tương kỳ hạn tăng ngày thứ hai liên tiếp sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm dự đoán về triển vọng sản lượng đậu tương của nước này.

Kết thúc phiên, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 24-1/2 cent lên 8,03 USD/tấn, lúa mì đỏ cứng vụ đông kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 24 US cent lên 8,17-1/2 USD, có thời điểm đạt 8,19-1/2 USD, mức cao nhất đối với hợp đồng giao sau một tháng kể từ ngày 13 tháng 5 năm 2014. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 phiên này tăng 4-3/4 cent lên 12,16-3/4 USD/tấn, trong khi ngô giao tháng 12 tăng 13-1/2 cent lên 5,69-1/4 USD/tấn.


Cà phê giảm

Giá robusta kỳ hạn tháng 1 giảm giảm 11 USD xuống 2.215 USD/tấn, đảo chiều sau tăng 2,8% ở phiên liền trước.

Xuất khẩu cà phê của nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới – Việt Nam – trong tháng 10 giảm 1,1% so với tháng 9, đưa xuất khẩu trong 10 tháng giảm 4,2% so với cùng kỳ.

Giá arabica kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng giảm 1,95% xuống 2,0670 USD/lb, sau khi tăng 3,1% ở phiên liền trước.


Quặng sắt thấp nhất 1 năm, thép giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 năm do lo ngại nhu cầu tiếp tục yếu đi sau khi Trung Quốc tăng cường hạn chế sản xuất thép và cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản ở nước này ngày càng trầm trọng.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên vừa qua giảm 4,6% xuống 536,50 CNY (83,85 USD)/tấn, trước đó, trong cùng phiên có lúc giá chạm mức 518,50 CNY, thấp nhất kể từ ngày 9/11/2020.

Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 4% xuống 87,20 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm giảm tới 6,9%.

Giá thép cũng tiếp tục giảm trong phiên này. Trên sàn Thượng Hải, thép thanh vằn giảm 1,2%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,7%, riêng thép không gỉ tăng 0,6%.


Cao su quay đầu giảm do doanh số bán ô tô ở Trung Quốc thấp

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do doanh số bán ô tô ở Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới – yếu làm dấy lên lo ngại nhu cầu cao su sẽ chậm lại, trong khi đồng yên ổn định so với đô la Mỹ thúc đẩy nhà đầu tư bán cao su ra.

Kết thúc phiên 10/11, cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Osaka giảm 1,3 yên, tương đương 0,6%, xuống 220,2 yên (2,0 USD)/kg.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *