Giá dầu leo dốc vào lúc kết thúc phiên 8/9 do sản xuất ở Mỹ hồi phục chậm sau bão, trong khi nhôm tăng vì Trung Quốc siết chặt sản xuất. Trong số những hàng hóa giảm giá trong phiên vừa qua có vàng và ngũ cốc vì USD mạnh lên, cao su lao dốc bởi lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc.
Nội dung
Giá dầu tăng do sản lượng của Mỹ sau bão vẫn thấp
Giá dầu tăng trong phiên 8/9 do việc khôi phục sản xuất dầu ở Vịnh Mexico của Mỹ sau bão Ida diễn ra chậm chạp.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 91 cent, tương đương 1,3%, lên 72,60 USD, còn dầu Tấy Texas Mỹ (WTI) tăng 95 cent, tương đương 1,4% lên 69,30 USD/thùng.
Các nhà sản xuất ở vùng Vịnh vẫn đang vật lộn để khởi động lại hoạt động, 9 ngày sau khi Ida quét qua khu vực này với sức gió cực mạnh và mưa như trút nước.
Khoảng 77% sản lượng tại Vùng Vịnh Mỹ đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại, tương đương khoảng 1,4 triệu thùng/ngày. Các giếng dầu ngoài khơi của vùng Vịnh chiếm khoảng 17% sản lượng dầu Mỹ.
Lúa mì kỳ hạn giảm, đậu tương tăng, ngô đi ngang
Giá lúa mì Mỹ giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên gây lo ngại làm giảm sức cạnh tranh của lúa mì Mỹ trên thị trường xuất khẩu.
Giá ngô kỳ hạn ổn định vào lúc đóng cửa, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng lúc đầu phiên, với dự đoán sản lượng giảm làm hạn chế tác động tiêu cực từ đồng USD tăng.
Trong khi đó, giá đậu tuông tăng trở lại sau khi giảm ở 6 trong số 8 phiên giao dịch trước, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo tháng 9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 1/4 cent xuống 5,10-1/2 USD/bushel.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 3-1/4 lên 12,80-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ Đông, kỳ hạn tháng 12 giảm 10-1/4 cent xuống 7,09-1/2 USD/bushel.
Cao su thấp nhất gần 11 tháng
Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp gần 11 tháng do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Hợp đồng cao su giao tháng 2/22 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 8,2 yên, tương đương 4%, xuống 199,3 yên (1,8 USD)/kg. Trong phiên, có lúc giá xuống 198,6 yên, thấp nhất kể từ 16/10/2020.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 445 CNY xuống 13.315 CNY (2.060 USD)/tấn.
Nhập khẩu cao su (bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp) của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc.
Cà phê robusta rời khỏi mức cao nhất 4 năm
Giá cà phê Robusta quay đầu giảm giảm sau khi chạm mức cao mới chưa từng có trong vòng 4 năm do đồng đô la mạnh lên dẫn với việc giá nông sản nhìn chung đều giảm.
Theo đó, cà phê robusta giao tháng 11 giảm 24 USD, tương đương 1,1%, xuống 2.078 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt mức cao nhất trong 4 năm là 2.130 USD.
Các yếu tố cơ bản của thị trường cà phê robusta vẫn tích cực, khi nhu cầu từ các nhà rang xay đối với loại này gia tăng vì arabica đã trở nên quá đắt, trong khi các chuyến hàng từ các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, tiếp tục bị chậm trễ.
Cà phê arabica giao tháng 12 kết thúc phiên này giảm 3,75 cent, tương đương 1,9% xuống 1,902 USD/lb.
Quặng sắt biến động
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 0,1% lên 747 CNY (115,59 USD)/tấn. Tuy nhiên, trên sàn Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 – kỳ hạn giao dịch nhiều nhất – lại giảm 3,2% xuống 132,20 USD/tấn.
Giá thép phiên này cũng đồng loạt giảm. Với thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,9%, trong khi cả thép cuộn cán nóng và thép không gỉ đều giảm 1%.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Trong khi các quy định về hạn chế công suất đang được áp dụng ở Trung Quốc và sản xuất thép đang chậm lại, chúng tôi phải theo dõi mức độ tuân thủ của (các nhà máy) vì tỷ suất lợi nhuận vẫn còn hấp dẫn”.