Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, giá dầu, vàng, đồng, cao su và đường đồng loạt giảm, trong khi khí tự nhiên cao nhất 30 tháng, thép cao nhất 8 tuần.
Nội dung
Giá dầu giảm do lo ngại biến thể Covid-19
Giá dầu giảm do mối lo ngại về biến thể Covid-19 lây lan mạnh ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu nhiên liệu trở về gần mức trước đại dịch, song nguồn cung dầu thô thắt chặt đã hạn chế sự suy giảm giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 39 US cent tương đương 0,5% xuống 75,16 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 46 US cent tương đương 0,6% xuống 74,1 USD/thùng. Cả hai loại dầu tuần trước giảm khoảng 1%.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu được hạn chế bởi tồn trữ dầu thô tại quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất tiếp tục thắt chặt. Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 2/7/2021 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ tuần trước đã từ bỏ các cuộc đàm phán về việc nâng sản lượng, sau tranh cãi giữa Saudi Arabia và UAE về việc gia hạn hiệp ước.
Giá khí tự nhiên cao nhất 30 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 2% lên mức cao nhất 30 tháng, do giá khí toàn cầu tăng làm lu mờ dự báo thời tiết bớt nóng và nhu cầu điều hòa không khí trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York tăng 7,5 US cent tương đương 2% lên 3,749 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Giá đồng giảm do ảnh hưởng bởi tồn trữ tăng
Giá đồng giảm, do mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – nơi mà sự phục hồi kinh tế đang chậm lại, cùng với đó là tồn trữ tăng đã ảnh hưởng đến xu hướng thị trường.
Giá đồng trên sàn London giảm 1% xuống 9.420 USD/tấn.
Tồn trữ đồng tại London đạt 219.175 tấn và trong 3 tuần qua đã tăng gần 40%.
Giá thép cao nhất 8 tuần, quặng sắt tăng
Giá thép tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất 8 tuần, sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ được thúc đẩy bởi lo ngại về các hạn chế sản lượng tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,4% lên 5.432 CNY (839 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất (5.532 CNY/tấn) kể từ ngày 19/5/2021. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 5.828 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 5.948 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 19/5/2021. Giá thép không gỉ tăng 0,6% lên 17.305 CNY/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,5% lên 1.188,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.213 CNY/tấn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản, có hiệu lực từ ngày 15/7/2021, giải phóng khoảng 1 nghìn tỉ CNY để củng cố sự phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Giá cao su giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất 8 tháng, do lo ngại sự cải thiện mới đây trong nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biến thể Covid-19 lan nhanh như Delta.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Osaka giảm 0,4 JPY xuống 216 JPY (2 USD)/kg – gần mức thấp nhất kể từ ngày 11/11/2020.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 75 CNY xuống 13.310 CNY/tấn.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE tăng 2,5 US cent tương đương 1,7% lên 1,54 USD/lb.
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London thay đổi nhẹ ở mức 1.744 USD/tấn.
Nguồn cung cà phê robusta thắt chặt bởi xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 suy giảm.
Giá đường giảm do sản lượng Brazil cao hơn dự kiến
Giá đường giảm do sản lượng tại khu vực Trung nam Brazil cao hơn so với dự kiến và nhu cầu tiếp tục suy giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE giảm 0,29 US cent tương đương 1,7% xuống 16,99 US cent/lb.
Sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 6/2021 đạt 2,89 triệu tấn, so với nửa đầu tháng 6/2021 chỉ ở mức 2,19 triệu tấn.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 4,4 USD tương đương 1% xuống 421,7 USD/tấn.
Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng
Giá lúa mì tại Mỹ tăng do ước tính sản lượng vụ thu hoạch nội địa thấp hơn so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 25-3/4 US cent lên 6,4-3/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 16 US cent lên 5,33 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 21 US cent lên 13,5-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, do giá dầu thô giảm song dự kiến xuất khẩu giai đoạn từ 1-10/7/2021 tăng đã hạn chế đà suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 28 ringgit tương đương 0,72% xuống 3.864 ringgit (922,42 USD)/tấn, sau khi tăng mạnh 1,8% trong đầu phiên giao dịch.