1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 16/4/2021: Giá dầu, đường cao nhất một tháng; đồng đạt đỉnh 6 tuần

Giá hàng hóa nguyên liệu trên thị trường thế giới như vàng, dầu, đồng, quặng sắt, cao su đồng loạt tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi và tâm lý lạc quan về triển vọng hồi phục của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Nội dung

Giá dầu cao nhất 4 tuần do triển vọng phục hồi mạnh

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần do triển vọng nhu cầu hồi phục mạnh sau đại dịch Covid-19.

Lúc đóng cửa phiên 15/4, giá dầu Brent tăng 36 US cent, tương đương 0,5%, lên 66,94 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 31 US cent (0,5%) lên 63,46 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều kết thúc phiên ở mức cao nhất trong vòng một tháng.

Hàng loạt các yếu tố tích cực đang đẩy giá dầu tăng lên. Trong phiên này, nổi bật là việc chứng khoán Mỹ tăng điểm lên mức cao kỷ lục trong khi USD giảm mạnh.

Các dữ liệu về doanh số bán lẻ và kết quả kinh doanh lạc quan của một số công ty đã đẩy chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục. Nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Yếu tố này dự báo sẽ còn tiếp tục có lợi cho giá dầu thô trong thời gian tới.

Cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng này đều nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 lên lần lượt tăng 5,7 triệu thùng/ngày và tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021 so với năm 2020. Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần vừa qua giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng, trong đó dự trữ tại các kho ở Bờ Đông giảm xuống mức thấp kỷ lục do tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã hồi phục đến mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, là 85%.\


 

Đồng cao nhất 6 tuần do kỳ vọng nhu cầu tăng trong dài hạn

Giá đồng tăng mạnh trong phiên vừa qua do các ngân hàng đặt cược tiêu thụ kim loại này sẽ tăng trong năm nay, đồng thời tin tưởng nhu cầu trong dài hạn cũng tăng do xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,2% lên 9.278 USD/tấn, trước đó có thời điểm giá chạm mức cao nhất 6 tuần, là 9.299 USD/tấn.

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Nguyên nhân (giá tăng) có vẻ như bởi đánh giá tích cực của một số ngân hàng đầu tư, như Goldman Sachs, về triển vọng nhu cầu tiêu thụ”.

Goldman Sachs dự báo giá đồng có thể đạt 15.000 USD/tấn vào năm 2025, đồng thời nâng dự báo về giá trong 12 tháng tới lên 11.000 USD/tấn, trung bình năm 2021 là 9.675 USD/tấn.

Ngân hàng Citi hôm 12/4 cũng cho biết tiêu thụ đồng có thể “vượt xa dự báo cơ sở của chúng tôi cho năm 2021”, và khuyến nghị khách hàng nên tiếp cận với đồng vì sẽ tăng giá trong vài tuần tới.

Trong khi đó, nhập khẩu đồng vào Trung Quốc – nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới – trong tháng 3 đã tăng 25% so với một năm trước đó.


Quặng sắt hồi phục do nhu cầu mạnh

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng 4,4% trong phiên vừa qua, trong đó giá hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tương lai có mức chênh lệch lớn, giữa bối cảnh nhu cầu quặng sắt tăng lên.

Một nhà phân tích ở Đường Sơn cho biết: “Đã có những đồn đoán rằng những nơi khác như thành phố Hàm Đan ở Hà Bắc cũng sẽ thực hiện hạn chế sản xuất thép, nhưng trên thực tế họ đã không làm như vậy”. Sản xuất thép duy trì đồng nghĩa với nhu cầu quặng sắt sẽ cao.

Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép thô hàng ngày tại các nhà máy thép lớn của nước này đạt 2,3 triệu tấn trong 10 ngày đầu tháng 4, tăng 2,9% so với cuối tháng 3 và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá quặng hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc hôm 14/4 là 173,5 USD/tấn, không thay đổi so với phiên giao dịch trước. Tuy nhiên, giá quặng kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên đóng cửa phiên 15/4 tăng 3,6% lên 1.049 CNY (160,56 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao 1.057 CNY.


 

Đường thô cao nhất gần 1 tháng với lo ngại sản lượng Brazil giảm sút

Giá đường thô tiếp tục tăng mạnh thêm hơn 3% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng do giá hàng hóa và chứng khoán thế giới vững ở mức cao và lo ngại sản lượng của Brazil có thể giảm sút.

Kết thúc phiên giao dịch, đường thô tăng 0,52 US cent, tương đương 3,3%, lên 16,38 US cent/lb.

Các đại lý nhận định Brazil sẽ rất khó có thể đạt mức sản lượng 36 triệu tấn đường như dự đoán ban đầu. Do đó, giá đường có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, mặc dù xuất khẩu từ Ấn Độ mạnh hạn chế xu hướng giá đường thô tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng đường của Thái Lan năm 2021/22 sẽ hồi phục thêm 40% so với năm 2020/21, lên 10,6 triệu tấn.

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 phiên này cũng tăng 14 USD (3,2%) lên 455,60 USD/tấn.


Cà phê tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,6 US cent, tương đương 0,5%, lên 1,327 USD/lb, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp do lo ngại sẽ thiếu cung cà phê arabia do Brazil bước vào chu kỳ sản lượng thấp – 2 năm một lần. Lo ngại này làm át đi tác động tiêu cực từ đồng real Brazil giảm giá.

“Theo quan điểm của chúng tôi, sự sụt giảm sản lượng của Brazil trong vụ mùa tới là hoàn toàn có thể xảy ra, và áp lực có thể sẽ xuất hiện trên thị trường hàng thực (nhiều hơn) so với thị trường kỳ hạn tương lai”, ngân hàng Rabobank viết trong một thông báo công bố tuần này.

Giá cà phê robusta trên sàn London phiên vừa qua giảm 2 USD tương đương 0,1%, xuống 1,363/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam tuần này giữ ở mức cao. Theo đó, cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 32.000 đến 33.000 đồng (1,39 – 1.43 USD)/kg, so với 31.400 – 32.700 đồng/kg cách đây một tuần.


Cao su tăng 2% nhờ lạc quan vào triển vọng kinh tế Nhật Bản

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng 2% trong phiên vừa qua, là phiên tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết nền kinh tế Nhật đang hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Lúc đóng cửa phiên 15/4, cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka tăng 4,8 JPY, tương đương 2,1%, lên 236,9 JPY/kg.

Nền kinh tế Nhật Bản đang khởi sắc nhờ nhu cầu trên toàn cầu phục hồi và chương trình kích thích tiêu dùng trên quy mô lớn, mặc dù bất kỳ sự phục hồi nào đều có yếu tố rủi ro do đại dịch còn diễn biến phức tạp, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 phiên này cũng tăng 1,4% lên 13.730 CNY/tấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *